Nền kinh tế phục hồi trong khó khăn

(ĐTCK) Đánh giá của Chính phủ cho thấy, nền kinh tế trong tháng 8/2016 tiếp tục đà phục hồi, nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2016 là hết sức nặng nề, nên phải tạo chuyển biến cơ bản về tăng trưởng kinh tế, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra...
Dù khó khăn, nhưng chủ trương của Chính phủ là không điều chỉnh giảm các chỉ tiêu của năm 2016, mà quyết tâm phấn đấu đạt mức cao nhất
Dù khó khăn, nhưng chủ trương của Chính phủ là không điều chỉnh giảm các chỉ tiêu của năm 2016, mà quyết tâm phấn đấu đạt mức cao nhất

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016 kết thúc cuối tuần qua, các thành viên Chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2016 tiếp tục chuyển biến tích cực. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tín dụng tăng, chất lượng được cải thiện; tỷ giá và thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, dự trữ ngoại hối tăng; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng cao; khu vực dịch vụ phát triển mạnh…

“Diễn biến tích cực của nền kinh tế còn thể hiện qua cán cân thương mại tích cực, xuất siêu 2,45 tỷ USD. Rất mừng là 8 tháng qua, số doanh nghiệp đăng ký, số vốn đăng ký tăng so với cùng kỳ rất nhiều. Nông nghiệp phục hồi khá, từ mức tăng trưởng âm 1,23% trong quý I/2016, đến nay tăng trưởng 5,4%. Nhập khẩu có xu hướng tăng lên, thể hiện sức cầu cho sản xuất kinh doanh của nền kinh tế tăng. CPI bình quân 8 tháng qua tăng 1,91% so với bình quân cùng kỳ năm trước và vẫn được kiểm soát tốt....”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế: nợ công cao, xử lý nợ xấu còn chậm; sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tai; hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn; xuất khẩu chưa có nhiều cải thiện, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng thấp; thu ngân sách vẫn khó khăn…

“Thu ngân sách 8 tháng đầu năm nay ước đạt 649.000 tỷ đồng, bằng 64% dự toán và tăng 5,3% so với cùng kỳ 2015 (tăng 6,7%). Thu nội địa đạt 66,6% và tăng 17% so với cùng kỳ. Tiến độ thu nội địa năm nay so với cùng kỳ các năm 2014, 2015 đạt thấp…”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nói và cho biết, khoản thu có tỷ trọng lớn là thu từ doanh nghiệp nhà nước mới đạt 53% dự toán, giảm 5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do giá dầu giảm, nên hoạt động khai thác dầu khí cũng giảm; doanh nghiệp thủy điện bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất thường và hạn hán nghiêm trọng; doanh nghiệp khai thác khoáng sản bị tác động bởi giá trên thế giới giảm sâu… Điều này gây khó khăn cho thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại sau thuế của khối doanh nghiệp này trong 8 tháng đầu năm.

Khó khăn là vậy, nhưng chủ trương của Chính phủ là không điều chỉnh giảm các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2016, mà quyết tâm phấn đấu đạt mức cao nhất. Để đạt kết quả tăng trưởng ở mức tối đa, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, cần bảo đảm tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế theo kế hoạch, tránh dồn vào những tháng cuối năm; thực hiện lộ trình giảm lãi suất cho vay... Thủ tướng yêu cầu từng thành viên Chính phủ phải quyết tâm hành động, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, cương quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức.

Một chỉ đạo quan trọng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng mà Thủ tướng nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ tháng 8, đó là cả hệ thống phải có khát vọng chuyển biến tình hình, đáp ứng nguyện vọng của người dân... Khi làm việc với các địa phương, Thủ tướng nói rằng, đảng bộ và nhân dân các địa phương đều phải có khát vọng về tăng trưởng, phát triển. Nếu lãnh đạo ở địa phương mà không có khát vọng thì không thể phát triển được. Có khát vọng mới đầu tư suy nghĩ, tìm tòi, dám làm, dám chịu và sáng tạo trong điều hành...

Tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2016, Chính phủ đã thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh (1 luật sửa 12 luật). Trong đó, xử lý nhiều vấn đề chồng chéo giữa các luật, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi kỹ lưỡng với các bộ, các hiệp hội, đi tới thống nhất, với tinh thần khắc phục tư tưởng trì trệ, bảo thủ, phải công khai, minh bạch. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu phải khẩn trương hoàn thiện dự án Luật sửa đổi để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đưa Dự án vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Đây là một dự án luật rất quan trọng, thể hiện mong đợi của người dân và doanh nghiệp.

“Chúng ta nói phá bỏ các rào cản, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp, thì trước hết phải hoàn thiện thể chế”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.

Khó đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tối thiểu 15% trong các tháng còn lại

Nền kinh tế phục hồi trong khó khăn ảnh 1

 Ông Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế

Mặc dù từ đầu năm đến nay, cán cân thương mại luôn ở thế xuất siêu, song có thể nói, tình hình xuất khẩu năm nay là rất khó khăn. Điều bất lợi là các yếu tố chủ yếu làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu phần lớn do những khó khăn của thị trường và nhu cầu thế giới suy giảm khi diễn biến kinh tế không thuận lợi, không những cầu tiêu dùng giảm, mà giá cả các loại hàng hóa xuất khẩu cũng giảm sút cùng với xu hướng giảm của giá dầu. Đây có thể nói là khó khăn “kép” đối với doanh nghiệp và nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm.

Nhìn tổng quan có thể thấy, những tác động hạn chế hoạt động xuất khẩu chủ yếu do nguyên nhân khách quan, vì vậy, khó có thể điều chỉnh, can thiệp một cách hiệu quả. Muốn đạt được chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm nay, các tháng còn lại phải đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu là 15%. Đây là thách thức rất lớn, khó có khả năng đạt được trong bối cảnh các điều kiện khách quan không thuận lợi như hiện nay.

Xét về mặt chủ quan, để thúc đẩy xuất khẩu nhằm tạo đà cho tăng trưởng kinh tế trong các tháng còn lại của năm, không có cách nào khác là phải nỗ lực đẩy mạnh thực thi các giải pháp hỗ trợ gián tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu thông qua việc cải cách hành chính, cải thiện các thủ tục và môi trường kinh doanh, đồng thời nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh cũng như trong xuất khẩu, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp sản xuất.

Tăng trưởng kinh tế cả năm khó đạt kế hoạch 6,7% đề ra

Nền kinh tế phục hồi trong khó khăn ảnh 2

PGS-TS. Trần Kim Chung,  Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương 


Tình hình xuất nhập khẩu các quý đầu năm rất đáng lưu tâm. Tuy có thặng dư thương mại, song chỉ mang tính tạm thời do sự suy giảm trong nhập khẩu, trong đó giảm chủ yếu là máy móc, thiết bị. Trong những tháng còn lại của năm 2016, tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ cao hơn nửa đầu năm 2016, tuy nhiên, dự báo cả năm khó đạt mức tăng trưởng kế hoạch đề ra (6,7%). Lạm phát tăng do việc tăng giá nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ, nhưng vẫn có khả năng đạt mục tiêu dưới 5%. Nông nghiệp hồi phục, có thể đạt mức tăng trưởng dương (nhưng không cao). Công nghiệp dự báo cũng sẽ tăng trưởng cao hơn nửa đầu năm 2016, vẫn chủ yếu ở khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất, phân phối điện, trong khi công nghiệp khai khoáng được duy trì và tăng trưởng không đáng kể.

Tình hình hoạt động của doanh nghiệp sẽ cải thiện dưới tác động của các chính sách quyết liệt, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ. Nhập khẩu tăng lên, đặc biệt là nhập khẩu máy móc, trong khi tăng trưởng xuất khẩu sẽ bị hạn chế, khó đạt mức tăng trưởng mục tiêu là 10% do tình hình thế giới biến động khó lường, đặc biệt là cuộc bầu cử ở Mỹ và việc Liên minh châu Âu (EU) suy yếu sau khi Anh rời EU. Do vậy, khó duy trì mức xuất siêu như nửa đầu năm.

Cần có giải pháp tích cực từ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2016

Nền kinh tế phục hồi trong khó khăn ảnh 3

 Ông Đỗ Văn Vẻ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hương Sen


Qua hơn nửa năm 2016, có thể thấy, tình hình kinh tế năm nay có nhiều yếu tố khách quan không thuận lợi và từ nay đến cuối năm, sẽ có nhiều diễn biến khó khăn. Đối với kinh tế Việt  Nam, có nhiều yếu tố cần kiểm soát như nợ công gia tăng, bội chi ngân sách tăng cao, chu kỳ trả nợ nước ngoài ngày càng cao; nợ xấu xử lý còn chậm, lãi suất ngân hàng còn cao và xu hướng có thể tăng; dư địa điều chỉnh chính sách tài chính, tài khóa không còn nhiều; tình hình hạn hán, ngập mặn, thời tiết ảnh hưởng trên diện rộng, gây hậu quả nghiêm trọng đối với nông nghiệp... Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại.

Tất cả những yếu tố trên sẽ tác động rất lớn tới kinh tế Việt Nam. Do đó, diễn biến  các quý còn lại của năm 2016 đòi hỏi phải có sự linh hoạt trong chính sách, cũng như nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, đồng thời cần có giải pháp tích cực từ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2016. Về vĩ mô, đặc biệt cần có các giải pháp điều hành quyết liệt trong quản lý đầu tư, đảm bảo ổn định tiền tệ và chính sách tài khoá, nhằm đảm bảo cân đối ngân sách, giảm bội chi và kiểm soát được nợ công, minh bạch hóa đầu tư công và ổn định thị trường tài chính, tạo nền tảng ổn định để doanh nghiệp phát triển. Về vi mô, quan tâm tới các giải pháp cụ thể trong cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các khó khăn vướng mắc và hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục