Iran sắp được gỡ bỏ lệnh cấm vận, giá dầu sẽ còn giảm mạnh

(ĐTCK) Hôm nay (23/3), Iran và các quan chức nhóm nước P5+1 tiếp tục tiến hành cuộc họp mặt tại Lausanne, Thụy Sỹ về chương trình hạt nhân của nước này nhằm đổi lại việc xóa bỏ các lệnh cấm vận đã được áp đặt từ giữa năm 2012.
Iran sắp được gỡ bỏ lệnh cấm vận, giá dầu sẽ còn giảm mạnh

Nếu đạt được thỏa thuận trên, Iran sẽ khôi phục lại nguồn cung dầu mỏ cho thị trường quốc tế, và điều này có thể khiến giá dầu tiếp tục chao đảo trong tương lai.

Thỏa thuận đầy khó khăn

Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ cùng với Đức) và Iran đã bắt đầu tiến hành thảo luận về một nghị quyết nhằm gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Tehran từ đầu tháng 3/2015.

Hiện Iran và nhóm P5+1 đang cố gắng hoàn tất thỏa thuận khung cuối cùng về chương trình hạt nhân của Iran trước ngày 31/3 tới, và đạt được thỏa thuận đầy đủ trước ngày 30/6. Theo đó, Iran sẽ tạm dừng chương trình hạt nhân trong ít nhất 10 năm nhằm đổi lại việc các nước phương Tây dỡ bỏ dần dần lệnh cấm vận đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Theo các chuyên gia, có lẽ phải mất từ 3 đến 6 tháng tiếp theo để các cường quốc trên có thể xác định rõ việc Iran có hoàn toàn thực hiện theo cam kết, và bật đèn xanh cho dầu mỏ xuất khẩu từ quốc gia này.

Hiện tại, một số lệnh cấm vận về dầu mỏ và tài chính áp dụng lên Iran sẽ tạm được trì hoãn trong vài tháng nhằm đảm bảo Iran sẽ đồng ý tiếp tục tiến hành các cuộc gặp mặt theo chương trình được đề ra. Tuy nhiên, theo các quan chức Mỹ, các lệnh cấm này sẽ chưa bị “gỡ bỏ” hoàn toàn, bởi vì họ muốn có sức mạnh chắc chắn để tiến hành trừng phạt nếu Iran gian lận.

Tuy nhiên, việc gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với dầu mỏ là chưa đủ, nếu các lệnh cấm về tài chính khác vẫn được áp đặt lên các công ty xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Chính bởi vậy, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, có thể tạm thời đình chỉ các lệnh cấm của quốc hội đối với ngành năng lượng, cảng biển, giao thông, cũng như đối với lĩnh vực tài chính của Iran, nhưng chỉ khi nước này đạt được những điều kiện về chương trình hạt nhân được đề ra trước đó.

Một số chuyên gia hoài nghi cho rằng, việc gỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ mở lại cánh cửa cho kinh tế của Iran, dung túng cho quốc gia Hồi giáo này tiếp tục có những hành vi sai trái trong tương lai.

Mark Dubowitz, làm việc tại Cơ quan bảo vệ dân chủ, tổ chức tư vấn cho Nghị viện về các lệnh cấm vận, đồng thời là người ủng hộ các hình phạt đối với Iran cho rằng: “Một lệnh cấm vận được gỡ bỏ, đồng nghĩa với việc rất nhiều công ty quốc tế quay trở lại Iran, sẽ rất khó để thuyết phục các công ty này rời đi một lần nữa”. 

Giá dầu sẽ tiếp tục giảm mạnh

Trong tháng trước, Iran sản xuất 2,8 triệu thùng dầu mỗi ngày, so với mức 3,6 triệu thùng mỗi ngày vào cuối năm 2011, theo số liệu của Bloomberg. Từ quốc gia sản xuất lớn thứ 2 trong OPEC trước khi lệnh cấm vận được thực thi, trong gần 3 năm qua, nước này đã rơi xuống vị thứ thứ 5.

Tuy có sản lượng dầu khai thác lớn, nhưng theo số liệu của Bloomberg, trong tháng Hai, Iran chỉ xuất khẩu được 1 tới 1,1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, so với con số 2,5 triệu thùng mỗi ngày trước khi có lệnh cấm vận từ Mỹ và Liên minh châu Âu.

Nếu đạt được thỏa thuận với phương Tây, Iran có thể nhanh chóng xuất khẩu thêm một lượng dầu lớn bởi hiện nước này đã có sẵn hàng triệu thùng trên các tàu chở dầu tại đây. Iran có thể nhanh chóng đạt tới mức xuất khẩu trước khi có lệnh cấm vận trong vòng 1 năm sau thỏa thuận.

Bộ trưởng dầu mỏ của Iran, ông Bijan Namdar Zanganeh cho biết: “Nếu các lệnh cấm được gỡ bỏ, chúng tôi có thể nâng mức xuất khẩu hiện tại lên thêm 1 triệu thùng mỗi ngày chỉ trong vòng vài tháng”.

Tính cho tới đầu năm nay, giá dầu thô ngọt nhẹ tiêu chuẩn quốc tế đã giảm 61% trong vòng 7 tháng qua, nguyên nhân là do dư thừa nguồn cung trên thị trường. Giá dầu thô giao sau tháng Năm giảm 61 cents, xuống mức 53,33 USD/thùng tại sàn ICE Futures Europe, trong khi West Texas Intermediate mất 58 cents, giảm xuống còn 43,30 USD/thùng tại New York.

Giữa hiện trạng nguồn cung dầu đang thừa mứa như vậy, việc Iran có thể xuất khẩu dầu nhiều hơn tới khu vực châu Á và châu Âu nhờ vào thỏa thuận trên, có thể khiến giá dầu xuống thấp hơn nữa. Theo các nhà phân tích của tạp chí The Wall Street Journal, việc nối lại đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran giữa Tehran và Washington có thể gây ra một vụ sụp đổ giá dầu tiếp theo.

Theo Bloomberg, nếu các công ty Iran quay trở lại thị trường, giá dầu có thể giảm thêm 10 USD mỗi thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ tiêu chuẩn quốc tế có thể giảm thêm 12%, xuống mức 54,43 USD/thùng trong tháng này, dựa theo mức giá trên sàn ICE Futures Europe tại New York hôm thứ Sáu (20/3).

Trịnh Hằng (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục