Lệnh cấm nhập khẩu phần lớn thực phẩm từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia phương Tây khác trị giá 9 tỷ USD sẽ hết hạn vào 7/8 tới đây, tròn 1 năm sau khi lệnh cấm này được áp dụng nhằm trả đũa các biện pháp cấm vận của phương Tây áp đặt lên Nga do khủng hoảng tại Ukraine.
Về phía phương Tây, EU đang cân nhắc đến việc sẽ chấm dứt các lệnh cấm vận đối với Nga, sau khi thỏa thuận ngừng bắn Minsk được ký kết vào tháng 2/2015. Trong khi đó, đối với Nga, quốc gia này có ít động lực để phải gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu lương thực từ các nước phương Tây.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, quyết định về lệnh cấm trên sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc họp Uỷ ban châu Âu vào tháng 6 tới, để xem khối liên minh này quyết định như thế nào về các lệnh cấm vận mà họ áp đặt lên Nga sẽ đến hạn vào tháng 7/2015.
Trong một phát biểu của mình, Phó thủ tướng Nga, Arkady Dvorkovich cho rằng: “Hiện tại, chúng tôi không hề cân nhắc tới việc xóa bỏ lệnh cấm (nhập khẩu lương thực)”.
Thêm vào đó, ông Dvorkovich đã trình bày trước Thượng viện nước này rằng, nông nghiệp chính là lĩnh vực duy nhất mà chính phủ nhận thấy cần thiết phải tăng thêm nguồn ngân sách hỗ trợ trong năm 2015 này.
Hiện tại, Tổng thống Vladimir Putin đang dốc sức cho kế hoạch đảm bảo “an ninh lương thực”, với việc giới chức Nga đưa ra cam kết sẽ tiến hành đầu tư hơn nữa vào ngành nông nghiệp, nhằm có thể tự cung cấp một cách đầy đủ nhu cầu sử dụng sữa, thịt, hoa quả và rau củ ở trong nước trong những năm tới.