NĐT trưởng thành hơn sau những lần vấp ngã

(ĐTCK) "Những bài học “xương máu” trên thị trường đã giúp NĐT trưởng thành đáng kể so với những ngày đầu mở cửa thị trường".
Ông Nguyễn Hoàng Hải Ông Nguyễn Hoàng Hải

Đó là đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) khi trao đổi với ĐTCK.

> Chuyên đề 13 năm TTCK Việt Nam

Sau 13 năm đồng hành cùng TTCK, NĐT, nhất là NĐT cá nhân, nhỏ lẻ trong nước đã bớt tâm tính của “tuổi mới lớn”, thưa ông?

Sự kém hiểu biết, thiếu chuyên nghiệp của NĐT, nhất là NĐT nhỏ lẻ nội địa đã bớt dần sau những lần vấp ngã trong quá trình đầu tư. Những bài học từ việc lạm dụng đòn bẩy tài chính, đầu tư theo tin đồn của các “đội lái”, mạo hiểm ném tiền vào những DN thua lỗ… đã giúp NĐT trưởng thành đáng kể so với những ngày đầu mở cửa thị trường.

Từ những bài học “xương máu” trên thị trường, các hiện tượng đầu tư không lành mạnh đang giảm dần. Nói cách khác, do chính sách quản lý, cũng như bối cảnh thị trường thay đổi, NĐT nhận thấy thực hiện các chiêu thức giao dịch không lành mạnh có nguy cơ mất nhiều hơn được, nên họ dần tránh xa. Điều này giải thích tại sao gần, đây xu hướng đầu tư giá trị dần rõ nét. Nếu kinh tế vĩ mô ổn định hơn, cùng với hoạt động của DN thêm bền vững, sẽ tiếp sức cho xu hướng đầu tư giá trị, một diễn biến được coi là không thể thiếu nếu muốn TTCK vận hành ổn định và lành mạnh hơn.

 

Nhưng đó chỉ là những chuyển biến tích cực ban đầu, bởi cơ cấu NĐT nhỏ lẻ hiện chiếm đa số trong tổng cơ cấu NĐT tham gia thị trường?

So với những TTCK có lịch sử phát triển hàng trăm năm trên thế giới, rõ ràng TTCK Việt Nam vẫn mới chỉ ở giai đoạn đang lớn, còn khá xa mới tiệm cận giai đoạn trưởng thành. Trong bối cảnh các chuẩn hoạt động của thị trường vẫn đang trong quá trình hoàn chỉnh ở giai đoạn nền tảng như vậy, việc nâng cao tính chuyên nghiệp của NĐT, gia tăng số lượng NĐT tổ chức mới vượt qua vạch xuất phát.

Với lượng NĐT cá nhân, nhỏ lẻ chiếm khoảng 80% tổng cơ cấu NĐT tham gia thị trường, một cơ cấu trái ngược với các TTCK phát triển trên thế giới, không chỉ phản ánh trình độ phát triển của TTCK Việt Nam còn non trẻ, mà còn thể hiện chất lượng của NĐT còn thấp. Thị trường thiếu vắng nhiều NĐT tổ chức, chuyên nghiệp, NĐT chiến lược, làm cho kênh huy động vốn qua TTCK chưa được phát huy, bởi mức độ tham gia của NĐT nhỏ lẻ vào các đợt huy động vốn của DN thường không ổn định, nhất là trong bối cảnh TTCK đối mặt với nhiều khó khăn hiện tại. Lượng NĐT cá nhân nhỏ lẻ chiếm áp đảo, khiến chất lượng quản trị đối với các DN niêm yết chậm được cải thiện. Tình trạng này sẽ dần được khắc phục nếu cấu trúc NĐT được đảo ngược so với hiện tại.

 

Đó là nhìn ở khía cạnh đòi hỏi NĐT tham gia thị trường cần nâng cao tính chuyên nghiệp. Nhưng trước khi nghĩ tới điều này, không thể không sớm hoàn thiện cơ chế, cũng như các giải pháp để bảo vệ hiệu quả NĐT nhỏ lẻ, bởi thực tế trong nhiều trường hợp, quyền và lợi ích hợp pháp của họ chưa được bảo vệ kịp thời và hiệu quả, thưa ông?

Đây là thực tế khá nhức nhối đang tồn tại. Chuyện NĐT bị một vài công ty chứng khoán chiếm đoạt tiền; bị DN niêm yết, công ty kiểm toán “qua mặt” khiến ôm phải mớ cổ phiếu “lởm”… đang đòi hỏi Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), cũng như các cơ quan liên quan sớm hoàn chỉnh cơ chế bảo vệ NĐT nhỏ. Muốn vậy, cần khẩn trương cụ thể hóa quy định của Luật Chứng khoán, để quỹ bảo vệ NĐT sớm được thành lập, thay vì “nằm trên giấy” suốt nhiều năm nay. Qua thực tế nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của VAFI, Bộ Tài chính, UBCK cũng nên xem xét thành lập tổ chức bảo vệ NĐT như VAFI đã từng kiến nghị cách đây vài năm. 

Cũng cần có quy định khuyến khích NĐT tham gia phát hiện và tố cáo vi phạm. Theo đó, nên trích một phần kinh phí từ việc xử lý các vụ vi phạm mà NĐT phát hiện và tố cáo để thưởng cho chính NĐT, nhằm khuyến khích các thành viên thị trường tham gia đấu tranh với các hành vi tiêu cực trên TTCK.

NĐT trưởng thành hơn sau những lần vấp ngã ảnh 1

Để gia tăng tính chuyên nghiệp cho NĐT, cũng như tăng số lượng NĐT tổ chức cho thị trường, ý tưởng sử dụng công cụ thuế đã được tính đến. Tuy nhiên, ông có cho rằng, việc triển khai ý tưởng này trên thực tế còn quá chậm?

Chẳng phải riêng Việt Nam, mà thông lệ quốc tế cho thấy, muốn phát triển lực lượng NĐT tổ chức, chuyên nghiệp, cần khuyến khích các tổ chức là các quỹ đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường. Tuy nhiên, các giải pháp để tạo động lực thu hút đối tượng này tham gia TTCK nhiều hơn hiện quá mờ nhạt, chưa đủ liều lượng. Việc giảm, thậm chí miễn thuế cho NĐT tổ chức khi tham gia thị trường đã được Bộ Tài chính, UBCK bàn thảo nhiều lần, nhưng chưa mang lại kết quả do phải đợi sửa đổi các luật liên quan. Để làm được việc này phải mất khá nhiều thời gian, nên đến nay chưa có nhân tố đột biến thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ NĐT tổ chức, chuyên nghiệp như chính mục tiêu tái cơ cấu TTCK mà Bộ Tài chính, UBCK đặt ra. Chừng nào “điểm nghẽn” này chưa được giải tỏa, thì việc phát triển thêm lượng NĐT tổ chức cho thị trường sẽ còn khó.

 

“Cần có cơ chế khởi kiện dân sự riêng cho lĩnh vực chứng khoán”

Nhà đầu tư Trần Thị Vượng

 

Là nạn nhân của vụ CTCK Trường Sơn lập hợp đồng hợp tác hỗ trợ vốn giả mạo, phong tỏa tài khoản chứng khoán của NĐT trái phép và lừa đảo khoản tiền hơn 4 tỷ đồng, bản thân NĐT cảm thấy bất lực trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có một thực tế, hiện chưa có cơ chế khởi kiện dân sự rõ ràng riêng cho lĩnh vực chứng khoán.

 

Với cơ chế khởi kiện “dùng chung” với các lĩnh vực kinh tế, dân sự khác như hiện tại, NĐT không thể đến tòa án để tìm công lý. Vì thực tế này, NĐT không biết phải cung cấp cho tòa án những hồ sơ, chứng từ gì thì được coi là đủ bằng chứng chứng minh quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm hại và được pháp luật bảo vệ. Nói cách khác, vì chưa có cơ chế này, nên khó tránh khỏi sự tùy tiện của tòa án trong yêu cầu NĐT phải cung cấp các loại tài liệu, chứng cứ chứng minh bị xâm hại quyền lợi hợp pháp. Điều này dễ nảy sinh tiêu cực trong quá trình thụ lý hồ sơ, xét xử vụ kiện mà phần thua thiệt thường nghiêng về NĐT nhỏ lẻ.

 

Vì thực tế bức xúc trên, nên để đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng luôn được thượng tôn trên TTCK, Bộ Tài chính, UBCK cần phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu ban hành hướng dẫn về cơ chế khởi kiện dân sự trong lĩnh vực chứng khoán. Trong đó, quy định chi tiết trình tự, thủ tục, thời gian thụ lý và giải quyết hồ sơ, để NĐT nhỏ lẻ không còn bất lực trên con đường đến tòa án tìm công lý như hiện tại.

 

“Thiếu cơ chế bảo vệ NĐT cá nhân”

Nhà đầu tư Lê Thị Uyên

 

Với hệ thống quy định hiện hành, khi NĐT bị CTCK chiếm đoạt tiền, họ rất khó khăn trong bảo vệ quyền lợi của mình, nếu không muốn nói là bất lực. Pháp luật không thể trông đợi sự tự giác, ý thức tuân thủ của các CTCK, mà phải có các quy định để CTCK, nhân viên CTCK không muốn và không thể chiếm đoạt tiền của NĐT. Để làm được điều này, cần bổ sung các chế tài xử lý hành chính đủ nặng để tăng tính răn đe như treo hoặc tước chứng chỉ hành nghề của nhân viên CTCK vi phạm và những người liên đới, đồng thời phạt tiền thật nặng, để họ cảm thấy “mất” hơn “được” khi thực hiện hành vi vi phạm. Cùng với đó, cũng cần nâng cao tính kịp thời, hiệu quả của các biện pháp xử lý hình sự đối với các trường hợp nhân viên CTCK chiếm đoạt tài sản của NĐT. Điều quan trọng khi áp dụng các biện pháp xử lý hình sự là nên vận dụng tối đa các hình phạt về kinh tế, để đáp ứng điều mong đợi nhất của các bị hại là đòi lại được tiền và chứng khoán bị chiếm đoạt, thay vì xem nhẹ các hình phạt này mà lại quá thiên về áp dụng hình phạt tù.

Hữu Đạo thực hiện
Hữu Đạo thực hiện

Tin cùng chuyên mục