Navigos Search: Ngành Sản xuất và Công nghệ thông tin có nhu cầu tuyên dụng cao nhất

(ĐTCK) Theo quan sát của Navigos Search, đã có hai xu hướng trong tuyển dụng cấp trung và cấp cao trong quý I/2020. Một số doanh nghiệp chọn giải pháp tạm thời ngưng các hoạt động tuyển dụng, trong khi một số doanh nghiệp xem đây là cơ hội tốt để tuyển dụng và chuẩn bị nguồn nhân lực để phục hồi kinh doanh sau dịch bệnh. 

Sản xuất và Công nghệ thông tin đi đầu về nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao trong quý I/2020

Theo thống kê dựa trên nhu cầu tuyển dụng từ Navigos Search, Sản xuất và Công nghệ thông tin là hai lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng cao nhất trong quý I/2020.

Cụ thể, ngành Sản xuất có nhu cầu tuyển dụng cấp trung và cấp cao tăng trưởng cao nhất, tăng 14% so với quý IV/2019 và tăng đến 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành Công nghệ thông tin cũng có mức tăng trưởng nhẹ ở mức 3% so với quý IV/2019 và 7% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trái lại, dù trong quý IV/2019, ngành Du lịch/Khách sạn và Giáo dục được dự đoán sẽ tăng tưởng trong năm 2020 nhưng tại thời điểm này, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã hạn chế tuyển dụng và các ứng viên cũng e ngại tìm kiếm cơ hội mới.

Tuy nhiên, cũng có dấu hiệu khả quan khi một số doanh nghiệp Du lịch/Khách sạn và Giáo dục đã bắt đầu thăm dò và có nhu cầu tuyển dụng trở lại. Khả năng hồi phục của thị trường sẽ có thể được nhìn thấy từ cuối quý III hoặc đầu quý IV/2020 với tốc độ chậm và dự đoán sẽ khởi sắc lại vào thời điểm đầu năm 2021. 

Trong khi đó, ngành Dệt may chịu ảnh hưởng lớn và có tình hình nhân sự khó khăn khi một số doanh nghiệp phải cho nhân viên nghỉ phép, nghỉ không lương, nghỉ luân phiên và hưởng một phần lương tối thiểu vùng theo thỏa thuận cho những ngày nghỉ hoặc cắt dần các vị trí.

Một số nhà máy vẫn có thể hoạt động vì chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế, đồ bảo hộ y tế. Một số công ty hoạt động tốt do có nhiều đơn hàng, trong khi có công ty sản xuất cầm chừng để duy trì nhân sự.

Theo quan sát từ Navigos Search, làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, với các ngành Điện/Điện tử, Cơ khí và Gỗ nội thất, vẫn đang tiếp diễn từ năm 2019. Tuy nhiên, các quyết định tuyển dụng của các nhà đầu tư đang phải trì hoãn vì chính sách hạn chế di chuyển giữa các quốc gia.

Ngoài ra, cũng có một số dự án chậm triển khai do trưởng dự án hoặc vị trí quan trọng không thể sang Việt Nam sau thời gian về nước hoặc di chuyển ở các quốc gia khác. Một số dự án xây dựng nhà máy mới chậm tiến độ do phải đảm bảo khoảng cách với công nhân xây dựng.

Do đó, với ngành Sản xuất, nhiều vị trí tuyển dụng phải tạm hoãn. Trong thời điểm này, nhiều doanh nghiệp chủ động ứng dụng công nghệ như phỏng vấn sơ bộ trực tuyến và sẽ đưa ra quyết định chính thức khi có thể gặp mặt trực tiếp với ứng viên.

Theo nhận định của Navigos Search, các ứng viên trong ngành đang có động thái tìm hiểu những cơ hội việc làm mới. Dự đoán sau khi dịch được kiểm soát, từ nửa cuối năm 2020, nguồn cung nhân sự ngành Sản xuất sẽ dồi dào, trong khi nhu cầu tuyển dụng sẽ ổn định trở lại để các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất và phục hồi doanh nghiệp. 

Ngoài ra, cũng theo ghi nhận của Navigos Search, nhu cầu tuyển dụng ngành Thương mại điện tử và Năng lượng có xu hướng tăng trưởng mạnh trong năm 2020.

Trong đó, Thương mại điện tử đang có nhu cầu tuyển dụng ở các vị trí Phát triển Kinh doanh, Marketing và các vị trí kỹ thuật chuyên môn về E-Commerce.  Dự đoán trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư mới vào thị trường Việt Nam khiến nhu cầu tuyển dụng của ngành Thương Mại điện tử sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2020 và 2021.

Còn mảng Năng lượng, đặc biệt là Năng lượng tái tạo ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao. Dự báo năm 2020, nhu cầu tuyển dụng trong mảng năng lượng còn tiếp tục tăng và mở rộng sang các vị trí trong mảng vận hành/sản xuất điện.

Dồn lực giải quyết COVID-19, Ngân hàng tạm ngưng tuyển dụng để phát triển Ngân hàng số 

Trong quý I/2020, ngành Ngân hàng chứng kiến nhiều sự dịch chuyển của nhân sự cấp cao trong cùng ngành. Ngoài ra, xuất hiện tình trạng dư thừa nhân lực vì tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đã có Ngân hàng phải tái cơ cấu để cắt giảm nhân sự. 

Dưới tác động của COVID-19, các dự án kinh doanh của Ngân hàng bị trì hoãn, sự thay đổi trong khách hàng mục tiêu cũng khiến các ngân hàng phải tái định hướng lại chiến lược kinh doanh trong thời gian tới.

Xu hướng phát triển “Ngân hàng số” bắt đầu từ năm 2019 và được dự đoán có nhu cầu tuyển dụng tăng trong 2020, tuy nhiên hiện tại các Ngân hàng cũng đang tập trung nguồn lực tài chính để giải quyết khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nên nhu cầu này không được ghi nhận tăng thêm trong quý I. 

Theo quan sát của Navigos Search, nhu cầu tuyển dụng ngành Ngân hàng sẽ phụ thuộc nhiều vào kế hoạch kinh doanh sắp tới và Đại hội cổ đông thường niên trong Quý II. 

Việt Nam thu hút nhà đầu tư Bất động sản Công nghiệp, săn đón các vị trí chủ chốt

Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút với các nhà đầu tư Bất động sản Công nghiệp từ Trung Quốc, Singapore, Thái Lan. Xu hướng này đã được ghi nhận từ quý II/2019 và sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2020, tuy nhiên đang có dấu hiệu chậm lại vì ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Dự đoán các đơn vị đầu tư tập trung nhiều vào phát triển Công nghiệp nặng ở cả miền Bắc lẫn miền Nam, tại các vị trí gần cảng, biển và sẽ tiếp tục phát triển song song khu đô thị hỗ trợ cho các Khu Công nghiệp này. 

Do đó, nhu cầu tuyển dụng các vị trí cấp cao sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, đáng chú ý như Giám đốc kinh doanh (Leasing Director) để sớm đưa các dự án vào hoạt động.  

Ứng viên Việt Nam có nhiều cơ hội tại doanh nghiệp Nhật Bản 

Trong Quý I/2020, nhu cầu tuyển dụng cấp trung và cấp cao của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam được giữ ổn định. Tuy nhiên, đối với ứng viên Nhật Bản sẽ phải chờ thị thực và giấy phép lao động lâu hơn nên ngày đi làm có thể bị trì hoãn. Do đó, một số doanh nghiệp Nhật Bản đã cân nhắc mở rộng cơ hội cho các ứng viên Việt Nam cho các vị trí quản lý. 

Do trong quý I/2020, thị trường tuyển dụng chịu ảnh hưởng từ Tuần nghỉ lễ vàng của Nhật Bản, Tết Việt Nam và dịch bệnh nên theo dự đoán của Navigos Search, trong quý II/2020, thị trường lao động sẽ sôi động hơn. Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp Nhật sẽ tiếp tục ổn định ở ngành Sản xuất và Công nghệ thông tin. 

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search chia sẻ, sự tác động bất ngờ của đại dịch COVID-19 lên toàn cầu đã trở thành bài toán khó cho các doanh nghiệp để có thể duy trì đội ngũ nhân sự và hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, một khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu tuyển dụng sẽ bùng nổ vì các doanh nghiệp sẽ cần đến đội ngũ nhân lực để vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Do đó, các doanh nghiệp nên xúc tiến hoạt động tuyển dụng trong thời gian này vì nguồn cung lao động đang dồi dào hơn, đồng thời, ứng viên khi nhận việc sẽ có nhiều thời gian để hòa nhập với công ty và chuẩn bị cho kế hoạch phát triển sau khi dịch bệnh qua đi.

"Nếu doanh nghiệp chọn cách tạm hoãn các hoạt động tuyển dụng, sẽ có thể phải đối mặt với cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài một khi nhu cầu bùng nổ trở lại", bà Mai nói và cho biết thêm, 

Hiện nay hầu như toàn bộ quá trình tuyển dụng từ tìm kiếm ứng viên cho đến phỏng vấn đều có thể thực hiện hiệu quả nhờ sự ứng dụng công nghệ. Doanh nghiệp có thể sử dụng giải pháp đăng tuyển trực tuyến, hoặc sử dụng dịch vụ tư vấn tuyển dụng chuyên nghiệp. Do đó, bên cạnh duy trì và tạo động lực cho đội ngũ hiện tại, các công ty cũng cần xây dựng ngay kế hoạch tuyển dụng để đảm bảo nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục