Nền kinh tế cần các đánh giá mang tính định lượng

Báo cáo thẩm tra Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề nghị Chính phủ làm rõ thêm 8 nội dung.
Công tác lập và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cần được đánh giá sâu, bởi đây là một trong những yếu tố tác động tới kinh tế vĩ mô. Trong ảnh: Một phần khu vực đô thị bên sông Hồng thuộc địa phận TP. Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh

Những lo ngại của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Không phải ngẫu nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ đánh giá sâu hơn một số vấn đề liên quan đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, những tác động tới kinh tế vĩ mô trong thời gian tới, khi bội chi ngân sách có thể tiếp tục tăng do chủ động giảm thu, hụt thu, nợ xấu tiềm ẩn... Thiên tai, dịch bệnh không chỉ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cuộc sống của người dân, mà còn làm thay đổi nhiều kế hoạch, phát sinh nhiều cơ chế, chính sách mới...

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư giữa phiên thảo luận về nhiệm kỳ công tác của Chính phủ, đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhắc đến hàng loạt rủi ro của kinh tế vĩ mô khi nền kinh tế chưa phục hồi chắc chắn, doanh nghiệp còn rất khó khăn, tín dụng đổ vào sản xuất thấp, giá bất động sản tăng cao…

“Các đánh giá đang khá định tính, nên chúng tôi yêu cầu phải làm rõ hơn. Đúng là khi doanh nghiệp khó khăn, sản xuất khó khăn, thì theo logic, tiền sẽ đổ vào chứng khoán, bất động sản. Nhưng giá bất động sản tăng cao ở nhiều vùng có phải là phát triển nóng không…”, ông Sinh đặt rõ vấn đề.

Trong Báo cáo thẩm tra Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu Chính phủ đánh giá về việc dòng tiền trong nền kinh tế có dấu hiệu không chảy vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà tập trung vào các hoạt động mang tính đầu cơ; đề nghị báo cáo thêm về công tác quản lý thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.

Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm quản lý việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ với lãi suất cao, đang là kênh đầu tư mới, thu hút nhà đầu tư cá nhân trong giai đoạn dịch Covid-19, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế đang lo ngại về khả năng “nợ xấu chưa lộ rõ” khi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 và đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua, xây dựng phương án trong trường hợp kinh tế diễn biến bất lợi.

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Hữu Quang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã cảnh báo về khả năng thu ngân sách sẽ còn khó khăn, ngay cả khi những thông tin về tăng trưởng kinh tế quý I/2021 khá tích cực.

Thậm chí, ông Quang cũng nhắc đến kịch bản khi kinh tế phục hồi, thu ngân sách cũng cần có độ trễ để hồi phục do tác động từ các khoản tăng chi ngân sách nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, chính sách chủ động giảm thu và hụt thu ngân sách. Trong bối cảnh này, bội chi ngân sách, nợ công có thể sẽ tăng, tác động đến kinh tế vĩ mô trong thời gian tới. Theo báo cáo, bội chi ngân sách đã tăng từ 3,36% GDP năm 2019 lên khoảng 3,99% năm 2020, nợ công tăng từ 55% GDP năm 2019 lên 55,3% GDP...

“Chính phủ cần đánh giá rõ thêm để có các kịch bản ứng phó kịp thời”, ông Quang đề nghị.

Và câu hỏi tiền hỗ trợ có đến được với doanh nghiệp

Điểm đầu tiên mà Ủy ban Kinh tế nhắc đến trong phần đề nghị làm rõ thêm trong Báo cáo thẩm tra Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 là hiệu quả các chính sách, giải pháp đã thực hiện trong những tháng cuối năm 2020 để hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhất là về hỗ trợ doanh nghiệp, các đối tượng, những ngành, lĩnh vực kinh tế bị tác động, ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 như du lịch, hàng không...

Tất nhiên, Ủy ban Kinh tế đã đánh giá, nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn đã được ban hành kịp thời, tổ chức thực hiện hiệu quả để duy trì và từng bước phục hồi các hoạt động sản xuất - kinh doanh, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội…

Nhưng chia sẻ thêm về nội dung này, ông Đỗ Văn Sinh thẳng thắn nói, ông cần biết có bao nhiêu doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ, theo gói chính sách nào, doanh nghiệp đó ở lĩnh vực nào, ở địa phương nào…

“Chúng ta vẫn nói là chính sách tốt, có tiền, nhưng tiền đã đến được doanh nghiệp cần chưa? Phải làm rõ thì mới gỡ được khúc mắc, khó khăn, nhất là khi Chính phủ đang lên kế hoạch cho gói hỗ trợ bổ sung”, ông Sinh đặt vấn đề và cho rằng, đây là yêu cầu mà Chính phủ cần có báo cáo chi tiết.

Cũng phải nhắc lại, ngay trước khi kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV khai mạc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã có công bố đáng chú ý về tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam từ kết quả điều tra hơn 10.000 doanh nghiệp. Đây là đợt khảo sát với quy mô lớn nhất từ trước đến nay về vấn đề này.

Theo kết quả điều tra, 87,2% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19; 75% doanh nghiệp cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là hữu ích, nhưng cũng có tới 70% doanh nghiệp cho rằng, không dễ tiếp cận chính sách tín dụng lãi suất 0% trả lương cho lao động; 58% doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách giãn thời gian các khoản vay, chính sách giảm lãi suất cho vay… Nguyên do về tính thiết thực của chính sách và năng lực thực thi cũng được nhắc đến.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đại biểu Quốc hội đã buộc phải nhắc lại rất nhiều lần rằng, thực thi vẫn là khâu yếu nhất.

“Chúng tôi đề nghị, để nâng cao hiệu quả thực thi, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành. Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đầy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp”, ông Lộc đề nghị.

Vấn đề là, nếu tình trạng này không được cải thiện, thì nguồn lực mà Nhà nước dành để hỗ trợ doanh nghiệp, vốn đã phải co kéo, cân nhắc nhiều, sẽ không phát huy hiệu quả. Cùng với đó, niềm tin của doanh nghiệp với các chính sách hỗ trợ sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Tám nội dung Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá sâu hơn

Hiệu quả thực chất của các chính sách, giải pháp đã thực hiện trong những tháng cuối năm 2020 để hỗ trợ phục hồi kinh tế...

Tác động của tăng chi ngân sách đến sự ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới...

Những ảnh hưởng của việc Bộ Tài chính Mỹ chính thức dán nhãn Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ… Báo cáo bổ sung việc ứng phó và vận dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa...

Điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua và xây dựng phương án trong trường hợp kinh tế diễn biến bất lợi.

Bổ sung bài học kinh nghiệm về giải ngân đầu tư công trong năm 2020, có giải pháp đẩy mạnh giải ngân ngay những năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025.

Tiếp tục theo dõi, chủ động các giải pháp ứng phó với mọi tình huống của Covid-19.

Kết quả công tác lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030; việc lập và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Báo cáo đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện các chính sách về đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

"Cần có giải pháp kiểm soát thị trường bất động sản"

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Dòng tiền trên thị trường gần đây đang chuyển dịch, phân tán, trong đó có đổ mạnh vào thị trường bất động sản. Điều này đáng lo ngại, vì nếu chúng ta không có cơ chế giám sát, sẽ dẫn đến bong bóng thị trường bất động sản.

Tôi cho rằng, cần có giải pháp để kiểm soát thị trường bất động sản, kể cả chính sách tiền tệ - tài chính, thuế khóa và các biện pháp khác. Giá bất động sản tăng lên sẽ phá vỡ kế hoạch đầu tư công. Ví dụ, để làm cầu vượt Cát Lái, trước đây dự toán chi phí giải phóng mặt bằng là 400 tỷ đồng, bây giờ là 1.600 tỷ đồng.

Cùng với giải pháp về hành chính, thuế khóa, cần tập trung vào công tác tuyên truyền… Bên cạnh đó, cần giải quyết nhanh bài toán quy hoạch sử dụng đất, để giải phóng nguồn lực, cũng để giải quyết bài toán căn cơ giữa nông nghiệp và đất đai.

"Để cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp yên tâm thực thi"

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM)

Những tác động của Covid-19 tới nền kinh tế có lẽ phải đến năm nay mới thực sự thấm, nên tôi đồng ý với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc phải có những đánh giá sâu sắc hơn, đánh giá cả hiệu quả phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, để có cơ chế, chính sách kịp thời.

Đơn cử, khi nói những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chưa cụ thể, vẫn vướng thủ tục hành chính, thì phải xác định rõ do đâu, có phải do sợ lạm dụng, không xác định được đúng đối tượng…, hay do chưa hướng dẫn doanh nghiệp rõ ràng, khiến doanh nghiệp nghe thấy thủ tục phức tạp là nản, ngại.

Tôi cho rằng, cần làm rõ thủ tục, đối tượng để cả cơ quan thực thi và doanh nghiệp yên tâm thực hiện, tránh tình trạng giảm thủ tục, bớt phiền hà, nhưng lại không đúng quy định, rủi ro rất lớn về sau. Khi không yên tâm, cả công chức và doanh nghiệp không ai muốn làm. Đồng thời, phải làm rõ trách nhiệm phối hợp trong thực thi, không để tình trạng cùng thời điểm, mỗi địa phương lại áp dụng khác nhau…

An Nguyên - Khánh Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục