Nền tảng bứt phá 2020

Năm 2020 bắt đầu với khát vọng về một năm tiếp tục thành công, một tương lai phát triển ngày càng mạnh mẽ và bền vững hơn của kinh tế Việt Nam. Thậm chí, không chỉ là khát vọng, chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào điều đó, khi nền tảng cho sự bứt phá của nền kinh tế đã và đang được xây dựng ngày càng vững chắc hơn.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Ba năm qua, kinh tế - xã hội Việt Nam liên tục phát triển và giành được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, năm 2019 là một năm đáng nhớ khi đây là năm thứ hai liên tiếp, cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp, tốc độ tăng trưởng GDP vượt ngưỡng 7% - ngưỡng tăng trưởng mà từ khá lâu, kể từ sau tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, kinh tế Việt Nam mới chạm tới được.

Nhưng quan trọng hơn, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức khá cao, quy mô nền kinh tế hiện nâng lên mức 266 tỷ USD, GDP bình quân đầu người tăng lên 2.800 USD/năm. Chưa kể, còn hàng loạt thành tựu quan trọng khác của kinh tế 2019, từ kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 3% đến thị trường tài chính, tiền tệ ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, đạt gần 80 tỷ USD, nợ công được kiểm soát ở mức 56%. Xem tiếp trang 5

Rồi thương mại hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD, xuất siêu gần 10 tỷ USD hay số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục…

Những kết quả đạt được ấn tượng đến mức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thốt lên rằng, đó là những con số mà 10 năm trước, chúng ta “không hình dung được”. Còn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến nhận định của Ngân hàng Thế giới, rằng “mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời đang tỏa sáng ở Việt Nam”, để khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày hôm nay.

Thế và vận nước đang lên, khi kinh tế không ngừng phát triển, khi Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối và cả khi được lựa chọn là “nước chủ nhà” cho cuộc gặp cấp cao Mỹ - Triều lần thứ hai…

Thế và vận nước đang lên, khi bằng ý chí và sự nỗ lực không mệt mỏi, Đoàn Thể thao Việt Nam đã giành được tới 98 huy chương Vàng tại SEA Games 30. Chiếc huy chương Vàng thứ 99 thậm chí đã được một chuyên gia kinh tế cho rằng, nên dành cho những thành tựu của kinh tế Việt Nam năm 2019. Còn chiếc huy chương Vàng thứ 100, là dành cho những nỗ lực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ bởi những thành tựu tuyệt vời trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Song ngay cả khi nền kinh tế đang đạt được những thành tựu quan trọng, thì một điều vẫn luôn được nhắc nhớ, đó là “không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.

Dù những thành tựu toàn diện của kinh tế Việt Nam năm 2019 là nền tảng quan trọng cho sự bứt phá của nền kinh tế trong năm 2020, nhưng như thế vẫn chưa đủ, bởi phía trước là thách thức, là khó khăn không nhỏ, khi kinh tế toàn cầu và khu vực còn ẩn chứa nhiều yếu tố bất định, ngay cả kinh tế trong nước cũng đang đối mặt với không ít thách thức.

Điều này càng có ý nghĩa hơn khi năm 2020 là thời điểm quan trọng của đất nước. Đây là năm cuối của Chiến lược 10 năm 2012-2020 và năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2016-2020, đồng thời cũng là năm chuẩn bị nền tảng cho sự phát triển của Việt Nam trong chiến lược 10 năm tới cùng tầm nhìn tới năm 2045.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói, nếu tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay được duy trì, thì trong 2 thập niên tới, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thu nhập cao. Nhưng chỉ cần lỡ một nhịp tăng trưởng, cột mốc đó sẽ bị lùi lại ít nhất vài năm.

Điều đó có nghĩa, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có những chiến lược và quyết sách đúng đắn, khôn ngoan, mà nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là cần có những “trụ cánh”. Nhờ có 6 trụ cánh, mà chim hồng hộc đã bay cao. Việt Nam, dân tộc của con cháu Lạc Hồng cũng có khát vọng không ngừng vươn cao và bay xa, thì cũng cần tìm được những trụ cánh đó là gì.

Là tiếp tục cải cách thể thế, là lấy con người làm trung tâm và xác định con người là nguồn lực phát triển quan trọng nhất. Là lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực quan trọng, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang biến đổi toàn cầu. Là coi trọng sự phát triển của khu vực tư nhân, là tập trung tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng…

Và tất nhiên, không thể không nhắc đến những giải pháp trong ngắn hạn, nhằm trước hết thực hiện thành công Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, từ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đến thực hiện các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu…

Dù là giải pháp ngắn hạn hay dài hạn, thì đều cần chuẩn bị và thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Chỉ như vậy, kinh tế Việt Nam mới có đủ nền tảng để bứt phá.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục