Nền tảng sáng từ CPI, GDP

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số liệu GDP và CPI quý I mới công bố trút được mối lo cho nhiều nhà đầu tư. Theo giới chuyên gia, việc kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay là khả thi.
Trong thời dịch bệnh, người dân có xu hướng chi tiêu một cách hợp lý hơn. Ảnh: Dũng Minh. Trong thời dịch bệnh, người dân có xu hướng chi tiêu một cách hợp lý hơn. Ảnh: Dũng Minh.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2021 tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất tính theo quý trong 20 năm qua, lạm phát cơ bản quý I/2021 tăng 0,67%.

Dù có những lo ngại về việc lạm phát tăng cao do giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng khi nền kinh tế phục hồi hay việc nhập khẩu lạm phát khi Chính phủ Mỹ triển khai gói cứu trợ 1.900 tỷ USD, nhưng kịch bản lạc quan vào khả năng kiểm soát lạm phát ở mức 4% vẫn được nhiều chuyên gia tin tưởng.

PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, lạm phát là một trong những mục tiêu hàng đầu để ổn định nền kinh tế vĩ mô và năm nay, có nhiều yếu tố cho thấy không quá khó để hoàn thành mục tiêu của Quốc hội.

Theo ông Tuấn, 3 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động nhiều hơn số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nên khả năng tác động đến lạm phát thấp.

Tính chung quý I, cả nước có 29.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 447.800 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 245.600 lao động, giảm 1,4% về số doanh nghiệp, tăng 27,5% về vốn đăng ký và tăng 0,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, có 40.300 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Tuấn phân tích, với tình hình hiện nay, các doanh nghiệp chỉ lo đối phó với dịch Covid-19 để tồn tại và hoạt động, chưa thể đặt các mục tiêu mở rộng đầu tư lên hàng đầu như trước đây.

Điều này như một chỉ báo cho thấy đầu tư trong nước vẫn chưa thực sự sôi động, thay vào đó sẽ chỉ dựa vào đầu tư của Chính phủ. Tuy nhiên, đầu tư của Chính phủ trong năm 2020 đã tăng nhiều nên những tháng cuối năm không thể đảm bảo về nguồn lực để tăng hơn nữa.

“Ngân sách Chính phủ có hạn và không thể đi vay quá nhiều để đầu tư bởi vay nợ cũng đã quy định mức trần”, ông Tuấn cho biết.

Khi nền kinh tế ổn định, tín dụng được bơm ra thị trường, đầu tư tăng mới ảnh hưởng đến lạm phát. Tuy nhiên, dịch bệnh chưa kết thúc, nhiều doanh nghiệp đã tỏ rõ sự mệt mỏi khi phải gồng mình với dịch suốt thời gian qua.

Mặt khác, theo ông Tuấn, lạm phát còn phụ thuộc vào cung - cầu, nhưng sẽ không có gì có thể thay đổi một cách đột ngột về cầu.

“Trong thời buổi dịch bệnh, sức cầu của người dân không còn cao, phần lớn họ cần thắt chặt hầu bao của mình, lo lắng rủi ro ảnh hưởng đến an toàn con người. Vậy nên, người tiêu dùng sẽ có tính toán hợp lý và không chi tiêu quá nhiều”, ông Tuấn cho biết thêm.

Về phía các doanh nghiệp, khi không mở rộng đầu tư kinh doanh sẽ không có cầu hàng hóa và dịch vụ, đồng thời nhu cầu sử dụng nguyên, nhiên vật liệu thấp.

Ông Tuấn khẳng định: “Mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% hoàn toàn có thể làm được trong năm 2021”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương cũng khẳng định: "Với kinh nghiệm điều hành giá, kiểm soát lạm phát rất thành công của Chính phủ trong những năm qua, chúng tôi tin lạm phát được kiểm soát khoảng 4% trong năm nay”.

Trước đó, PGS.TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính chỉ ra ba dự báo cơ bản khẳng định kiểm soát lạm phát trong mục tiêu Quốc hội giao là hoàn toàn khả thi.

Thứ nhất, mặc dù dịch Covid-19 trên thế giới dần được khống chế, các loại vắc-xin được tiêm chủng trên diện rộng và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục; nhưng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục như kỳ vọng nên giá cả nguyên, nhiên, vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới khó tăng mạnh.

Thứ hai, dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam đang được khống chế và việc tái đàn đang được khôi phục với nhiều tín hiệu khả quan, cho thấy cung - cầu thịt lợn ở Việt Nam năm 2021 sẽ bớt căng thẳng, giá thịt lợn sẽ dần ổn định.

Thứ ba, Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục