Ngân hàng bản việt: Tăng trưởng bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bám sát định hướng “vừa đảm bảo sự tăng trưởng bền vững, vừa đồng hành hỗ trợ tích cực các khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh”, kết thúc năm tài chính 2021, Ngân hàng TMCP Bản Việt đã hoàn thành các chỉ tiêu chính đặt ra.
Mạnh dạn chuyển đổi số, Ngân hàng Bản Việt đã mang lại nhiều trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng. Mạnh dạn chuyển đổi số, Ngân hàng Bản Việt đã mang lại nhiều trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng.

Tăng trưởng - Bền vững - Chất lượng

Báo cáo tại đại hội cổ đông diễn ra giữa tháng 4/2022, ông Ngô Quang Trung - Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt nhấn mạnh, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19, bên cạnh những áp lực về tiết giảm chi phí, sự cạnh tranh trong hoạt động chuyển đổi số của các ngân hàng, Ngân hàng Bản Việt đã chuẩn bị tốt kịch bản ứng phó cùng kế hoạch kinh doanh linh hoạt, thích ứng với từng thời kỳ, đặc biệt tập trung vào quản lý rủi ro, nên các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng đều hoàn thành đúng kế hoạch.

Cụ thể, tính đến thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 76.500 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 56.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt hơn 46.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 16%. Lợi nhuận đạt 311 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch đề ra.

Trong năm qua, bám sát định hướng “tăng trưởng - bền vững - chất lượng”, công tác quản trị rủi ro được Ngân hàng Bản Việt chú trọng đặc biệt để phù hợp với bối cảnh dịch bệnh cũng như “bình thường mới” thông qua việc áp dụng hàng loạt chính sách quản lý rủi ro tín dụng, triển khai triệt để các thông tư về cơ cấu nợ của Ngân hàng Nhà nước, đồng hành cùng khách hàng bằng các biện pháp linh hoạt như hỗ trợ lãi suất, miễn giảm phí…

Bên cạnh đó, trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài, Ngân hàng Bản Việt còn nỗ lực đẩy mạnh hoạt động xử lý, thu hồi nợ, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm 2021 ở mức 2,5%.

Cũng trong năm 2021, Ngân hàng Bản Việt đã hoàn thành các dự án trọng điểm phục vụ cho việc quản trị chất lượng và hiệu quả hoạt động như dự án phân tích lợi nhuận đa chiều, lợi nhuận điều chỉnh rủi ro trên vốn RAROC; triển khai các dự án hiện đại hóa và nâng cao minh bạch theo chuẩn mực quốc tế như Chuẩn mực báo cáo tài chính IFRS9, hệ thống Quản lý quan hệ khách hàng CRM trên nền điện toán đám mây…

Về hoạt động ngân hàng số, Ngân hàng Bản Việt tiếp tục ghi nhận kết quả khả quan khi được đánh giá là 1 trong 3 ngân hàng dẫn đầu, mà việc cho ra mắt hệ thống ngân hàng số Digimi ngay trong thời điểm giãn cách xã hội (tháng 7/2021) với hàng loạt tính năng, tiện ích để kịp thời phục vụ khách hàng là một minh chứng rõ nét.

Đáng chú ý, ứng dụng ngân hàng số Digimi được vinh danh là “Ứng dụng ngân hàng mới tốt nhất Việt Nam 2021” do Tạp chí Global Banking & Finance Review bình chọn, qua đó mang lại sự tăng trưởng tốt về số lượng khách hàng mới cho Ngân hàng.

Ngân hàng Bản Việt đã nhanh chóng và linh hoạt điều chỉnh các chương trình, chính sách để đảm bảo sự ổn định và tăng trưởng phù hợp, từ đó không chỉ mở rộng tệp khách hàng mới, mà còn gia tăng tỷ lệ khách hàng thân thiết.

Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt

Năm 2021, tổng số lượng khách hàng tăng gần 60% so với 2020, trong đó khách hàng mới trên kênh số tăng trưởng gần gấp đôi, còn số lượng giao dịch và giá trị giao dịch tăng gấp ba.

“Năm 2021 là năm có nhiều thách thức vì những ảnh hưởng nặng nề không lường trước của dịch bệnh và những thay đổi của thị trường. Bên cạnh định hướng chung đưa ra hồi đầu năm, Ngân hàng Bản Việt đã nhanh chóng và linh hoạt điều chỉnh các chương trình, chính sách để đảm bảo sự ổn định và tăng trưởng phù hợp, từ đó không chỉ mở rộng tệp khách hàng mới, mà còn gia tăng tỷ lệ khách hàng thân thiết. Điều này cho thấy sự tin tưởng và uy tín của Ngân hàng Bản Việt ngày càng cao đối với khách hàng, thị trường”, ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt chia sẻ.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng tốc bán lẻ

Đón đầu sự phục hồi kinh tế trong bối cảnh bình thường mới, Ngân hàng Bản Việt chủ trương đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bán lẻ, bù đắp thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và đảm bảo sự tăng trưởng theo mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, Ngân hàng vẫn bám sát định hướng “tăng trưởng với quan điểm thận trọng”.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc đã trình cổ đông thông phương án kinh doanh 2022, tập trung vào các nội dung chính: (i) Tiếp tục linh hoạt xây dựng khẩu vị rủi ro để đồng hành cùng khách hàng và tăng trưởng tín dụng bền vững, (ii) Dịch chuyển sang bán lẻ nhanh hơn nữa và giảm thiểu rủi ro, (iii) Nâng tỷ trọng doanh số từ kênh ngân hàng số, (iv) Tiếp tục mở rộng mạng lưới tới quy mô phù hợp với định hướng phát triển trong thời gian tới.

Các cổ đông đã đồng thuận cùng với kế hoạch tài chính năm 2022. Cụ thể, tổng tài sản tăng 27%, đạt 97.000 tỷ đồng; huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư hơn 71.000 tỷ đồng, tăng 28%; dư nợ cấp tín dụng đạt hơn 53.000 tỷ đồng, tăng 15% (tốc độ tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào sự chấp thuận của NHNN); lợi nhuận trước thuế đạt 450 tỷ đồng, tăng 44%.

Trong năm 2022, kế hoạch phát triển mạng lưới của Ngân hàng tăng thêm 15 điểm giao dịch, nâng tổng số lên 131 đơn vị trên toàn hệ thống. Riêng trong quý I và tháng 4/2022, Bản Việt đã mở thêm 18 điểm giao dịch mới, nâng tổng số chi nhánh/phòng giao dịch lên 106 điểm trên toàn quốc.

Bám sát mục tiêu 2022, ngay từ quý I/2022, Ngân hàng Bản Việt đã đẩy mạnh tốc độ dịch chuyển sang bán lẻ thông qua việc cải thiện các chính sách, đưa ra chương trình, sản phẩm hiệu quả, theo danh mục và phù hợp khách hàng.

Cụ thể, dư nợ tín dụng tăng trưởng 6,8% so với cuối năm 2021, thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng 23%, đạt lợi nhuận quý I theo mục tiêu đặt ra với 173 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến 31/3, tổng tài sản đạt gần 78.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.

Huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 57.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt hơn 49.500 tỷ đồng, tăng lần lượt 28%, 18% so với quý I/2021. Song song với việc đẩy mạnh kinh doanh, dịch chuyển sang bán lẻ mạnh mẽ, Ngân hàng Bản Việt vẫn tiếp tục bám sát định hướng tăng trưởng bền vững, đảm bảo việc giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Ngay trong quý I, hoạt động xử lý và thu hồi nợ được tích cực triển khai, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm còn gần 2,4%.

Hoạt động ngân hàng số tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu trở thành kênh trọng yếu thay thế kênh truyền thống đối với dịch vụ tài chính nhỏ lẻ. Các sản phẩm, tiện ích tối ưu nhất sẽ được đưa đến khách hàng trong năm 2022: vay tiêu dùng, đầu tư, bảo hiểm trên ngân hàng số Digimi hay kios giao dịch tự động Digimi+… Với tinh thần mạnh dạn - dám thử nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số, Ngân hàng Bản Việt đã mang lại nhiều trải nghiệm mới mẻ, hữu ích đến khách hàng.

Bản Việt là một trong các ngân hàng tiên phong đưa vào các tính năng giao dịch mới phục vụ khách hàng trên ngân hàng số Digimi: Mở thẻ tín dụng online, chuyển/nhận tiền 247 bằng QR, số điện thoại, vay cầm cố sổ tiết kiệm, nhiều hình thức gửi tiết kiệm…

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên đầu tháng 4/2022, ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc nhấn mạnh, Ngân hàng Bản Việt sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực, công nghệ một cách hiệu quả để hoạt động chuyển đổi số có chỉ số sinh lời tốt và là ngân hàng mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

“Chúng tôi đặt trọng tâm trong các chương trình hành động giai đoạn 2021 - 2023 trở thành ngân hàng bán lẻ dễ tiếp cận từ sản phẩm, dịch vụ, tiện ích đến dễ tiếp cận về địa lý và nâng cao trải nghiệm khách hàng”, ông nói.

Mục tiêu của Ngân hàng Bản Việt là nâng cao lợi ích kinh doanh, gia tăng lợi ích cổ đông. Tại đại hội cổ đông thường niên 2022 của Ngân hàng Bản Việt, các cổ đông cũng đã thông qua tờ trình triển khai phương án tăng vốn mà trước đó đã được thông qua bằng văn bản theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-ĐHĐCĐ ngày 21/12/2021. Số vốn điều lệ tăng là 1.618 tỷ đồng, nâng tổng số vốn điều lệ của Ngân hàng lên hơn 5.298 tỷ đồng, nhằm gia tăng tiềm lực tài chính và phục vụ cho chiến lược phát triển trung và dài hạn của Ngân hàng. Sau gần 2 năm gia nhập sàn UPCoM, cổ phiếu BVB cũng được đánh giá là cổ phiếu có tính thanh khoản tốt. Khối lượng giao dịch trung bình và giá trị giao dịch trung bình trong 6 tháng gần đây lần lượt đứng Top 5, Top 3 trên thị trường UPCoM và Top 13 các ngân hàng niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Bảo Uyên
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2022

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục