Nền tảng đã vững vàng hơn
Thế giới đang chứng kiến một giai đoạn biến động trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội với những nhân tố khó lường như đại dịch Covid-19, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, giá dầu lửa phá đáy, tăng trưởng kinh tế chậm lại, thậm chí là tăng trưởng âm trên quy mô toàn cầu…
Những yếu tố này đến dồn dập cùng lúc khiến không ít người lo ngại nền kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào khủng hoảng, nhưng tôi cho rằng, trong thời điểm như thế này, chúng ta cần có niềm tin thật vững vàng.
Thực tế, sau khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới năm 2008, Việt Nam đã tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế. Ngành ngân hàng, chứng khoán cũng quyết liệt triển khai tái cơ cấu. Nhờ đó, chúng ta đã đạt được những thành quả và đang chứng kiến sự ổn định của thị trường trong nước.
Chính sách tiền tệ trở nên ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng mạnh, tỷ giá được kiểm soát tốt. Ðáng chú ý, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế tư nhân đã giúp khu vực này tăng trưởng và hoạt động hiệu quả.
Là người tâm huyết với sự phát triển của TTCK Việt Nam, ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) kỳ vọng, cùng với khung pháp lý mới hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán và triển khai các giải pháp tái cơ cấu thị trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TTCK sẽ có bước phát triển đột phá.
Ðối với lĩnh vực bất động sản, chúng tôi đánh giá, các doanh nghiệp đã có cách làm bài bản, cẩn trọng hơn rất nhiều, không còn câu chuyện phong trào như giai đoạn 2006 - 2007.
Dù trong bức tranh chung của thị trường, vẫn có những doanh nghiệp phải dừng lại, có doanh nghiệp buộc phải chấp nhận M&A nhưng nhìn chung, doanh nghiệp đã xây dựng được nền tảng và có chiến lược rõ ràng, tập trung cho hoạt động lõi. Các ngành khác cũng vận động với xu hướng như vậy.
Thị trường chứng khoán luôn vận động trước những diễn biến của nền kinh tế. Khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế đang từng bước được tháo gỡ khỏi khó khăn, chúng ta có thể chứng kiến nhiều chuyển biến tích cực của thị trường.
Chẳng hạn, sự tham gia của một bộ phận nhà đầu tư mới, sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp với kênh dẫn vốn này.
Cho đến nay, quy mô vốn hóa của thị trường đã đạt xấp xỉ 85% GDP (tính trên cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu). Nhiều doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ đã được tiếp sức bởi các dòng vốn từ dân cư, từ nhà đầu tư nước ngoài để gia tăng quy mô, mở rộng đầu tư và trở thành các doanh nghiệp đại diện của nền kinh tế.
Khu vực kinh tế tư nhân đang được định vị với vai trò quan trọng hơn, phát triển một cách bền vững hơn.
Ðiểm sáng trên thị trường là nhiều thương vụ M&A đã diễn ra, thu hút nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan tham gia, tạo ra nguồn lực mới cho các doanh nghiệp trong nước. M&A tạo ra tư duy mới cho các doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Doanh nghiệp cũng nhận thức được rất rõ ràng rằng, không thay đổi thì không thể tồn tại. M&A cũng giúp cho cơ cấu ngành nghề một số lĩnh vực kinh tế, sản xuất - kinh doanh thay đổi. Ðó là những chuyển biến rất tốt.
Dòng vốn nước ngoài vừa tạo ra sự kích thích nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước, vừa giúp các đợt IPO, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước bán được giá cao hơn.
Quan trọng hơn, họ là các nhà đầu tư lớn, am hiểu về pháp luật, quản trị sẽ tạo sức ép để doanh nghiệp Việt thay đổi và hướng tới các chuẩn mực quốc tế, góp phần gia tăng hiệu quả kinh doanh.
Các nhà đầu tư ngoại quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng còn nhiều nút thắt cần giải quyết để từ quan tâm họ biến thành hành động rót vốn thực sự.
Là một thành viên thị trường, chúng tôi mong thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng. Khi quy mô thị trường đủ lớn và đủ chất lượng, sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào.
Khi có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia, trong các đối tác thực hiện M&A, có nhiều nhà đầu tư tài chính tốt, cơ hội sẽ tốt hơn rất nhiều cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Còn dòng vốn đầu tư trong nước, chúng ta cần tạo ra những động lực tăng trưởng mới cho thị trường, có những cơ chế chính sách tạo ra sự thay đổi đáng kể, từ đó kích hoạt được niềm tin và hành động của nhà đầu tư.
Tiền mới phải vào thị trường, còn nếu chỉ dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ khác sẽ khó có tốc độ tăng trưởng thực sự thuyết phục.
Nâng “chất” là chìa khóa trong giai đoạn mới
Với triển vọng của nền kinh tế và những chính sách được ban hành gần đây, gắn tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước với thị trường, nhận thức về thị trường chứng khoán và vai trò của sự minh bạch, quản trị doanh nghiệp tốt đang dần được cải thiện…
Ðây là điều vô cùng quan trọng trên thị trường chứng khoán và có ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin của nhà đầu tư.
Quản trị công ty, minh bạch công bố thông tin, chuẩn mực kế toán, kiểm toán, xử lý vi phạm, thanh tra… vẫn là cái gốc, nền tảng cho sự phát triển. Ðây là những vấn đề rất quan trọng và cần được cải thiện, nâng cao hơn nữa.
Thực tế cho thấy, nhà đầu tư bỏ vốn vào những doanh nghiệp chất lượng, hoạt động hiệu quả, quản trị tốt vẫn luôn gặt hái được thành công.
Thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các sở giao dịch chứng khoán đã rất nỗ lực thực hiện mục tiêu minh bạch thị trường, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, nghiêm khắc hơn với doanh nghiệp niêm yết và công ty chứng khoán, tạo lập cho thị trường các cơ sở tiền đề cho hàng hóa chất lượng hơn.
Bên cạnh những công cụ hành chính như tăng chuẩn niêm yết, kiểm tra, xử phạt nghiêm, chúng tôi cho rằng, những giải pháp thị trường cũng rất cần thiết.
Riêng ngành chứng khoán, quá trình tái cấu trúc đã diễn ra liên tục và mạnh mẽ. Trải qua quá trình thực hiện các giải pháp tái cấu trúc của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, với nhiều chế tài, yêu cầu mới về các tiêu chuẩn hoạt động, trong khối công ty chứng khoán đã diễn ra cuộc đào thải những công ty yếu kém.
Những công ty vượt qua được thách thức đã tìm được chiến lược hoạt động phù hợp, xây dựng được đội ngũ nhân sự nhiều kinh nghiệm.
Cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán sẽ ngày một quyết liệt, nhưng bài bản và chuẩn mực hơn.
Thị trường gần đây đã xuất hiện thêm những gương mặt công ty chứng khoán ngoại mạnh về tiềm lực tài chính và công nghệ. Cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán sẽ ngày một quyết liệt, nhưng bài bản và chuẩn mực hơn.
Chúng tôi có niềm tin rằng, các công ty chứng khoán sẽ không đơn thuần cạnh tranh về phí, mà sẽ đi vào chiều sâu. Sẽ đến lúc khách hàng sẵn sàng trả phí cao hơn cho công ty chứng khoán, tương xứng với chất lượng dịch vụ.
Trong nghiệp vụ tư vấn, chúng ta có thể chứng kiến ngày càng nhiều các thương vụ có hàm lượng chất xám cao. Sự chuyển động của dịch vụ đó cho thấy một xu hướng cạnh tranh thiên về chất lượng trong ngành.
Các công ty chứng khoán sẽ tập trung vào thiết kế sản phẩm tốt, phù hợp với thị trường, có hàm lượng giá trị cao, dựa trên kinh nghiệm và những trải nghiệm vượt bậc, phán đoán chuẩn xác về xu hướng vận động của thị trường.
Ở góc độ một nhà cung cấp dịch vụ, một thành viên của thị trường, SHS mong thị trường được tái cấu trúc cả về lượng và chất.
Thị trường càng có nhiều nhà đầu tư, hay nói rộng hơn là các thành viên tuân thủ các chuẩn mực, quy định thì càng duy trì được sức bền và có cơ hội tăng trưởng dài hạn, góp phần tạo lập kênh dẫn vốn dài hạn cho nền kinh tế.
Chúng tôi có niềm tin mạnh mẽ, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở thành cuộc chơi tổng thể với khu vực và thế giới, tương tự như xu hướng hội nhập của cả nền kinh tế.