"Nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu ít ảnh hưởng từ quyết định của Fed trong kịch bản tích cực"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, trong kịch bản tích cực nhất là Fed chỉ tăng lãi suất tối thiểu 1,9% trong năm 2022 thì kinh tế Việt Nam nói chung và chứng khoán nói riêng sẽ chỉ tác động ở mức độ nhẹ.

Ngày 9/6, Báo Đầu tư Chứng khoán đã tổ chức buổi Talkshow CHỌN DANH MỤC kỳ 7 với chủ đề “Hiểu doanh nghiệp để không lạc lối” với sự tham gia của ông Quan Đức Hoàng - Chủ tịch Quỹ Green Fund, Quỹ A+ và ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Tại buổi talkshow, ông Quan Đức Hoàng cho biết, tăng trưởng quý I/2022 của kinh tế Việt Nam là 5,03%, so với quý IV/2021 là 5,22% thì có hơi giảm một chút. Tuy nhiên, xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng mạnh với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 88 tỷ USD và nhập khẩu là hơn 87 tỷ USD. Ông Hoàng đánh giá, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phát triển rất ổn định.

Ông Quan Đức Hoàng - Chủ tịch Quỹ Green Fund và Quỹ A+

Ông Quan Đức Hoàng - Chủ tịch Quỹ Green Fund và Quỹ A+

Tuy nhiên, ông Hoàng cũng bày tỏ lo ngại về việc giá cước vận chuyển đang tăng cao. Nếu như năm 2021, chi phí vận chuyển hàng từ Việt Nam đến Mỹ chỉ dao động từ 4.000 - 5.000 USD/1 container, thì hiện giờ giá cước đã tăng lên 16.000 USD/1 container, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

"Mặc dù vận tải khó khăn nhưng chúng ta vẫn đang làm rất tốt. Tuy kinh tế vẫn đang chững lại một chút, nhưng về mặt phát triển quy mô của chúng ta là rất tốt", ông Hoàng nhận xét.

Đối với câu hỏi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế Việt Nam, cũng như thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh cho biết, trong kịch bản tích cực nhất là Fed chỉ tăng lãi suất tối thiểu 1,9% trong năm 2022 thì kinh tế Việt Nam nói chung và chứng khoán nói riêng sẽ chỉ tác động ở mức độ nhẹ, vì chúng ta đang trong bối cảnh việc tăng lãi suất đó không xảy ra đồng đều ở các quốc gia mà chủ yếu là ở các quốc gia đã kích thích trong 2 năm covid vừa qua.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. (ở giữa)

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. (ở giữa)

Tất nhiên, chúng ta cũng không loại trừ khả năng lạm phát đang cao. Thời gian gần đây giá dầu rất cao và xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, khiến rủi ro đối mặt lạm phát cao. Chưa kể thời gian tới, Trung Quốc mở cửa trở lại rất có thể chi phí logistic sẽ tăng cao. Đây là những rủi ro cần quan sát bởi nó có thể ảnh hưởng tới những chính sách tiền tệ và tài khóa của chúng ta - ông Minh nói thêm.

Còn đối với ảnh hưởng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Minh chia sẻ: Thông thường Fed tăng lãi suất thì dòng tiền vốn ngoại sẽ ảnh hưởng tới TTCK Việt. Tuy nhiên, có khả năng không ảnh hưởng nhiều, bởi tỷ trọng nhà đầu tư nước ngoài hiện khoảng 16% và thời gian gần đây đã quay lại mua ròng.

Tỷ giá là yếu tố tiếp theo có thể bị ảnh hưởng, nhưng ông Minh cho rằng, nếu so sánh với các đồng tiền trong khu vực thì VND vẫn khỏe hơn, quay lại vùng đỉnh cũ năm 2018, do đó chúng ta thừa sức để kiểm soát biến động tỷ giá ổn định hơn.

"Tuy nhiên, thông thường trong những lần Fed tăng lãi suất thì thị trường khó khăn hơn, không còn dòng tiền rẻ như 2020-2021 nữa mà dòng tiền sẽ trở nên thận trọng hơn, nhưng cơ hội đối với cổ phiếu vẫn có", ông Minh nhận định.

Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục