Năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội, Chính phủ đã nhắc đến “cỗ xe tam mã”, bao gồm xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và đầu tư công, coi đó là những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Năm nay, câu chuyện về “cỗ xe tam mã” đã một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong những tháng đầu năm. Nhưng có lẽ, không chỉ là “cỗ xe tam mã”, nền kinh tế Việt Nam đang cần một cỗ xe “tứ mã” để không chỉ thúc tăng trưởng trong ngắn hạn, vượt qua khó khăn của năm Covid thứ hai, mà còn là tăng trưởng và phát triển trong giai đoạn sau. Con “mã” thứ tư của nền kinh tế, có lẽ, chính là kinh tế số. Lần đầu tiên, một cách rất rõ ràng, Chính phủ đã vạch rõ 3 không gian kinh tế của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2021.
Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, trong đó thúc đẩy ba không gian kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Đó là kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân; kinh tế quốc tế với việc khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; kinh tế số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong khu vực và thế giới để thu hút mạnh mẽ đầu tư.
Không gian kinh tế thứ nhất và thứ hai đã được nhắc đến lâu nay cũng chính là những cỗ xe tăng trưởng quan trọng và mang tính “truyền thống” của Việt Nam. Cỗ xe mới, chính là kinh tế số - không gian kinh tế rất nhiều tiềm năng và đang phát triển rất mạnh mẽ ở Việt Nam.
Một ví dụ dễ thấy nhất, Tết Tân Sửu, người tiêu dùng cả nước có thể sắm Tết online tất tật từ giỏ quà đến hàng tươi sống. Thương mại điện tử của Việt Nam, do tác động của đại dịch Covid-19, đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng 18% trong năm 2020, với quy mô thị trường 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Theo một báo cáo của Google, Temasek và Bain, nền kinh tế số Việt Nam đạt trị giá 12 tỷ USD vào năm 2019, đóng góp khoảng 5% vào GDP, cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015. Dự báo, giá trị kinh tế số của Việt Nam sẽ chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.
Trong khi đó, Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2025, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 20% GDP. Giữa năm ngoái, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; đến năm 2030, con số là 30% GDP.
Mở rộng được không gian kinh tế số là phương cách quan trọng để Việt Nam vượt qua những khó khăn của “thời Covid-19”, hồi phục nhanh chóng nền kinh tế và sớm bước vào quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
Câu chuyện sẽ không dễ dàng, bởi để không gian kinh tế số phát triển, còn cần cả thể chế, chính sách đi kèm, cần hành lang pháp lý đủ đầy, phát triển hạ tầng số, cần cả quyết tâm chuyển đổi số, cũng như tinh thần đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp... Ví dụ gần nhất, là các quy định về kinh tế chia sẻ, mà đông đảo doanh nghiệp đang chờ đợi.
Có thể nói, Covid-19 là cú hích đáng kể với kinh tế số Việt Nam. Cũng vì Covid-19, Việt Nam có cơ hội để phát triển kinh tế số. Nhưng đó không chỉ là cơ hội, mà còn là “mệnh lệnh của nền kinh tế”. Sau hơn 30 năm Đổi mới, khi những động lực tăng trưởng cũ đã tới hạn, cộng thêm những biến đổi to lớn do Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, kinh tế Việt Nam không thể tăng trưởng theo mô hình cũ, mà đến lúc phải dựa nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo, vào khoa học - công nghệ.
Tất nhiên, để nền kinh tế phát triển, không phải chỉ dựa vào không gian kinh tế số, mà còn cần cả không gian kinh tế trong nước và không gian kinh tế quốc tế, như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Đây chính là kiềng ba chân để kinh tế Việt Nam có thể tăng tốc, phát triển.