Thị trường tài chính đang trải qua đợt điều chỉnh đau đớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Để thích ứng với viễn cảnh lãi suất cao hơn của Mỹ, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã nhanh chóng đạt 4% trong tuần này, mức cao nhất kể từ năm 2010. Thị trường chứng khoán toàn cầu đã bị bán tháo mạnh và các trái phiếu đã mất 21% đáng kinh ngạc trong năm nay.
Đồng đô la đang đè bẹp tất cả các đồng tiền khác. Đồng bạc xanh đã tăng 5,5% kể từ giữa tháng 8 trên cơ sở tỷ trọng thương mại, một phần do Fed đang tăng lãi suất nhưng cũng do các nhà đầu tư đang lùi bước trước rủi ro.
Trên khắp châu Á, các chính phủ đang can thiệp để chống lại sự mất giá của đồng tiền. Tại châu Âu, Anh đã đổ thêm dầu vào lửa với chính sách tài khóa liều lĩnh khi thực hiện cắt giảm thuế trong bối cảnh lạm phát cao, khiến nước này bị mất niềm tin của các nhà đầu tư. Khi lợi suất trái phiếu tăng, các nền kinh tế mắc nợ của khu vực đồng euro đang trông mong manh nhất kể từ cuộc khủng hoảng trái phiếu chính phủ cách đây một thập kỷ.
Nguyên nhân chính của sự hỗn loạn thị trường là cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bởi vì, Fed đã nhận định không đúng về lạm phát khi giá cả bắt đầu tăng vào năm 2021, nên hiện các nhà hoạch định chính sách đang thực hiện các động thái mạnh hơn.
Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất lên gần 4,5% vào cuối năm nay và sẽ duy trì lãi suất cao hơn vào năm 2023. Triển vọng về lãi suất đang lan rộng trong hệ thống tài chính của Mỹ. Lãi suất vay thế chấp thời hạn 30 năm hiện đang ở mức gần 7%/năm, trong khi lợi tức trái phiếu rác đã hơn 9%, điều này khiến việc phát hành trái phiếu mới trở nên khó khăn hơn.
Các ngân hàng bảo lãnh phát hành buộc phải thực hiện nghĩa vụ và chứng kiến hàng trăm triệu USD của mình bị mắc kẹt, trong khi các quỹ hưu trí giờ đây cũng phải đối mặt với các khoản lỗ khi các khoản đầu tư giảm giá trị.
Tuy nhiên, các nước khác còn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn Mỹ khi Fed thắt chặt tiền tệ ở mức nghiêm trọng nhất. Đồng đô la tăng giá gây đau đớn cho các nhà nhập khẩu năng lượng, vốn đã phải vật lộn với chi phí cao hơn.
Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Singapore đã can thiệp vào thị trường tài chính khi đồng nội tệ của các quốc gia này giảm xuống mức thấp nhất nhiều năm so với đồng USD. Theo Ngân hàng JPMorgan Chase, dự trữ tiền tệ của các thị trường mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc) đã giảm hơn 200 tỷ USD trong năm qua, mức giảm nhanh nhất trong hai thập kỷ.
Các nền kinh tế phát triển thường có thể chịu được sức mạnh của đồng đô la. Tuy nhiên, các nền kinh tế này cũng đang có dấu hiệu căng thẳng hơn so với trước đây. Một số loại tiền tệ hoạt động kém nhất vào năm 2022 là từ các nền kinh tế lớn.
Thụy Điển đã tăng lãi suất thêm 1% vào ngày 20/9 và vẫn chứng kiến đồng tiền của nước này giảm so với đồng đô la. Ở Anh, lợi suất tăng cao đối với nợ chính phủ đã không thu hút được nhiều vốn nước ngoài. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đang cho quỹ hưu trí quốc gia vay dự trữ tiền tệ để hạn chế việc mua đô la trên thị trường mở. Ở Nhật Bản, chính phủ đã can thiệp để mua đồng yên lần đầu tiên trong thế kỷ này, bất chấp quyết tâm của ngân hàng trung ương là giữ lãi suất ở mức thấp.
Một phần lý giải cho áp lực đối với các loại tiền tệ của nền kinh tế phát triển là cho đến nay, nhiều ngân hàng trung ương đã không thể bắt kịp với tốc độ thắt chặt Fed, nhưng có lý do chính đáng vì nền kinh tế của họ yếu hơn. Cuộc khủng hoảng năng lượng sắp đẩy châu Âu vào suy thoái. Hàn Quốc và Nhật Bản đang phải chịu những tác động mạnh mẽ của sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc do cuộc khủng hoảng bất động sản và chính sách Zero Covid gây ra.
Trên thực tế, một đồng đô la mạnh sẽ xuất khẩu lạm phát của Mỹ sang các nền kinh tế yếu hơn. Các nền kinh tế có thể hỗ trợ đồng tiền của mình bằng cách tăng lãi suất phù hợp với Fed, nhưng cái giá phải trả là tăng trưởng thậm chí còn thấp hơn. Với Anh, nước này lại đang đối mặt với cả hai vấn đề lạm phát cao và tăng trưởng suy yếu. Các thị trường hiện kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ đặt mức lãi suất cao nhất so với bất kỳ nền kinh tế giàu có lớn nào trong năm tới, nhưng đồng bảng Anh đã sụt giảm như cũ. Nếu ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất, thị trường bất động sản nước này có thể sụp đổ.
Ngay cả nền kinh tế Mỹ, vốn đã kiên cường đối mặt với những thách thức trong năm nay, cũng khó có thể tiếp tục tăng trưởng thông qua một cú sốc lãi suất nghiêm trọng như cú sốc mà nước này đang phải đối mặt. Giá nhà đang giảm, các ngân hàng sa thải nhân viên và các tập đoàn lớn cũng đã đưa ra cảnh báo về lợi nhuận.
Việc tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng chỉ còn là vấn đề thời gian. Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại cuối cùng là cần thiết để khôi phục sự ổn định giá cả vì Fed sẽ thật điên rồ nếu chịu đựng mức lạm phát hàng năm 8,3%. Nhưng lãi suất cao hơn sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế thực. Thị trường tài chính thế giới cũng đang thức tỉnh với điều đó.