Nếu có vắc xin, nước giàu đã “ôm” hàng trước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các quốc gia giàu có trên thế giới đã “chồng tiền” trước cho hơn 1 tỷ liều vắc xin Covid-19, nhất là với các loại được đánh giá có tiềm năng hoàn thiện nhất. 
Nếu có vắc xin, nước giàu đã “ôm” hàng trước

Diễn biến này không khỏi gây lo lắng rằng những quốc gia còn lại sẽ phải đứng cuối hàng trong nỗ lực kiểm soát đại dịch toàn cầu.

Mới đây, chính phủ Mỹ và Anh đều đã rót thêm tiền để đảm bảo nguồn cung vắc xin từ Sanofi và đối tác là GlaxoSmithKline Plc. Trong khi đó, một thoả thuận khác được thiết lập giữa chính phủ Nhật Bản và Pfizer Inc.

Liên minh châu Âu cũng tích cực tìm kiếm các nhà cung cấp vắc xin giàu tiềm năng. Những bước đi này đã đón đầu thị trường, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành trên toàn cầu và câu hỏi về hiệu quả của vắc xin còn chưa rõ ràng.

Mặc dù các tổ chức quốc tế và nhóm các quốc gia phát triển đã cam kết sẽ giữ giá vắc xin ở mức hợp lý và dễ tiếp cận với mọi quốc gia, nhưng thực tế cho thấy, việc đáp ứng đủ nhu cầu trong thời gian ngắn là khó khăn với nhu cầu sản phẩm dành cho số lượng lên tới gần 7,8 tỷ người.

Theo đó, các quốc gia giàu có nhiều khả năng sẽ “độc quyền” nguồn cung, nhất là khi Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu và Nhật Bản đã đặt tiền cho khoảng 1,3 tỷ liều thuốc tiềm năng nhất trong việc phòng chống đại dịch, theo số liệu của hãng phân tích Airfinity. Nếu có thêm các điều khoản mở rộng, ưu tiên cung cấp hàng hoá, con số có thể lên 1,5 tỷ liều.

Những nhà phát triển vắc xin hàng đầu trong cuộc đua chống dịch Covid-19 hiện tại như Đại học Oxford và đối tác AstraZeneca Plc; và Pfizer-BioNTech SE… đều đang ở giai đoạn cuối của quá trình nghiên cứu, tiếp thêm hy vọng cho việc phòng chống dịch. Nhưng các nhà phát triển vắc xin vẫn còn nhiều việc phải làm, bao gồm chứng minh hiệu quả, được cấp phép và tăng tốc sản xuất. Thế giới sẽ không chạm tới mốc 1 tỷ liều thuốc cho tới quý I/2022, theo dự đoán của Airfinity.

Lam Phong (Theo Bloomberg)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục