Nền kinh tế internet của Đông Nam Á sẽ tăng trưởng chậm lại vào năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế internet của Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng trưởng 11% trong năm 2023, chậm lại so với mức tăng trưởng 20% của năm ngoái.
Nền kinh tế internet của Đông Nam Á sẽ tăng trưởng chậm lại vào năm 2023

Báo cáo do Google, Temasek Holdings và nhà tư vấn kinh doanh toàn cầu Bain & Company công bố hôm thứ Tư (1/11) cho biết, nền kinh tế internet của khu vực sẽ đạt 295 tỷ USD vào năm 2025, giảm so với ước tính trước đó là 330 tỷ USD. Đây là lần thứ hai ước tính được điều chỉnh giảm trong báo cáo hàng năm của các công ty.

Báo cáo cho thấy, tổng chi tiêu trực tuyến sẽ tăng khoảng 11% trong năm nay lên 218 tỷ USD trong khu vực, chậm lại so với mức 20% một năm trước đó và đạt mức thấp nhất kể từ ít nhất là năm 2017.

“Các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số đang cho thấy quỹ đạo tăng trưởng tích cực, với du lịch và vận tải đang trên đà vượt mức trước đại dịch vào năm 2024”, báo cáo cho biết.

Florian Hoppe, Đối tác và Trưởng bộ phận Thực hành Kỹ thuật số khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Bain & Company cho biết, việc cắt giảm dự báo chủ yếu là do thay đổi mục tiêu dài hạn và ổn định sau đại dịch, và giờ đây sẽ là một đường băng khá ổn định cho đến năm 2025.

Khu vực Đông Nam Á có hơn 650 triệu dân, với dân số chủ yếu là trẻ, sử dụng điện thoại thông minh rộng rãi và tầng lớp trung lưu đang phát triển, khiến khu vực này trở thành một trong những thị trường internet phát triển nhanh nhất thế giới.

Ngay cả khi ngày càng có nhiều người ở Đông Nam Á sử dụng internet, phần lớn chi tiêu trong khu vực vẫn đến từ những người tiêu dùng tương đối giàu có hơn ở các thành phố lớn.

Báo cáo cho biết, 30% người dùng giàu có chiếm hơn 70% giá trị giao dịch của nền kinh tế kỹ thuật số, báo hiệu các công ty internet đang gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng tiềm năng ở những vùng xa xôi hơn.

Tại Việt Nam, nền kinh tế kỹ thuật số dự kiến sẽ tăng trưởng 20% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2025 và đang trên đà đạt khoảng 45 tỷ USD vào năm 2025, nhanh nhất ở Đông Nam Á cùng với Philippines.

Trong đó, thanh toán kỹ thuật số tiếp tục phát triển ở Việt Nam nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, đầu tư từ các ngân hàng thương mại và sự phổ biến rộng rãi của mã QR. Xu hướng này dự kiến sẽ tăng tốc khi ngân hàng trung ương nước này thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa.

Báo cáo cho biết thêm, nguồn tài trợ tư nhân cho các lĩnh vực liên quan đến kinh tế kỹ thuật số đã giảm xuống mức năm 2017 từ mức cao kỷ lục vào năm 2021, nhưng dự trữ tiền mặt cho đầu tư vẫn tăng bất chấp các nhà đầu tư ngày càng trở nên thận trọng.

Để thoát khỏi sự sụt giảm trong hoạt động tài trợ này, các doanh nghiệp kỹ thuật số của Đông Nam Á cần phải chứng minh rằng các giao dịch chất lượng với lộ trình rút vốn rõ ràng luôn sẵn có, đồng thời sự suy giảm này phù hợp với sự thay đổi toàn cầu theo hướng chi phí vốn cao và các vấn đề liên quan đến vòng đời của nguồn tài trợ.

Bất chấp các nhà đầu tư kén chọn hơn, “dry powder” - thuật ngữ đề cập đến số vốn đã cam kết trừ đi số tiền đã được kêu gọi đầu tư - vẫn tăng lên 15,7 tỷ USD vào cuối năm 2022, tăng từ 12,4 tỷ USD vào năm 2021.

Điều này cho thấy, đã có sẵn nhiên liệu để thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á chuyển sang giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.

Fock Wai Hoong, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Temasek cho biết: “Đó thực sự là một chức năng cho thấy các công ty có thể xoay vòng để đạt được lợi nhuận nhanh như thế nào. Họ thực hiện việc này càng sớm thì nguồn vốn sẽ quay vòng lại nhanh hơn”.

Các nhà đầu tư trong khu vực - đa số đã bắt đầu rót vốn vào giữa thập kỷ trước - đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng về việc mang lại lợi nhuận trong một thị trường đầy thách thức. Theo báo cáo, các quỹ đầu tư ở Đông Nam Á bắt đầu hoạt động trong vòng 5 - 7 năm qua chỉ mang lại lợi nhuận trung bình 4%, so với khoảng 50% ở Trung Quốc và 40% ở Mỹ.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục