Ngẫm nghĩ dọc đường

(ĐTCK) Vùng cao không chỉ hấp dẫn du khách bởi sự hùng vĩ của núi, sự mê hoặc của ruộng bậc thang, mà còn bởi sự thật thà, chất phác của người vùng cao. Văn hóa bản địa với những nét độc đáo riêng có còn trở thành đề tài cho nhiều tay máy.
Dù sự hiện đại đã len lỏi vào từng bản làng, nhưng người dân tộc vùng cao vẫn giữ được bản sắc riêng của mình Dù sự hiện đại đã len lỏi vào từng bản làng, nhưng người dân tộc vùng cao vẫn giữ được bản sắc riêng của mình

Sau một thời gian dài quen với việc tiếp nhận hình ảnh vùng cao gian khó, cuộc sống vất vả với những ngôi nhà liêu xiêu, lụp xụp, những đứa trẻ thiếu ăn, thiếu mặc và lem luốc, nhiều du khách tự đặt cho mình một định kiến: đã là vùng cao thì phải như vậy. Họ tỏ ra bớt vui khi đến tận nơi mà không được chứng kiến cảnh tượng khó khăn, thiếu thốn, đôi lúc còn tỏ ra khó chịu bởi sự tiến bộ, đi lên của đời sống đồng bào vùng cao với những ngôi nhà khang trang hơn, tiện nghi hơn với ý nghĩ, như thế đâu còn là vùng cao nữa.

Tôi trộm nghĩ, trong khi mỗi ngày, chúng ta đều mưu cầu cho mình một cuộc sống đủ đầy về vật chất, với các thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ cuộc sống, thậm chí nhiều người thích du lịch và sẽ đi khi có thời gian, tiền bạc, ấy vậy mà chúng ta lại giữ một góc nhìn ích kỷ lắm với sự tiến bộ của người dân vùng cao.

Thử hỏi, cuộc sống của chúng ta đã thay đổi bao nhiêu trong khoảng thời gian chỉ tính bằng ngày, bằng tháng: hôm nay tivi màn hình phẳng, ngày mai là siêu mỏng và ngày kia sẽ là cong HD, rồi điện thoại thông minh nâng đời liên tục, các trang thiết bị phục vụ cuộc sống, tiện ích trang bị đến tận răng, trong khi với đồng bào vùng cao, một sự đổi thay dù rất nhỏ có khi cũng phải tính bằng nhiều năm tháng. Và đôi khi, có những người cả đời chưa hề ra khỏi bản chứ đừng nói chuyện du lịch Tây - Đông.

 Đời sống của đồng bào vùng cao đang ngày một cải thiện, phương tiện đi lại không còn là ngựa, mà là xe máy

Có anh bạn tôi khi bắt gặp hình ảnh đồng bào dân tộc ăn mặc như người dưới xuôi, cưỡi chiếc xe Win tàu cũ nát đi chợ đã thất vọng lắc đầu: “Cứ tưởng lên đây được thấy nhiều người dân tộc, đi bộ và cưỡi ngựa, giờ họ mất hết cái bản sắc rồi cậu ạ…”.

Tôi không trách bạn của mình, vì cách đây chưa lâu, tôi cũng có ánh nhìn như thế. Nhưng trong một lần thử đặt mình vào cương vị đồng bào, tôi thấy thật dễ hiểu cho khát vọng có được một cuộc sống đủ đầy của họ, dù chỉ mới ở mức khiêm tốn. Từ đó, tôi thấy mình thật ích kỷ nếu cứ giữ quan điểm cũ.

Cuộc sống xoay vần và mọi con người đều ước mơ một cuộc sống tốt đẹp hơn, như anh bạn tôi nói cũng không hẳn sai hoàn toàn, nhưng tôi nghĩ, đồng bào vẫn có thể ăn mặc như dưới xuôi, vẫn có thể chạy xe máy, thậm chí ô tô để thuận tiện cho cuộc sống, công việc. Việc gìn giữ bản sắc văn hóa đâu chỉ bởi tấm khăn, manh áo. Chỉ cần họ vẫn nhớ đến bản sắc dân tộc mình, duy trì thói quen, tập tục đặc trưng là đủ, đặc biệt là trong những dịp lễ lạt, hội hè (ngày lễ hội thì ăn vận quấn áo của dân tộc, thực hiện các lễ nghi, phong tục của dân tộc mình).

 Trẻ em vùng cao cần được đến trường để có tương lai tốt đẹp hơn

Chẳng phải chúng ta vẫn thường nói với nhau bây giờ là thời của công nghệ, của thế giới phẳng, mỗi chúng ta đều là công dân toàn cầu hay sao, mà còn bắt đồng bào tham gia giao thông chỉ duy nhất bằng ngựa hoặc là cuốc bộ?

Một điều nữa, khi đến với các bản làng vùng cao, ít nhiều du khách đều gây ra những sự xáo trộn không hề nhỏ với người bản địa. Sự vô tâm thái quá khi chúng ta cười nói, chụp ảnh ít nhiều cũng khiến người vùng cao thấy phiền lòng. Đôi khi chúng ta đang thỏa thuê niềm vui của mình mà vô tình lại gây sự khó chịu cho người khác. Điều đấy nên chăng?

Có nhiều du khách còn tạo ra những tiền lệ xấu, đó là cho trẻ em vùng cao bánh, kẹo một cách vô tội vạ, như một món quà, cho trẻ em tiền để chúng làm điều mình muốn (ví dụ để chụp ảnh cùng). Có thể điều đó xuất phát từ mục đích tốt, từ sự cảm thông trước sự thiếu thốn của các em, nhưng hãy thử tưởng tượng, để được ăn kẹo, cho tiền, các em sẵn sàng bỏ học chỉ để chờ đợi ngày mai lại gặp những vị khách hào phóng từ dưới xuôi lên. Chắc chắn như vậy các em sẽ thất học, mà thất học thì chẳng cần nói chúng ta cũng biết, các em đánh mất cả tương lai của mình.

Mới đây thôi, trên những diễn đàn về du lịch, nhiều người đã lên tiếng kêu gọi hạn chế việc cho kẹo, cho tiền để tránh “làm hư” trẻ vùng cao. Tôi chợt nghĩ, chúng ta còn nhiều cách khác để cho đi tình cảm của mình, ngoài kẹo và tiền. Trên hết, khi chúng ta là khách, chúng ta đừng ích kỷ.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục