Nếu nhập Southern Bank, Sacombank sẽ có khó khăn trong 2-3 năm đầu

Việc tìm kiếm đối tác phù hợp để tiến hành mua bán - sáp nhập (M&A) được xem là cơ hội tốt cho những ngân hàng lớn. Tuy nhiên, M&A cũng kéo theo không ít thách thức, mà thương vụ của Sacombank là một ví dụ.

Liệu sau M&A, ngân hàng sẽ tăng trưởng và phát triển ổn định hơn hay lại bị kéo lùi, do sáp nhập thêm một ngân hàng yếu kém, nợ xấu cao, không tiềm năng? Vấn đề này đã được nhiều người đặt ra sau thương vụ M&A mới đây giữa Sacombank và Southern Bank.

Về mặt tích cực, thương vụ M&A này sẽ giúp Sacombank có thêm nguồn lực vượt qua các ngân hàng khác trong khối ngân hàng tư nhân để trở thành ngân hàng dẫn đầu thị trường về tín dụng (thị phần đạt 5,2%), huy động (thị phần đạt 5,4%) và hệ thống chi nhánh. Đây còn là yếu tố chính giúp Sacombank thành công trong lĩnh lực ngân hàng bán lẻ đầy tiềm năng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), mặt không tích cực của thương vụ này là quản lý rủi ro không hiệu quả và tình hình kinh doanh không tốt của Southern Bank sẽ là gánh nặng cho Sacombank trong vài năm tới.

Ước tính, Sacombank sẽ cần thêm chi phí dự phòng khoảng 1.589 tỷ đồng (tương đương 38% lợi nhuận hoạt động trước trích dự phòng trong năm 2014 của Ngân hàng) để giải quyết vấn đề nợ xấu của Southern Bank khi sáp nhập. Như vậy, lợi nhuận ròng sau thuế năm 2014 của Sacombank được đánh giá sẽ giảm đến 67% so với năm 2013 (thay vì tăng 4% như ước tính trước khi sáp nhập Southern Bank).

Tuy nhiên, quyết định bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ giúp Sacombank giảm chi phí dự phòng phát sinh, nên lợi nhuận ròng sau thuế năm 2014 có thể chỉ giảm 4% so với năm 2013 (chỉ tiêu lợi nhuận 2014 là 3.000 tỷ đồng trước thuế). Nhưng Sacombank sẽ phải trích lập dự phòng 283 tỷ đồng/năm (tương đương 9% lợi nhuận ròng sau thuế) giai đoạn 2015 - 2019 cho trái phiếu do VAMC phát hành.

Mặt khác, việc chưa tìm được đối tác nước ngoài có thể cũng là một điểm trừ đối với Sacombank trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhiều đánh giá cho rằng, việc Sacombank mở lại 20% “room” cho nhà đầu tư nước ngoài trước đây bị khóa có thể là một phần trong kế hoạch M&A với Southern Bank. Bởi Southern Bank đã có cổ đông nước ngoài là UOB và đang nắm giữ 20% cổ phần của ngân hàng này.

Điểm đáng lưu ý là, 20% cổ phần của UOB tại Southern Bank sẽ được hoán đổi để lấy cổ phần tại Sacombank, làm tăng tỷ lệ sở hữu của nước ngoài tại Sacombank. Vì thế, theo bà Ngô Bích Vân, chuyên viên VCSC, khi thương vụ M&A này hoàn tất, Sacombank sẽ cần 1 - 2 năm tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và củng cố trước khi bắt đầu tìm kiếm cơ hội mới với đối tác chiến lược nước ngoài.

Thực tế thời gian qua cho thấy, các ngân hàng sau M&A vẫn còn những khó khăn nhất định trong quá trình tái cơ cấu và xử lý khối nợ xấu khổng lồ từ ngân hàng bị sáp nhập, như SHB đã từng “ôm” đống nợ xấu 1.800 tỷ đồng sau khi sáp nhập Habubank, hay gánh nợ xấu của Western Bank sau khi hợp nhất với PVFC để trở thành PVcombank.

Mặc dù đã có một số ngân hàng xử lý được phần nào khó khăn trong thời kỳ hậu M&A, như SCB đã bán 6.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, hoàn trả tái cấp vốn hay HDBank đang từng bước xử lý nợ xấu DaiA Bank sau sáp nhập…, nhưng theo đánh giá của một lãnh đạo ngân hàng, để có thể ổn định và phát triển, các ngân hàng đã tiến hành M&A phải có thêm thời gian. Nhưng nếu sau 5 năm mà các khoản nợ xấu không được xử lý triệt để, thì sẽ tạo ra gánh nặng mới cho các ngân hàng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, khó có thể kỳ vọng các ngân hàng sau sáp nhập, hợp nhất sẽ tăng trưởng và phát triển ổn định trong thời gian ngắn, vì sau M&A, các ngân hàng còn phải đẩy mạnh tái cơ cấu bộ máy điều hành, quản trị, cải tổ và giải quyết nợ xấu… “Phải mất ít nhất 3 - 5 năm, các ngân hàng sau M&A mới có thể ổn định và phát triển”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.

Đánh giá về thương vụ M&A Sacombank - Southern Bank, ông Nghĩa cho rằng, cho dù Sacombank là ngân hàng đã lớn mạnh, nhưng khi phải “gánh” Southern Bank, ngân hàng này sẽ có khó khăn nhất định giai đoạn đầu, ít nhất trong 2 - 3 năm sau sáp nhập.

Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn và cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay trong lĩnh vực ngân hàng, theo TS. Nghĩa, giải pháp duy nhất là tìm đối tác để sáp nhập, hợp nhất, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh.

Thùy Vinh(baodautu.bn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục