NCIF dự báo Việt Nam sẽ gia nhập nhóm thu nhập trung bình cao trong giai đoạn 2021-2025

(ĐTCK) Với tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,84% trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam được kỳ vọng bước vào giai đoạn 2021-2025 với nhiều triển vọng đạt tốc độ tăng trưởng cao, gia tăng năng suất lao động và nâng mức thu nhập trung bình để có thể gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao. 
NCIF dự báo Việt Nam sẽ gia nhập nhóm thu nhập trung bình cao trong giai đoạn 2021-2025

Nhận định và dự báo trên được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc tế thường niên 2019 với chủ đề: “Triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025: Cơ hội và thách thức từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Hội thảo do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức diễn ra sáng 21/11.

Đánh giá về tình hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020, TS. Đặng Đức Anh, Phó giám đốc NCIF cho biết, GDP phục hồi rõ nét và duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, nhất là giai đoạn 2017-2019, với mức tăng dao động từ 6,8-7,1%.

Xuất nhập khẩu tăng trưởng khá và đặc biệt xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh trong giai đoạn này. Tình hình FDI tăng mạnh, có sự chuyển dịch mạnh về hình thức hợp tác và lĩnh vực đầu tư. Dòng vốn FDI chuyển dịch mạnh từ thị trường Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) do chiến tranh thương mại và tình hình địa chính trị ngày càng căng thẳng.

Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, nhưng tốc độ chuyển dịch tương đối chậm. Năng suất lao động cao hơn giai đoạn trước; Hiệu quả sử dụng vốn đã được cải thiện nhưng chưa đáng kể, hiệu quả sử dụng vốn còn thấp hơn các quốc gia trong khu vực.

Chỉ số CPI đạt khoảng 3,3% trong giai đoạn 2016-2020 so với 7,8% trong giai đoạn 2011-2015. Dự trữ ngoại hối cao và tỷ giá diễn biến phù hợp với tín hiệu thị trường. Bội chi ngân sách nhà nước đạt khoảng 3,73% so với 5,79% của giai đoạn 2011-2015.

Theo Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Giám đốc NCIF, đây là giai đoạn kinh tế Việt Nam bước vào thời kỳ chuyển đổi quan trọng gắn với tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên các đột phá về thế chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng và khoa học công nghệ.

Bước vào giai đoạn 2021-2025, NCIF dự báo kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều thuận lợi và thách thức đan xen. Trong đó, CMCN 4.0 lan tỏa và việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng cho Việt Nam thông qua mở rộng xuất khẩu, đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ. Tuy nhiên, tăng trưởng giai đoạn này vẫn phụ thuộc vào các khu vực công nghiệp và dịch vụ, trong đó quan trọng là 2 nhóm ngành chế biến chế tạo và bán buôn, bán lẻ.

Bên cạnh đó, sự chuyển đổi nhanh hơn của mô hình tăng trưởng theo hướng tăng năng suất, chất lượng  và hiệu quả với động lực chính là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ góp phần duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định cho nền kinh tế Việt Nam.

NCIF dự báo Việt Nam sẽ gia nhập nhóm thu nhập trung bình cao trong giai đoạn 2021-2025 ảnh 1

Tuy nhiên, theo dự báo của NCIF, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục chịu tác động tiêu cực do kinh tế toàn cầu giảm sút khi bảo hộ thương mại và xung đột thương mại gia tăng. Trong nội tại nền kinh tế, các vấn đề tồn tại trong cơ cấu của nền kinh tế và mô hình tăng trưởng còn chưa được tối ưu hóa hiệu quả sẽ tiếp tục là những cản trở cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững trọng thời gian gian.

Theo kịch bản cơ sở, đến năm 2025, GDP bình quân đầu người Việt Nam đạt khoảng 4.688 USD, đưa Việt Nam gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao.   

Đặc biệt, theo nhận định của TS Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban dự báo kinh tế ngành và Doanh nghiệp (NCIF), nền kinh tế đứng trước nhiều cơ hội song hành cùng thách thức và áp lực không nhỏ khi kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA và sắp tới là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

"Các hiệp định thương mại tự do thế giới mới này dự báo sẽ có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế trong nước, tới doanh nghiệp và toàn xã hội. Cụ thể, theo dự báo, EVFTA và CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm lần lượt là 4,3% và 1,3% vào năm 2030", ông Thắng cho biết.

Trên cơ sở phân tích các yếu tố tác động trong và ngoài nước đến nền kinh tế Việt Nam, NCIF đã đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, kịch bản cơ sở khả thi là tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 7% giai đoạn này, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát ở mức 3,5-4,5%/năm. Năng suất lao động cải thiện hơn với tốc độ tăng khoảng 6,3%/năm. Với kết quả tăng trưởng này, đến năm 2025, GDP bình quân đầu người Việt Nam đạt khoảng 4.688 USD, đưa Việt Nam gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao.

Ở kịch bản cao, NCIF dự báo GDP có thể đạt 7,5% giai đoạn này trong điều kiện tận dụng khai thác tối đa được các cơ hội từ các FTA và tác động tích cực từ cuộc CMCN 4.0, đồng thời đẩy nhanh được tốc độ chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang chiều sâu và gia tăng hiệu quả năng suất lao động. Tuy  nhiên, Việt Nam cũng sẽ phải chủ động chuẩn bị cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động với dự báo sẽ có khoảng 20-40% lao động sẽ phải chuyển sang nghề khác so với cơ cấu ngành nghề hiện nay. 

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục