Nên tái công khai các vi phạm bảo hiểm

(ĐTCK) Trong chiến lược tuyên truyền bảo hiểm nhân thọ vừa được vạch ra bởi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) và 17 DN bảo hiểm khối này thì công khai, minh bạch thông tin về quản lý, giám sát DN bảo hiểm được đặt ra như một nhu cầu không thể thiếu, bên cạnh mục đích nâng cao nhận thức hiện còn hạn chế của người dân về bảo hiểm nhân thọ.
AVI từng có kế hoạch xây dựng bộ quy chế khen thưởng, kỷ luật DN thành viên AVI từng có kế hoạch xây dựng bộ quy chế khen thưởng, kỷ luật DN thành viên

Cụ thể, các quy định trong quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ cần được phổ biến trên diện rộng, giúp cho các đối tượng tham gia bảo hiểm như cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, tổ chức và đặc biệt là người dân hiểu rõ.

Theo đó, hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã được pháp luật quy định rõ ràng, được cơ quan quản lý nhà nước giám sát, kiểm tra, thanh tra thường xuyên, chặt chẽ, luôn đảm bảo khả năng chi trả quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm. Khi đã hiểu rõ điều này, các tổ chức, cá nhân sẽ nhiệt tình hơn trong việc tham gia bảo hiểm, vì quyền lợi của họ đã được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Ngoài các nội dung cần tuyên truyền về các điều kiện cấp phép hoạt động của DN bảo hiểm nhân thọ, điều kiện phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm, đào tạo đại lý…, theo AVI, các chế độ thanh tra, kiểm tra, chế độ báo cáo và xử lý trường hợp DN bảo hiểm mất khả năng chi trả quyền lợi khách hàng cũng cần được phổ biến rộng rãi. Trong đó, công bố công khai tóm tắt kết luận thanh tra, kiểm tra các DN bảo hiểm; công bố xếp hạng các DN bảo hiểm theo Thông tư 195 cũng là một trong những nội dung cần công khai, minh bạch trong số các thông tin về quản lý giám sát DN bảo hiểm.

Trên thực tế, việc công khai tên và lỗi vi phạm của các DN bảo hiểm từng là chủ đề nóng tại các kỳ họp bàn giữa cơ quan quản lý là Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) với các DN bảo hiểm.

Chủ đề nên hay không nên tiếp tục công bố công khai tên và hành vi vi phạm của các DN bảo hiểm cũng được đặt ra trước thời điểm lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 41/2009/NĐ-CP. Tại Hội nghị CEO bảo hiểm năm 2012, Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm hồi đó là ông TrịnhThanh Hoan đã từng đặt câu hỏi rằng, không biết có bao nhiêu ông tổng giám đốc, lãnh đạo DN bảo hiểm sẵn sàng với việc công khai này.

Mặc dù tại Nghị định 41 đã có quy định rất rõ ràng về: “Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được công bố công khai trên website của Bộ Tài chính, Trang thông tin của AVI và báo cáo thường niên thị trường bảo hiểm Việt Nam”.

Tuy nhiên, đến Nghị định 98/2013/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ 15/10/2013 thay thế Nghị định 41) thì quy định về công khai kể trên đã bị bãi bỏ. Từ đó, kết quả  xử phạt chỉ được công bố khá chung chung bên cạnh những kế hoạch về thanh kiểm tra.

Chẳng hạn như năm 2014, kết quả thanh kiểm tra chỉ được Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm đề cập rằng, có nhiều DN bảo hiểm vi phạm quy định về sử dụng đại lý, không đáp ứng đủ điều kiện, về chi bồi thường (bồi thường sai quy tắc, điều khoản, bồi thường không thuộc phạm vi); về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (vi phạm biểu phí, về mức trách nhiệm, thời hạn bảo hiểm...); một số DN bảo hiểm không trích lập đầy đủ dự phòng bồi thường, không chấp hành đúng quy định về góp vốn kinh doanh… Việc không nêu rõ con số, thậm chí chỉ đích danh tên DN vi phạm khiến thị trường nhiều khi “lờn thuốc”.

Trong khi đó, nhìn sang lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, một loạt các thông tin vi phạm, dẫn đến các mức phạt khác nhau đối với các các công ty đại chúng được công bố theo ngày, thậm chí theo giờ trên webstie của UBCK. Còn tại webstie của 2 Sở GDCK (Hà Nội và TP.HCM), các thông tin DN bị nhắc nhở cũng không ít.

Vẫn biết, kinh doanh bảo hiểm khá “nhạy cảm” với phản ứng của người tiêu dùng, các DN rất dị ứng khi biết các lỗi vi phạm của mình bị công khai hóa. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, có lẽ đã đến lúc tái lập lại việc công bố công khai các quyết định xử phạt trong kinh doanh bảo hiểm, thậm chí công khai chi tiết vi phạm (từ tên DN đến lỗi vi phạm) để chính những khách hàng bảo hiểm (những người đang mua niềm tin, chữ tín của các DN bảo hiểm) cùng biết, chứ không chỉ dừng ở việc chỉ cơ quan quản lý và DN bảo hiểm bị phạt hay DN bạn biết với nhau.

Từ đó, khách hàng sẽ hiểu rõ hơn về DN bảo hiểm, nơi mình đang gửi gắm niềm tin, tạo động lực để các DN tuân thủ tốt hơn các quy định pháp luật.

Còn với AVI, tổ chức nghề nghiệp này từng lên kế hoạch nghiên cứu xây dựng Quy chế khen thưởng các DN bảo hiểm nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật, Điều lệ Hiệp hội, tăng trưởng hiệu quả và có nhiều đóng góp cho thị trường bảo hiểm, đồng thời kiến nghị xử phạt nghiêm minh DN vi phạm. Không rõ quy chế này đang được xây dựng đến đâu? Nếu có, cũng cần công khai để cả thị trường cùng biết.           

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục