"Nếu tiếp tục tăng chi tiêu, chúng ta sẽ nhận được gì? Tăng nhiệt. Các yếu tố của phát triển quá nóng đã rõ, đơn cử lạm phát tăng cao", Bộ trưởng Anton Siluanov nói tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của Nga đã tăng trở lại, từ 5,5% trong tháng 4.
Đầu tuần này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina nói trên đài CNBC rằng "lạm phát đang tăng nhanh", nhưng không giống như những nơi khác, lạm phát tại Nga không được coi là vấn đề tạm thời khi nền kinh tế mở cửa trở lại và nhu cầu tiêu dùng tăng lên.
"Trong trường hợp của chúng tôi thì khác", Thống đốc Nabiullina nhấn mạnh. "Chúng tôi cho rằng áp lực lạm phát ở Nga không phải nhất thời, không phải tạm thời. Chúng tôi nhận thấy các yếu tố (gây ra lạm phát) dai dẳng hơn, các yếu tố tiền tệ, đó là lý do tại sao chúng tôi bắt đầu tăng lãi suất trở lại với quan điểm trung lập", Thống đốc Nabiullina lý giải.
Giới đầu tư đang hướng về cuộc họp chính sách sắp tới của Ngân hàng Trung ương Nga vào ngày 11/6 để xem động thái chính sách tiếp theo của Nga. Giới phân tích dự đoán rằng Ngân hàng Trung ương Nga có thể tăng lãi suất lên 50 điểm cơ bản so với mức hiện tại 5%. Trong khi đó, mục tiêu lạm phát mà Ngân hàng Trung ương Nga đề ra là 4%.
Thống đốc Nabiullina cho biết Ngân hàng Trung ương Nga sẽ phân tích tất cả các yếu tố, bao gồm cả dự báo lạm phát và tình hình nền kinh tế. "Chúng tôi nhận ra rủi ro khi kỳ vọng lạm phát tăng cao và vẫn tăng lên trong vài tháng tới", bà Nabiullina cho biết.
Ngân hàng Trung ương Nga hôm qua 2/6 phát đi một báo cáo trong đó lưu ý rằng nền kinh tế Nga đang tiếp tục tăng trưởng trong quý II/2021 và GDP có thể đạt mức như trước đại dịch Covid-19 vào giữa năm 2021.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Ngân hàng Trung ương Nga vẫn cho rằng: "Tăng trưởng kinh tế Nga không đồng đều. Các ngành công nghiệp tập trung cho xuất khẩu và các sản phẩm trung gian cũng như lĩnh vực dịch vụ đã và đang phục hồi với tốc độ nhanh hơn trong những tháng gần đây".
Báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nga cũng lưu ý những bất định về hậu quả trung và dài hạn của đại dịch Covid-19 vẫn còn rất lớn.
Trên thực tế, nền kinh tế Nga đã và đang tăng trưởng dưới những "gọng kìm" trừng phạt quốc tế kể từ năm 2014 sau khi Crimea sáp nhập vào nước này.
Theo đài CNBC, vai trò của Nga trong cuộc nổi dậy thân Nga ở miền đông Ukraine, những cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, vụ đầu độc cựu điệp viên Nga ở Anh, vai trò của Nga trong cuộc tấn công mạng gần đây nhằm vào SolarWinds của Mỹ, cùng với những vụ việc khác, tất cả đều đã thúc đẩy các lệnh trừng phạt khác nhằm vào Nga. Về phần mình, Nga phủ nhận mọi liên quan hoặc hành vi sai trái.
Nền kinh tế Nga đã suy giảm khoảng 3% vào năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đánh dấu sự suy thoái tồi tệ nhất trong 11 năm. Ngân hàng Trung ương Nga kỳ vọng GDP năm 2021 sẽ tăng từ 3 - 4%, nhưng Thống đốc Nabiullina cho rằng: "Tất nhiên còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình... sự phục hồi này là không đồng đều".
Nữ Thống đốc đánh giá các lệnh trừng phạt của Mỹ là một "rủi ro dai dẳng" đối với nước Nga. Tuy vậy, bà cho biết dự trữ của Nga là "khá lớn, có thể chịu được mọi kịch bản tài chính hoặc kịch bản địa chính trị" và có lẽ đa dạng hơn dự trữ của các quốc gia khác.