Ngại cưới vì giá nhà

(ĐTCK) Quỳnh vẫn chưa mua nổi căn hộ 2 phòng ngủ sau gần hai năm đuổi hụt hơi với giá nhà.

1. Quỳnh làm trong ngành ngân hàng - thuộc nhóm có mức lương cao nhất theo khảo sát gần đây của TopCV.

Với lương chuyên viên trung bình 18 triệu đồng/tháng, trưởng nhóm ngành ngân hàng có thể lên tới 27 triệu đồng/tháng và quản lý/trưởng phòng là 39 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với mức lương trung bình của ngành sản xuất, xây dựng và logistis và chỉ thấp hơn so với các vị trí tương tự trong ngành IT.

Chồng công tác tại một viện nghiên cứu thuộc cơ quan nhà nước, lương chưa đến mức đóng thuế thu nhập. Thỉnh thoảng, anh có các dự án thì sẽ được hưởng mức thù lao khá tốt, nhưng không thường xuyên và ổn định. Kinh tế gia đình chủ yếu do Quỳnh gánh vác, nên chuyện nhà cửa cũng do Quỳnh quyết.

Thế nhưng, dù lương ở mức cao so với mặt bằng chung, gần 10 năm qua, hai vợ chồng Quỳnh vẫn chật vật với câu chuyện nhà cửa, nếu không muốn nói thực sự khó nếu chỉ tự thân vận động mà không có sự hỗ trợ gia đình.

Quỳnh kể, với mức giá từ 40 - 70 triệu đồng/m2, nếu lựa chọn dự án có mức giá vừa phải tầm 58 triệu đồng/m2, một căn hộ 60 m2 sẽ có giá 3,5 tỷ đồng. Nếu vay ngân hàng 70% giá trị căn nhà (2,4 tỷ đồng) lãi suất 8%/năm trong 20 năm, chi phí trả góp hàng tháng sẽ vào khoảng 25 - 27 triệu đồng (tương ứng 300 triệu đồng mỗi năm), vượt xa mức chi trả tối đa tính trên tổng thu nhập của gia đình và gần như không thể mua nhà.

Một nghiên cứu mới đây từ chuyên trang Batdongsan.com cũng cho thấy, tốc độ tăng giá nhà tại Việt Nam đang vượt xa tốc độ tăng thu nhập và người lao động, dù ở tầm tuổi nào cũng đều gặp khó khăn khi tiếp cận nhà ở. Cụ thể, tăng trưởng giá nhà trong 5 năm của Việt Nam đạt mức 59%, trong đó giá nhà trung bình tại Hà Nội hiện nay là 61 triệu đồng/m2, còn TP.HCM là 57 triệu đồng/m2. Còn thu nhập bình quân của một lao động Việt Nam mỗi tháng vào khoảng 7,5 triệu đồng, tăng 7% mỗi năm.

Theo Batdongsan.com.vn, nếu so sánh lương trung bình và giá nhà, một người lao động ở độ tuổi trên dưới 30 sẽ mất khoảng 25,8 năm thu nhập để mua được một căn chung cư (rộng 60 m2) với giá khoảng 3 tỷ đồng, trong điều kiện lãi suất huy động là 4,5%/năm.

Còn theo dữ liệu từ Numbeo - nền tảng thống kê chi phí sống toàn cầu, cho thấy, chỉ số Giá nhà trên thu nhập (HPR) của Việt Nam giữa năm 2024 đạt 22,8 điểm, thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á. Khả năng chi trả cho khoản vay của người Việt cũng rất thấp, chỉ đạt 0,4 điểm, phản ánh rõ rệt sự chênh lệch giữa tốc độ gia tăng thu nhập và giá nhà.

Dù theo quy luật thị trường, khi nhu cầu cao mà nguồn cung thấp, giá sẽ tăng, nhưng nếu giá nhà tăng đến mức khó tiếp cận với phần đông người có nhu cầu, sẽ gây ra các ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế - xã hội.

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, trong khoảng hơn 30 năm qua, xu hướng hôn nhân và mức sinh ở nước ta thay đổi rất lớn. Tuổi kết hôn tăng mạnh, tỷ lệ kết hôn giảm, làm mức sinh giảm tới một nửa.

Cụ thể, từ năm 1989 - 2023, trung bình độ tuổi kết hôn lần đầu của nam từ 24,4 và nữ là 23,2 đã tăng lên 29,3 tuổi với nam và 25,1 đối với nữ vào năm 2023. Tỷ lệ người độc thân cũng đang có xu hướng tăng nhanh, từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% năm 2019.

Xu hướng không muốn hoặc sinh 1 con đang lan rộng trong các đô thị, nhất là những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Mức sinh cũng giảm rõ rệt, từ 3,8 con vào năm 1989 xuống dưới 2 con vào năm 2023. Trong giai đoạn 2013 - 2023, trung bình mỗi năm dân số Việt Nam chỉ tăng khoảng 1 triệu người.

Đáng chú ý, tại TP.HCM, số liệu thống kê từ của Tổng cục Thống kê vào tháng 7/2024 cho thấy, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 30,4, mức kỷ lục tại Việt Nam. Số con trung bình của một phụ nữ TP.HCM trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32.

Một phần lý giải cho tình trạng trên là bởi áp lực phải mua được nhà trước khi kết hôn hoặc sinh con, nên nhiều người lo “cày ngày, cày đêm", mà bỏ qua thời điểm “vàng" để lập gia đình, sinh con.

2. Thực tiễn cho thấy, việc giá nhà vượt quá khả năng chi trả của người dân không phải là vấn đề chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà ở rất nhiều nước trên thế giới, cả những nước phát triển. Để giải quyết vấn đề về nhà ở, đặc biệt là nhà ở bình dân không phải chuyện sớm một chiều, mà cần đóng góp của các thành phần trong xã hội, chung tay hợp tác công - tư và cả từ người dân. Trong đó, cơ chế, chính sách là rất quan trọng để giải quyết vấn đề.

Tại Việt Nam, thời gian vừa qua đã có nhiều đề xuất về việc có biện pháp chấn chỉnh, xử lý hành vi đầu cơ, thổi giá chung cư, từ đó hạ nhiệt giá nhà. Thế nhưng, việc xác minh hành vi thổi giá, đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản là không dễ dàng, từ phương diện quy định, đến thực tế.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân giá nhà đất bị đẩy lên quá cao hiện này là do hoạt động đầu cơ, cũng như cố tình thổi giá của chủ đầu tư, hay các môi giới bất động sản. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu và thực tế cũng chỉ ra rằng, một phần nguyên nhân không nhỏ là do chênh lệch cung cầu khi nhu cầu cao, trong khi nguồn cung bị thắt chặt do nhiều nguyên nhân.

Năm 2025, nguồn cung căn hộ sơ cấp cho cả 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM khoảng 40.000 căn. Tuy nhiên, so với khoảng 200.000 người có nhu cầu về nhà ở gia tăng mỗi năm ở cả 2 thành phố lớn này, thì nguồn cung trên rất khiêm tốn, do đó khó có thể kỳ vọng “hạ nhiệt” giá bất động sản. Đó là chưa kể, các loại chi phí như tài chính, đất đai... đang tăng cao, sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển dự án của các doanh nghiệp bất động sản và giá nhà.

Dường như Chính phủ cũng xác định rõ nguyên nhân nội tại của thị trường ở vấn đề nguồn cung, nên đang quyết tâm trong việc giải bài toán giá nhà ở thông qua việc tăng cung nhà ở xã hội.

Theo đó, ngày 10/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 130/CĐ-TTg về việc đôn đốc tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, để giải quyết bài toán về nhà ở cho số đông người dân, bên cạnh việc tăng cung nhà ở xã hội tại đô thị, Nhà nước cần nghiên cứu các chính sách can thiệp để phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền. Dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền sẽ do các doanh nghiệp phát triển, dựa trên cơ sở lợi nhuận ở mức độ hợp lý do Nhà nước kiểm soát.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu để loại bỏ các “chi phí không tên" trong quá trình phát triển dự án, giúp giá nhà hợp lý hơn.

Linh Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục