Nền kinh tế 2015: Thách thức phía sau sự phục hồi

(ĐTCK) Sáng ngày 20/5, ngay sau phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2014 và những tháng đầu năm 2015.
Nền kinh tế 2015: Thách thức phía sau sự phục hồi

Đánh giá về tình hình kinh tế năm 2014, báo cáo của Phó Thủ tướng cho rằng, nền kinh tế tiếp tục phục hồi và phát triển nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn. So với kế hoạch năm 2014, có 13/14 chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu đề ra. GDP tăng 5,98%, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất kể từ năm 2011. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,7%, CPI tăng 1,84%, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP là 31%. Chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Những tháng đầu năm 2015, nền kinh tế có sự phục hồi rõ rệt. GDP quý I đạt 6,03%, mức tăng cao nhất so với cùng kỳ những năm gần đây, số thu ngân sách đạt khá, tỷ lệ lạm phát kiểm soát ở mức thấp. Thêm vào đó, khu vực dịch vụ tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đã loại trừ yếu tố giá tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, cho thấy các tín hiệu tích cực về tăng tổng cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, kinh tế - xã hội những tháng đầu năm vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức.

Có thể nhận thấy ngay rằng, tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững. “Tăng trưởng quý I chủ yếu là nhờ đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng (khai thác dầu thô, than đá). Trong khi đó, mức tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ở mức thấp, chỉ tăng 2,14% so với mức tăng 2,68% cùng kỳ năm trước”, Báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Ngoài ra, một số chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước như sản xuất nông nghiệp, đóng tàu đánh bắt thủy sản, nhà ở cho người thu nhập thấp... được đánh giá là đúng đắn, kịp thời nhưng lại chậm triển khai, gặp nhiều vướng mắc, gây phiền hà và tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng, miền, địa phương.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, có một số ý kiến lo ngại về xu hướng nhập siêu lớn trong những tháng đầu năm 2015. Trong 4 tháng đầu năm, nhập siêu đã ở mức 3 tỷ USD, tương đương khoảng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội là 5%, trong đó có nguyên nhân là do kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp, thủy sản giảm 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo thẩm tra cũng cho rằng, nợ công tiếp tục gia tăng với tốc độ cao, trong năm 2015, dự báo nghĩa vụ trả nợ ở mức cao, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn Nhà nước còn chậm nên khó có thể hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2014-2015.

Trước những  khó khăn, thách thức như vậy, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ phải hoàn thành việc phê duyệt các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và từng địa phương chậm nhất là cuối quý II/2015. Đồng thời nghiên cứu, xem xét để trình Quốc hội ban hành Luật hoặc Nghị quyết riêng về cổ phần hóa DNNN.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục tư pháp, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của chủ nợ, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, nợ đọng xây dựng cơ bản theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Bên lề Quốc hội, đánh giá về Báo cáo kinh tế xã hội, một số đại biểu thể hiện sự quan tâm đến vấn đề tiêu thụ nông sản trong nước. Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Báo cáo của Chính phủ phản ánh tương đối sát với thực tế, trong đó có 2 vấn đề mà người nông dân đặc biệt lo lắng. Đó là vật tư đầu vào của nông nghiệp vẫn tăng cao, không giảm và sản phẩm đầu ra không tiêu thụ được.

Còn đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc được mùa mất giá đúng là vấn đề bức xúc của người nông dân, nhưng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. “Chúng ta phải xem phương thức sản xuất của bà con nông dân như trồng hành tím ở Sóc Trăng, trồng dưa hấu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi… đã phù hợp trong nền kinh tế quốc tế và các Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về tam nông chưa? Bà con nông dân đã phối hợp với nhau để có được phương thức sản xuất tập thể theo chuỗi hay chưa? Đã liên kết với các mô hình kinh tế khác để hình thành chuỗi cung ứng trên thị trường nội địa hay chưa?”, đại biểu Kiên nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM), Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để đưa ra giải pháp giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản này, cần một tư duy chiến lược và ưu tiên hiện đại hóa nền nông nghiệp.

“Sắp tới, khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương kết thúc đàm phán và có hiệu lực, đây là lợi thế rất lớn cho nông sản Việt Nam, nhưng cũng là thách thức nếu như chúng ta không biết tận dụng. Năng lực cạnh tranh quốc gia, sản phẩm của mình còn yếu, đặc biệt, sản xuất lớn trong nông nghiệp chưa có… nên đòi hỏi một sự đầu tư thực sự vào lĩnh vực nông nghiệp, chứ không phải chỉ hô hào”, ông Ngân nói.      

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục