Nên giữ nguyên các mức thuế suất

Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 đang được Bộ Tài chính xây dựng nên giữ nguyên các mức thuế suất như hiện nay vì trên thực tế thuế suất của Việt Nam không hề thấp.
Ảnh: Shutterstocks.

Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính).

Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 732/2011/QĐ-TTg sắp kết thúc. Đánh giá một cách khách quan, ông có cho rằng, Bộ Tài chính đã thành công trong việc thực hiện chiến lược này?

Thủ tướng Chính phủ đặt ra yêu cầu trong giai đoạn 2011 - 2020 phải xây dựng được hệ thống chính sách thuế minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện; cơ cấu lại theo hướng tăng nguồn thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) đến năm 2015 đạt trên 70% thu ngân sách nhà nước (NSNN) và đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu.

Tỷ lệ huy động NSNN giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 23 - 24% GDP, trong đó tỷ lệ động viên từ thuế, phí và lệ phí 22 - 23% GDP; tốc độ tăng trưởng thu ngân sách 16% - 18%/năm. Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ huy động thu ngân sách và tỷ lệ động viên từ thuế, phí và lệ phí trên GDP ở mức hợp lý.

TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính).

So sánh với yêu cầu đặt ra và kết quả đạt được, tôi cho rằng, về tổng thể, có thể khẳng định Chiến lực cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã đạt được kết quả nhất định. Cụ thể, quy mô thu NSNN giai đoạn 2016 - 2020 tăng 1,6 lần so với giai đoạn trước đó; tổng mức động viên vào ngân sách đạt 24,5% GDP, trong đó thu từ phí, lệ phí đạt 20,4% GDP.

Cơ cấu thu ngày càng bền vững, khi tỷ lệ thu nội địa chiếm 82-83% tổng thu, tỷ trọng thu dầu thô giảm dần, từ mức bình quân khoảng 13% giai đoạn 2011 - 2015, xuống còn khoảng 3,6% năm và thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu đã giảm từ mức 18,2%, xuống còn chưa đến 14%.

Mục tiêu đặt ra là thu từ thuế, phí tương đương 22-23% GDP, nhưng thực tế chỉ đạt 20,4% GDP và ngày càng giảm dần. Ông có nghĩ rằng, chính sách thuế của Việt Nam rất cạnh tranh trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước?

Đúng là thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam rất cạnh tranh sau khi giảm từ 28% xuống 25%, 22% và kể từ năm 2016 trở lại đây chỉ còn 20%. Nếu trừ đi phần ưu đãi miễn, giảm thuế thì thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ còn khoảng 13-14%. Đây là mức thuế suất rất thấp so với thuế suất bình quân của khu vực ASEAN (21,7%) và nhất là so với các nước OECD với thuế suất bình quân vào khoảng 28-30%.

Nhưng cũng phải nói lại rằng, ở các nước, người ta coi tất cả các khoản mà doanh nghiệp phải đóng vào NSNN là thuế, còn Việt Nam không tính khoản bảo hiểm bắt buộc, gồm bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội.

Khi cộng thêm các khoản này nữa thì thuế suất của Việt Nam không hề thấp, và nếu cộng cả kinh phí công đoàn và rất nhiều khoản vào các loại quỹ khác nhau vào thì nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam cũng không phải là quá cạnh tranh.

Vì vậy, trong giai đoạn tới, theo tôi nên giữ nguyên các mức thuế suất hiện hành, không tăng cũng không giảm để tăng sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thưa ông, NSNN còn khó khăn 2-3 năm sau khi đại dịch Covid-19 đi qua, nếu không tăng thu thì lấy gì bảo đảm chi tiêu thường xuyên, chi đầu tư, thực hiện các chính sách an sinh xã hội?

Chính sách thuế không chỉ hướng đến mục tiêu tăng thu ngân sách, bảo đảm công bằng, điều tiết thu nhập, mà còn phải phục vụ mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030 cần phải tính toán xem nên ưu tiên mục tiêu nào trước.

Theo ông, cân đối ngân sách của Việt Nam trong những năm tới thế nào?

Như tôi đã nói, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giảm rất mạnh. Mặc dù không giảm thuế thu nhập cá nhân, nhưng thông qua việc nâng mức khởi điểm chịu thuế đối với người nộp thuế từ 5 triệu đồng lên 9 triệu đồng và bây giờ là 11 triệu đồng/tháng (người phụ thuộc cũng được nâng mức khởi điểm lên tương ứng), thì trên thực tế là đã giảm thuế thu nhập cá nhân rất mạnh. Riêng việc điều chỉnh nâng khởi điểm chịu thuế, mỗi năm, ngân sách đã giảm thu hàng chục ngàn tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã từng đề xuất nâng mức thuế giá trị gia tăng từ 5% lên 6% và từ 10% lên 12%, nhưng cuối cùng, đề xuất này bị dừng lại ngay từ khi xin ý kiến đóng góp của người dân. Vì vậy, cân đối ngân sách trong mấy năm tới đây có thể nói là rất căng thẳng.

Người dân chưa đồng thuận với việc nâng thuế suất thuế giá trị gia tăng không đồng nghĩa với việc sẽ không nâng vì trên thực tế thuế suất thuế giá trị gia tăng của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của thế giới, thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam cũng tương tự?

Đúng là thuế suất thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới, nhất là so với những nền kinh tế phát triển.

Nhưng nếu chỉ lấy thuế suất để so sánh thì rất khập khiễng vì đại bộ phận người dân Việt Nam có thu nhập từ mức trung bình trở xuống, nếu tăng thuế thì so với thu nhập, người có thu nhập thấp phải đóng thuế nhiều hơn so với người thu nhập cao, người càng giàu đóng thuế càng ít và như vậy dẫn đến sự mất công bằng.

Thuế thu nhập cá nhân ở các nước rất cao, lên đến trên 40%, còn Việt Nam thì đánh theo lũy tiến từ 5% đến 35%, nhưng tuyệt đại đa số người dân chỉ nộp thuế ở mức thuế suất 5%, 10%, tối đa là 15%.

Điều đáng nói là ở Việt Nam, mặc dù phải đóng thuế thu nhập cá nhân, nhưng người dân được hưởng các dịch vụ công cơ bản như giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, y tế… rất ít, đóng thuế nhưng đi viện, đi học vẫn phải mất tiền.

Còn ở các nước phát triển, toàn bộ thuế thu nhập cá nhân để phục vụ trở lại cho người dân, nên người ta đánh thuế cao, người dân được hưởng phúc lợi xã hội, được cung cấp dịch vụ công đầy đủ, nên khó có thể nói thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam cao hay thấp.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục