Trong số đó có nhiều ông bố, bà mẹ khoe rằng đã chắt chiu, dành dụm được một khoản kha khá để con cái có thể du học bên trời Tây. Thậm chí, có chị còn tính nước đầu tư mạo hiểm khi trong tay chỉ có 500 triệu đồng, đủ chi dùng cho năm đầu tiên con chị bước chân sang Canada. “Có gì đâu, cứ vừa học vừa làm. Chả lẽ bám sàn cả năm không kiếm được hai ba trăm triệu”, chị nói.
Mấy ngày nay, trong cái nắng chang chang gần 40 độ C, hàng nghìn ông bố, bà mẹ gạt mồ hôi, đứng chờ con trước cổng trường. Những đứa trẻ, niềm hy vọng của mọi gia đình, khoản đầu tư dài hạn mà cha, mẹ có thể nhịn ăn, nhịn mặc để dành dụm chắt chiu cho chúng, cũng đang vã mồ hôi trong phòng thi, đánh vật với các bài thi mà ngôn từ chung được học sinh gọi là “hại não”.
Cũng những ngày này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Ðào tạo Phùng Xuân Nhạ đăng đàn tại Quốc hội. Trong phần trả lời chất vấn các đại biểu của ông, có 2 con số đáng chú ý. Một là, hàng năm ước có khoảng 3-4 tỷ USD chảy ra khỏi Việt Nam chi tiêu cho giáo dục. Hai là, hơn 200.000 người trong độ tuổi lao động (từ 15 - 60 tuổi) có trình độ đại học không có việc làm.
Trong khi đó, có những doanh nghiệp niêm yết như FPT, CMC và nhiều ngân hàng, nhiều doanh nghiệp sản xuất khác đang than thở thiếu trầm trọng nguồn nhân lực.
Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình cho biết, đang có cuộc chạy đua khốc liệt để giành giật tài năng và cả nhân lực trong ngành công nghệ thông tin. Mức lương cho nhân sự đang gia tăng chóng mặt, kéo theo chi phí của doanh nghiệp tăng mạnh và biên lợi nhuận trong nhiều trường hợp bị giảm sút rất lớn. Ở thời điểm này, FPT thậm chí còn không dám nhận nhiều đơn hàng vì thiếu người làm.
Những bức tranh đối lập cùng lúc diễn ra ở trường học, trường thi, ở phần chất vấn tại nghị trường và ở các doanh nghiệp cho thấy câu chuyện thực tế về nguồn nhân lực - một trong những lợi thế mà Việt Nam thường tự hào khi đề cập đến trong các cuộc xúc tiến đầu tư. Tại sao nhiều người thất nghiệp trong khi các doanh nghiệp lại đang thiếu trầm trọng nhân lực có khả năng làm được việc?
Tại sao nhiều trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam phải mót nhặt sinh viên trong khi một lượng lớn ngoại tệ “chảy máu” ra nước ngoài? Tại sao cuộc đua vào nhiều trường công và cả trường tư ở Hà Nội và TP. HCM trở nên quá khốc liệt như hiện nay?
TS. Trần Ðình Thiên khi kiến giải câu chuyện trên đã nói một câu ngắn gọn: Lỗi ở ngành giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực chậm cải thiện. Kết quả là thiếu cứ thiếu, thừa cứ thừa. Khi cần thì mạnh ai nấy chạy. Lời giải căn cơ sẽ chỉ đến khi từng tế bào là gia đình, đến nhà trường, xã hội thống nhất về quan điểm, tiêu chí về chất lượng giáo dục và chung nỗ lực thực thi.
Trường thi nóng bừng bởi sức ép cạnh tranh giữa các thí sinh rất lớn. May là gần 1 tuần nay, chứng khoán đã vượt qua tình trạng giảm sốc, nhiều nhà đầu tư bám sàn bớt phải lo nghĩ, dành thời gian đưa con đi thi.
Thực tế, đầu tư chứng khoán mỗi người có thể chọn chiến lược ngắn hạn hay dài hạn, tùy khẩu vị và cơ hội. Nhưng đầu tư cho giáo dục thì chắc chắn không thể ngắn hạn được. Ðó phải là một chiến lược dài hạn, bền bỉ và chuẩn mực mới mong đến thành công.