NĐT cá nhân đánh tất tay với cổ phiếu PVF

Bất chấp quỹ ETF xả hàng, các công ty chứng khoán giải chấp ở giá sàn, cổ phiếu sắp hủy niêm yết, nhưng nhiều NĐT cá nhân vẫn nắm giữ và gom mạnh PVF với kỳ vọng đánh ván tất tay trong 12-14 tháng tới.
NĐT cá nhân đánh tất tay với cổ phiếu PVF

>> Hủy niêm yết, cổ phiếu PVF đi về đâu? 

 

Ngày 24/9, PVF chính thức bị hủy niêm yết do Tổng công ty Tài chính Dầu khí (PVFC, mã CK: PVF) thực hiện việc hợp nhất với Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Tây. Từ cuối tháng 8 đầu tháng 9, áp lực tháo hàng xuất hiện khi các quỹ ETF loại PVF ra khỏi danh mục đầu tư và các công ty đầy mạnh giải chấp.

 

Trong 7 phiên liên tiếp tính đến ngày 19/9, PVF sụt giảm trên 30%, áp lực bán sàn khá nặng nề. Thế nhưng, thị trường vẫn xuất hiện một số nhà đầu tư đi ngược vòng xoáy bán tháo và rình rập bắt đáy. Kể từ phiên giao dịch cuối tuần trước, HOSE chứng kiến lực mua đột ngột quay trở lại.

 

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/9, PVF khớp lệnh hơn 24 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 8% tổng giá trị giao dịch sàn TP HCM, trong đó khối ngoại mua vào hơn 1,6 triệu cổ phiếu. Dù mua lúc này sẽ phải nắm giữ cổ phiếu PVF tối thiểu một năm, nhiều nhà đầu tư này vẫn không ngại bị chôn vốn. Theo quy định, việc niêm yết trở lại chỉ được thực hiện khi PVcomBank (ngân hàng hợp nhất) đi vào hoạt động ít nhất một năm, chưa kể phải đáp ứng thêm nhiều điều kiện khác.

 

Trong ngày cuối cùng giao dịch tại HOSE, PVF có phiên thứ hai liên tiếp tăng trần sau chuỗi giảm sàn mạnh. Chốt phiên 23/9, PVF có lực gom hàng lấn lướt, dư mua trần gần 1,8 triệu cổ phiếu, khớp lệnh 2,9 triệu đơn vị. Nếu so với thời điểm bắt đáy giá sàn phiên thứ sáu tuần trước, mức lãi đạt khoảng 17%.

 

NĐT cá nhân đánh tất tay với cổ phiếu PVF  ảnh 1

Một số nhà đầu tư vẫn thu gom hoặc nắm giữ cổ phiếu PVF với kỳ vọng giá cổ phiếu này sẽ tăng mạnh khi niêm yết trở lại với tên mới. Ảnh: Hoàng Hà

 

Một nhà đầu tư có kinh nghiệm gần chục năm buôn chứng khoán tiết lộ, bà vẫn gom cổ phiếu PVF và đã bắt đáy được một số lượng đáng kể từ cuối tuần trước. "Tôi thậm chí còn hỏi những người bạn đang nắm PVF có nhu cầu bán thì đẩy hàng sang, tôi sẽ thu gom. Tôi không ngại chờ đợi vài năm vì tin rằng khi trở lại mã này sẽ có giá tốt", bà giải thích.

 

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim đang ôm hơn 20.000 cổ phiếu PVF quyết giữ lại mớ hàng tưởng chừng bèo bọt này. Bà cho biết: "Bây giờ bán ra thu về cũng chẳng bao nhiêu. Xem như cược vào may rủi, tôi sẽ đánh ván tất tay trong 12-14 tháng tới. Cùng lắm thì bán OTC nhưng có lẽ không còn giá nào thấp hơn giá sàn kỷ lục hôm cuối tuần trước".

 

Có hai luồng quan điểm khác nhau nhận xét về tâm lý gom giữ PVF bất chấp thời hạn hủy niêm yết cận kề. Một số chuyên gia cho rằng, động thái mua vào trong vài phiên cuối cùng trước chỉ là áp lực mua hàng để trả danh mục đã vay mượn từ trước.

 

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán MayBank Kim Eng, Phan Dũng Khánh lại có cái nhìn khác. Chuyên gia này giải thích: "Ít nhất một năm nữa PVF mới có thể niêm yết trở lại trong hình hài PVcomBank là một thách thức không nhỏ. Song cơ hội đầu tư vào một mã đã xuống thấp kỷ lục vì bị hủy niêm yết và có động lực quay trở lại sàn vẫn khá hấp dẫn".

 

Theo ông Khánh, nếu xét từ thời điểm bắt đáy hôm 19/9, PVF khớp lệnh ở giá 3.800 đồng một cổ phiếu, mức thấp nhất trong lịch sử giao dịch của mã này thì ngay cả bán OTC nhà đầu tư cũng hòa vốn trở lên chứ không bị lỗ. Đó là chưa kể khi niêm yết trở lại, cổ phiếu này sẽ được định giá lại, mệnh giá thấp nhất là 10.000 đồng một cổ phiếu, tức là 200% so với thời điểm hủy niêm yết. Trong lịch sử chào sàn của PVF, mã này từng được định giá rất cao. Nếu trong một năm lãi suất ngân hàng lý tưởng là 20% thì đầu tư vào PVF (sau này là PVcomBank) vẫn khá ổn.

 

"Tôi cũng tin rằng PVcomBank sẽ không mất quá nhiều thời gian để lên sàn với mức giá hấp dẫn hơn PVF hiện nay. Vì vậy, có một nhóm nhà đầu tư vẫn đặt cược vào cổ phiếu PVF là điều dễ hiểu", ông nói.

 

Ông Nguyễn Đình Lâm, nguyên Chủ tịch Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC, Mã CK: PVF), tân Chủ tịch PVcombank cho biết, đợt bán mạnh PVF trước đây chủ yếu do các quỹ và nhà đầu tư đang chịu áp lực đóng danh mục khi PVF phải huỷ niêm yết. Theo ông Lâm, động thái này thực tế không ảnh hưởng hay gây khó khăn tới hoạt động doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá trên sàn giảm ít nhiều cũng gây thiệt thòi cho cổ đông đang nắm cổ phiếu PVF. "Dù vậy, nếu là cổ đông dài hạn thì mức độ ảnh hưởng cũng không thực sự quá lớn”, ông Lâm chia sẻ.

 

Cũng theo ông Lâm, trong thời gian tới, có thể cổ đông đang nắm PVF còn gặp một số khó khăn khác do sau khi hủy niêm yết, thanh khoản cổ phiếu giảm và khả năng mua bán tương đối khó. Tuy nhiên, tân Chủ tịch PVcombank khẳng định, trong một năm tới sẽ cố gắng để đưa cổ phiếu công ty niêm yết trở lại trên sàn.

“Niêm yết trở lại còn phụ thuộc vào việc thực hiện theo yêu cầu của luật và phải đánh giá lại các chỉ số hoạt động tài chính trong doanh nghiệp. Nếu tính bình quân ra cũng phải mất khoảng một năm nữa mới thực hiện xong”, ông Lâm cho biết.


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục