“Nền tảng số là tài nguyên của Việt Nam”

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện có hơn 50 nền tảng công nghệ số phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia trên cả ba trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
“Nền tảng số là tài nguyên của Việt Nam”

500 triệu lượt người Việt Nam cài đặt nền tảng số Việt Nam

Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 4/11, trả lời câu hỏi của đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) về việc nền tảng số, xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số là giải pháp đột phá chuyển đổi số quốc gia, "Vậy làm thế nào để đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia?", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nền tảng số là giải pháp đột phá xây dựng chuyển đổi số quốc gia. Nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trên thế giới thực, nếu không làm chủ nền tảng số, người dân Việt Nam làm ăn, vui chơi giải trí trên nền tảng số nước ngoài thì dữ liệu bị thu thập. Nền tảng số là tài nguyên của Việt Nam, nên Bộ Thông tin và Truyền thông đặt trọng tâm phát triển nền tảng số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng ngày 4/11.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng ngày 4/11.

Bộ trưởng cho hay, năm 2022, trên 52 nền tảng số phải xây dựng xong, đưa vào khai thác, đây là các nền tảng số dùng chung quốc gia và hiện đã vận hành. Năm 2022, có 500 triệu lượt người Việt Nam cài đặt nền tảng số Việt Nam, chiếm 30% tổng số cài đặt của người Việt và con số này đang tăng lên.

“Giải pháp tiếp theo là gì? Tôi nghĩ, có việc thì sẽ có người, có việc khó thì sẽ có người giỏi, có việc vĩ đại thì có người vĩ đại. Người ở đây được hiểu là người và doanh nghiệp. Chúng ta đã chọn cách này, bằng cách công bố các bài toán chuyển đổi số quốc gia. Các bài toán này cả mức trung ương và mức địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Mỗi ngày có 2 triệu giao dịch kết nối

Đối với chất vấn của đại biểu Trần Thị Thu Hằng về việc xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng bộ, chưa có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả… Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay có 8 cơ sở dữ liệu là kết nối, trong đó có 5 cơ sở dữ liệu quốc gia và 3 cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Hiện những cơ sở dữ liệu này khi đã kết nối qua trục chia sẻ kết nối dữ liệu mà Bộ Thông tin và Truyền thông vận hành thì hiệu quả.

Theo Bộ trưởng, mỗi ngày có 2 triệu giao dịch kết nối trung ương với địa phương, bộ ngành với nhau. Trong đó có đóng góp đáng kể của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là nhiều cơ sở dữ liệu khác của bộ, ngành, địa phương đã xây dựng, nhưng chưa kết nối và chia sẻ. Một số hệ thống công nghệ thông tin muốn kết nối lấy dữ liệu từ cơ sở dữ liệu nhưng chưa đảm bảo.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục xử lý vấn đề này thúc đẩy và đảm bảo kết nối. Hiện có khoảng 3.000 hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước, Bộ đang xử lý để đảm bảo an toàn, an ninh mạng về kết nối.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục