Ngẫm về được, mất thương trường

(ĐTCK) Nếu Toxic (độc hại) được Từ điển Oxford lựa chọn là “từ của năm 2018” bởi tần suất xuất hiện nhiều trong các thảo luận và ẩn dụ để mô tả môi trường làm việc, văn hóa, các mối quan hệ…, thì với thị trường chứng khoán Việt, từ của năm thích hợp nhất có lẽ là “biến động”.
Ngẫm về được, mất thương trường

Năm qua, VN-Index có 38 phiên giao dịch có mức biến động trên 2%. Ðiều đáng nói, số phiên tăng ít hơn số phiên giảm (17 phiên tăng, 21 phiên giảm). Có lẽ, chính bởi biến động lớn này mà nhiều nhà đầu tư trở tay không kịp và đánh rơi mất cảm xúc đầu tư.

Thế nên mới có câu chuyện vui là một nhà đầu tư đến báo với cảnh sát về việc anh này bị cướp. Khi cảnh sát hỏi rằng, anh bị ai cướp, cướp ở đâu thì khổ chủ chỉ biết ú ớ: Em chẳng biết mặt, chỉ biết mất trên… sàn chứng khoán.

Dù có nhiều biến động, nhưng sàn chứng khoán vẫn như một sân khấu đẹp mà rất nhiều doanh nghiệp ao ước được lên đó để thể hiện tài năng. Năm qua, các doanh nghiệp địa ốc tỏ ra khá hào hứng. Cổ phiếu của Vinhomes, Văn Phú, Hải Phát, Cenland… tạo được sức hút nhất định và làm đa dạng thêm danh mục mua sắm cho các nhà đầu tư.

Không ít doanh nghiệp địa ốc khác khao khát.

Giới địa ốc cuối năm 2018 bàn tán nhiều về trường hợp MBLand. Từng là công ty con của một  ngân hàng lớn và có nhiều dự án được quảng cáo rầm rộ khắp trong Nam, ngoài Bắc, MBLand được không ít nhà đầu tư quan tâm và hy vọng sẽ tái cơ cấu, đưa doanh nghiệp lên sàn.

Nhưng thực tế chẳng mấy khi đẹp như… quảng cáo. Sau những hào hứng ban đầu, nhà đầu tư mới như “vấp phải đá” khi doanh nghiệp đang trong diện bị thanh tra, một số dự án tắc đường triển khai, vướng víu cả về pháp lý…

Nhóm cổ đông chiến lược mua lại doanh nghiệp gồm 3 pháp nhân, nhưng hiện chỉ còn 1 ở lại. “Cuộc chơi” trong đầu tư tài chính và địa ốc không dễ hái ra thành quả như kế hoạch ban đầu.

Thực hiện M&A rồi đưa doanh nghiệp lên sàn chứng khoán vẫn luôn là giấc mơ đẹp của những tân binh. Ðây là con đường phổ biến hiện nay, được nhiều doanh nghiệp thực hiện như con đường tắt để nhanh chóng lớn lên, tạo dựng thương hiệu, hiện diện trên thị trường.

Tuy nhiên, để thành công trong M&A là một câu chuyện khó. Trong trường hợp “thuận duyên” thì sau khi lên sàn, việc tạo dựng giá trị và duy trì được giá trị doanh nghiệp trên thương trường tiếp tục là câu chuyện khó không kém.

Năm 2018 còn là năm điển hình về sự lạc nhịp giữa sức khỏe doanh nghiệp và giá trị cổ phiếu.

Kết thúc năm tài chính 2018, không ít doanh nghiệp công bố lợi nhuận sau thuế tăng mạnh so với năm trước đó và hoàn thành kế hoạch đề ra. Vậy nhưng, giá cổ phiếu lại có diễn biến giảm, dù triển vọng kinh doanh vẫn sáng.

Thị trường thường không đi đúng quy luật bởi chịu tác động của rất nhiều yếu tố khác nhau. Nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp kinh doanh, làm ăn tốt, nhưng giá trị cổ phiếu suy giảm (trong ngắn hạn) là… điều bình thường. Tại TTCK Việt Nam thì tình trạng này càng phổ biến.

Tuy nhiên, trên chặng đường dài, thành quả sẽ đến với những doanh nghiệp tốt từ nội lực và những nhà đầu tư chọn ra cho mình món hàng xứng đáng để sở hữu. Còn đầu tư theo cảm xúc hoặc quảng cáo thì tài sản dễ… theo gió mà bay.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục