Ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó, không thể 3D: “đần, đui, điếc”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên giao dịch ngày 19/1 để lại những bài học gì cho những nhà đầu tư mới bước chân vào thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây?
Ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó, không thể 3D: “đần, đui, điếc”

Vài ngày trước một số tờ báo kinh tế và kinh doanh, trong đó có Tinnhanhchungkhoan.vn, đã đăng tải những bài viết phát ra cảnh báo của các các công ty chứng khoán, chuyên gia kinh tế và cả những nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm ‘chứng trường’ về tình trạng tăng nóng của thị trường chứng khoán trong thời gian qua, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư mới nên chốt lời sớm và thu hẹp danh mục đầu tư.

Sau khi những cảnh báo đầu tiên được phát ra thị trường vẫn tiếp tục đi lên, rất nhiều mã cổ phiếu vẫn tăng mạnh, thậm chí tăng trần vài ba phiên. Nếu thị trường có điều chỉnh thì cũng chỉ diễn ra trong phiên hoặc chốt phiên chỉ giảm vài ba điểm. Sắc xanh vẫn bao trùm lên sắc đỏ của bảng điện tử. Dòng tiền vào thị trường quá mạnh nhanh chóng ‘cân’ hết lượng hàng bán ra, giúp thị trường lấy lại cân bằng trong giây lát.

Chính những yếu tố này đã ru ngủ nhiều nhà đầu tư F0, làm cho sự tự tin của họ tăng lên ngút ngàn, thậm chí ảo tưởng về sức mạnh của mình. Có người còn đăng tải trên Facebook những ngày trước, rằng: “Mấy thể loại kinh phân tích kỹ thuật hay kinh nghiệm bao năm giờ đây vứt vào sọt rác hết. Công thức thành công năm 2021 chỉ đơn giản là 3 Đ: Đần - Đui - Điếc”.

Thế nhưng khi năm 2021 mới chỉ bước sang tuần thứ ba thôi, sau phiên giao dịch buổi sáng 19/1, đã có những tiếng than trên một vài nhóm chat zalo, rằng: Phiên giao dịch hôm nay là một phiên thảm sát F0; Đã có những tiếng than khóc; hay Đòn đau đầu tiên đối với F0; vân vân và vân vân.

Sở dĩ bầu không khí ảm đạm tới mức như vậy là bởi, kết thúc phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index đã mất tới 70 điểm, tương đương với việc giảm tới hơn 6%. Liếc qua bảng giá cổ phiếu thuộc nhóm VN30, có tới 14 mã nằm sàn, còn lại toàn bộ chìm sâu trong sắc đỏ.

Đến đây lại nhớ lại lời của một nhà đầu tư tên Hoàng nói ngày hôm trước, rằng: Điều mà anh lo nhất là lúc thị trường mất thanh khoản, nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường. Đã có thời điểm vào năm 2018, bảng giá chứng khoán nhiều phiên liên tiếp gần như trắng bên mua. Nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu cũng không bán được.

Gợi nhớ lại kinh nghiệm đau thương của nhiều nhà đầu tư hồi năm 2008, nhà đầu tư có trên 10 năm kinh nghiệm này hối thúc đây là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư chốt lời đối với những mã cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian qua. Anh thậm chí còn tiết lộ mình đã đóng vị thế từ hơn một tuần trước đây và hiện đang đứng ngoài thị trường để quan sát.

Đúng như những gì mà anh Hoàng cảnh báo, nhà đầu tư đã dẫm đạp lên nhau mà chạy trong phiên giao dịch kinh hoàng ngày 19/1. Hàng loạt cổ phiếu bị bán ra bằng mọi giá. Dòng tiền nâng đỡ thị trường tỏ ra hết sức yếu ớt so với lực bán ra quá mạnh. Đã có khá nhiều mã cổ phiếu, trong đó có cả những cổ phiếu được thị trường cho là rất mạnh trong thời gian qua trắng bên mua, nhà đầu tư muốn bán ra cũng chẳng thể bán được nữa.

Phải thẳng thắn mà nói, để có được cảm nhận và bản lĩnh thị trường như nhà đầu tư tên Hoàng nói trên, phải có cả một quá trình rèn luyện và hun đúc, thậm chí cả những mất mát đau thương trên chứng trường.

Điều đáng nói ở đây vào lúc này là, lớp nhà đầu tư mới rút ra được gì sau phiên giao dịch ngày 19/1 này. Tất nhiên mỗi người sẽ có được những bài học của riêng mình. Nhưng những bài học kiểu như: Trong đầu tư chứng khoán thì việc quản trị rủi ro phải được đặt lên hàng đầu trước khi nghĩ tới việc kiếm lời; Phải biết kiềm chế lòng tham; Phải biết ‘xuống tàu đúng lúc’; Chốt lời không bao giờ sai…, phải được thuộc nằm lòng.

Người ta thường nói, ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó. Việc thua đau, thậm chí là quá đau, trong phiên giao dịch ngày hôm nay, sẽ giúp những nhà đầu tư còn non kinh nghiệm thêm trưởng thành trong thời gian tới.

Còn giờ đây, có một điều mà nhà đầu tư được giới chuyên gia chứng khoán khuyến nghị là: Sau phiên giao dịch 19/1, tín hiệu xấu tạm thời về xu hướng sẽ khiến thị trường mất thời gian ổn định và phục hồi. VN-Index có thể sẽ kiểm nghiệm lại vùng hỗ trợ 1.033 – 1.064 điểm và có thể sớm xuất hiện nhịp hồi phục mạnh trở lại ở vùng điểm này. Thông thường, diễn biến giảm nhanh và mạnh của thị trường thường sẽ không kéo dài mà chỉ trong 1-2 phiên giao dịch. Các cổ phiếu bị bán sàn sẽ sớm phục hồi ngay sau khi giao dịch ổn định trở lại.

Giới chuyên gia chứng khoán cũng khuyến nghị nhà đầu tư nên đưa tỷ trọng cổ phiếu và tiền về mức an toàn, có thể xem xét mua trở lại tại các vùng hỗ trợ trên. Tuy nhiên, khi tâm lý ngắn hạn ảnh hưởng, nhà đầu tư cũng cần quản lý chặt danh mục, thực hiện "cắt lỗ, chốt lời" theo kỷ luật.

Giám đốc phân tích một công ty chứng khoán có thị phần môi giới thuộc loại tốp đầu của thị trường thì nhận định: “Thị trường có thể giảm tiếp trong phiên giao dịch ngày 20/1 và cùng lắm là hết phiên sáng ngày 21, dao động tối đa ở khu vực 1040-1080 điểm và sau đó có thể hồi rất mạnh. Trend lên vẫn còn”.

Triều Dương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục