Tâm điểm thị trường phiên cuối tuần là báo cáo kết quả kinh doanh quý III của Goldman Sachs. Cổ phiếu Goldman Sachs tăng 3,8% và là động lực chính trên phố Wall sau khi công bố lợi nhuận vượt trội trong quý III. Báo cáo của Goldman Sachs theo sau kết quả tích cực từ Bank of America và những ngân hàng lớn khác trong tuần này.
Kết quả từ các tổ chức tài chính lớn đã mang lại sự khởi đầu mạnh mẽ cho mùa báo cáo quý III của Mỹ, tuy nhiên vẫn cần xem xét dấu hiệu tác động từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát và giá cả tăng cao, đặc biệt là cơn sốt giá nhiên liệu trong những tuần tới.
Mặt khác, Bộ Thương mại Mỹ báo cáo doanh số bán lẻ bất ngờ tăng 0,7% trong tháng 9, trong khi trước đó được dự báo giảm 0,2%. Song các nhà đầu tư vẫn lo ngại rằng những hạn chế về nguồn cung có thể làm gián đoạn mùa mua sắm nghỉ lễ sắp tới. Bên cạnh đó, kết quả sơ bộ khảo sát tâm lý người tiêu dùng trong tháng 10 thấp hơn một chút so với kỳ vọng.
Cổ phiếu của Moderna Inc giảm 2,3%. Một báo cáo của Tạp chí Phố Wall, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này, cho biết Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đang trì hoãn quyết định cho phép tiêm vắc-xin COVID-19 của Moderna cho thanh thiếu niên để kiểm tra xem liệu tiêm có thể làm tăng nguy cơ viêm tim hay không.
Đồng bitcoin đã vượt ngưỡng 60.000 USD lần đầu tiên kể từ tháng 4/2021 khi nhà đầu tư lạc quan về cơ hội được Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) phê duyệt các quỹ ETF hợp đồng tương lai Bitcoin đầu tiên.
Đà tăng vọt của tiền điện tử đã thúc đẩy tâm lý tích cực trên thị trường. Các cổ phiếu liên quan Tesla tăng 3%, Coinbase tăng 7,9%, Riot Blockchain tăng 6,6%.
Đáng chú ý, cổ phiếu của Moderna giảm 2,3% sau một bài báo của Wall Street Journal, tiết lộ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đang trì hoãn quyết định cho phép tiêm vắc-xin Covid-19 của Moderna cho thanh thiếu niên để kiểm tra xem liệu vắc-xin này có thể làm tăng nguy cơ gây ra bệnh tim hay không.
Bộ ba chỉ số chính trên phố Wall đều đóng cửa trong sắc xanh.
Kết thúc phiên 15/10, chỉ số Dow Jones tăng 382,2 điểm (+1,09%), lên 35.294,76 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 33,11 điểm (+0,75%), lên 4.417,37 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 73,91 điểm (+0,5%), lên 14.897,34 điểm.
Trong tuần, Dow Jones tăng 1,58%, S&P 500 tăng 1,82%, Nasdaq Composite tăng 2,18%.
Chứng khoán châu Âu kết thúc tuần tăng tốt nhất trong bảy tháng sau khởi đầu tươi sáng của mùa báo cáo quý III giúp giảm bớt lo ngại của nhà đầu tư về lạm phát.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde hôm thứ Năm, đà tăng lạm phát ở châu Âu vẫn được coi là tạm thời và chưa có dấu hiệu nào cho thấy mức tăng này đang ảnh hưởng đến thu nhập.
Kết thúc phiên 15/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 26,32 điểm (+0,37%), lên 7.234,03 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 124,64 điểm (+0,81%), lên 15.587,36 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 42,31 điểm (+0,63%), lên 6.727,52 điểm.
Trong tuần, FTSE 100 tăng 1,95%, DAX tăng 2,51%, CAC 40 tăng 2,55%.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản nhờ đà tăng trên phố Wall thúc đẩy cổ phiếu các công ty công nghệ.
Chứng khoán Trung Quốc đảo chiều tăng điểm trong bối cảnh cổ phiếu năng lượng leo lên mức cao kỷ lục.
Chứng khoán Hồng Kông tăng nhờ đà tăng của phố Wall song các nhà đầu tư vẫn thận trọng chờ dữ liệu kinh tế quý III của Trung Quốc sẽ được công bố vào 18/10 tới.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng và ghi nhận tuần khởi sắc nhất trong 4 tuần nhờ nhóm cổ phiếu chip thúc đẩy.
Kết thúc phiên 15/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 517,70 điểm (+1,81%), lên 29.068,63 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,09 điểm (+0,40%), lên 3.572,37 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 368,37 điểm (+1,48%), lên 25.330,96 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 26,42 điểm (+0,88%), lên 3.015,06 điểm.
Trong tuần, Nikkei 225 tăng 3,64%, Shanghai Composite giảm 0,44%, Hang Seng tăng 1,98%, KOSPI giảm 1,99%.
Giá vàng đêm qua lao dốc trong bối cảnh Mỹ công bố dữ liệu kinh tế tích cực, dòng tiền trên thị trường tập trung vào các kênh đầu tư rủi ro.
Kết thúc phiên 15/10, giá vàng giao ngay giảm 28,70 USD (-1,6%), xuống 1.767,40 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 29,60 USD (-1,65%), xuống 1.768,30 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,53%. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 0,62%.
Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 13 chuyên gia trên phố Wall, có 5 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 5 người cho rằng giá vàng sẽ giảm và có 3 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến với 1.425 người tham gia, 68% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 19% cho rằng giá vàng giảm và 13% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Giá dầu tiếp tục tăng ổn định vào thứ Sáu, được thúc đẩy bởi các dự báo thâm hụt nguồn cung trong vài tháng tới khi việc nới lỏng các hạn chế đi lại được áp dụng.
Nhà Trắng hôm thứ Sáu cho biết sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với công dân nước ngoài được tiêm chủng đầy đủ từ ngày 8/11.
Các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần này đã bổ sung thêm các giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên trong tuần thứ sáu liên tiếp do giá dầu thô tăng cao thúc đẩy gia tăng sản lượng.
Baker Hughes, cho biết số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ tăng lên 543 giàn trong tuần tính đến ngày 15/10, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Trong khi đó, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cuộc khủng hoảng năng lượng dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu thêm 500.000 thùng/ngày.
Kết thúc phiên 15/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,97 USD (+1,2%), lên 82,28 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,86 USD (+1%), lên 84.86 USD/thùng.
Trong tuần, dầu WTI tăng 3,5%, dầu Brent tăng 3%. WTI có tuần tăng thứ 8 liên tiếp và Brent có tuần tăng thứ Sáu liên tiếp.