NAV nhiều quỹ mở cổ phiếu tăng trưởng nhẹ

(ĐTCK) TTCK Việt Nam phục hồi trong tháng 4 sau khi đã giảm mạnh trong tháng 3, tuy nhiên, khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt gần 1,65 tỷ cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt gần 29,1 nghìn tỷ đồng, giảm tương ứng 25,7% và 26,3% so với tháng 3.
NAV nhiều quỹ mở cổ phiếu tăng trưởng nhẹ

Nhiều quỹ mở đầu tư cổ phiếu đã tận dụng được cơ hội từ thị trường, giúp giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ tăng trưởng nhẹ.

Theo báo cáo của Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VFM), NAV Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VF1) tăng trưởng 1,2%, chủ yếu đến từ cổ phiếu ngành năng lượng (PVD +22%), cổ phiếu ngành ngân hàng (MBB, VCB, BID, CTG), cổ phiếu ngành vận tải (CII +14,6%), và các cổ phiếu đứng đầu danh mục như FPT (+6%), VNM (+2%).

Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu có thị giá giảm ảnh hưởng lên NAV là cổ phiếu ngành bất động sản như DXG (-13%), KDH (-6,4%), DBC (-3,5%) và TCM (-3%). Vào cuối tháng 4, tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng tăng từ 7,4% lên 9,7% và bất động sản tăng từ 10,1% lên 11,9%, trong đó 40% giá trị giải ngân trong tháng 4 là vào cổ phiếu KDH. Các cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất gồm VNM, FPT, HPG, DBC và REE.

Tương tự, Quỹ đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VF4) cũng có NAV/CCQ tăng nhẹ 1,3%, cùng với mức dao động nhẹ của thị trường. Cơ cấu tiền mặt khá cao, gần 18% để dự trữ cho các cơ hội mới. So với cuối tháng 3, tỷ trọng tiền mặt của VF4 giảm 20% do đầu tư thêm vào cổ phiếu bất động sản KDH.

Theo nhận định của VFM, năm 2015, KDH dự kiến sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận gấp đôi năm 2014 từ việc triển khai bán hàng tại các dự án nhà liền kề tại cụm dự án ở Quận 2 và Quận 9 (thuận lợi giao thông, nằm cạnh tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây).

Đáng chú ý, đóng góp lớn nhất 40% vào lợi nhuận tháng 4 của VF4 là cổ phiếu PVD khi tăng xấp xỉ 22%, còn lại là từ FPT và nhóm ngân hàng. 5 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn gồm VNM, FPT, VCB, HPG, VIC. Lũy kế 4 tháng đầu năm, NAV/CCQ của VF4 có tăng 1,4%.

Một quỹ khác do VFM quản lý là Quỹ đầu tư năng động Việt Nam (VFA) có NAV/CCQ trong tháng 4 đạt 7.152,6 đồng, tăng 0,4% so với tháng trước, cơ cấu danh mục đầu tư không có sự thay đổi nhiều so với tháng 3. 

Đạt kết quả khá tốt là Quỹ đầu tư giá trị MB Capital (MBVF) khi danh mục đầu tư của Quỹ tăng 1,4% (tính cả giá trị cổ tức đã chi trả) trong khi VN-Index tăng 2,1% và HNX-Index tăng 0,6%. Tính từ khi thành lập, NAV quỹ MBVF tăng +11,5% so với mức giảm -2,7% của VN-Index và mức tăng 3,6% của HNX-Index.

Cuối tháng 4, NAV/CCQ của MBVF đạt 10.449 đồng. Cũng trong tháng 4, Quỹ đã thực hiện việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho các nhà đầu tư với giá trị cổ tức chi trả tương đương 700 đồng/chứng chỉ Quỹ.

Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth (VEOF) công bố báo cáo theo quý, theo đó, quý I năm 2015, NAV/CCQ của VEOF đạt 9.431 đồng, tăng 0,3% so với cuối năm 2014. Theo đánh giá của VEOF, dù tăng nhẹ nhưng đây vẫn là tín hiệu lạc quan cho Quỹ trong năm 2015, khi chỉ số tham chiếu VN30 giảm hơn 3,6%. Đạt được kết quả trên là nhờ Quỹ đã quyết định chốt lời các cổ phiếu đã đạt mức sinh lời kỳ vọng và mạnh dạn cắt lỗ các khoản đầu tư khi xét thấy không còn nhiều cơ hội phục hồi về giá.

Trong quý này, VEOF đã thực hiện thanh hoán các cổ phiếu ở 6 ngành: bảo hiểm, bất động sản, thực phẩm, ngân hàng, dầu khí và xây dựng, thu về khoảng 31,1 tỷ đồng; tổng lợi nhuận tăng gần 1,3 tỷ đồng. VEOF cũng tiến hành giải ngân khoảng 15,7 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào 2 ngành thực phẩm (61,8%) và xây dựng (38,2%).

Thành lập từ tháng 10 năm 2014, Quỹ đầu tư cổ phiếu Manulife (MAFEQI) có NAV/CCQ cuối tháng 4 là 8.882 đồng. Chỉ số ROE của danh mục đầu tư gồm 25 cổ phiếu của Quỹ là 16,99 %, cao hơn mức 14,74 % chỉ số ROE của VN-Index. 5 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn gồm VNM, GAS, VCB, BID và FPT.

Theo báo cáo của Quỹ Đầu tư lợi thế cạnh tranh bền vững SSI (SSI-SCA), NAV/CCQ cuối tháng 4 đạt 9.993,5 đồng, tăng 0,82% so với tháng trước. Lợi suất của Quỹ tháng 4 tăng trưởng tương đương với chỉ số tham chiếu (+0,9%), tuy nhiên thấp hơn VN-Index (+2%). Các cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất có mức tăng khá tốt, cụ thể, FPT tăng 6,4% và VNM tăng 1,9%.

Theo đánh giá của Quỹ, 2 cổ phiếu này vẫn còn nhiều động lực tăng giá trong thời gian tới nhờ kết quả kinh doanh khả quan và các thông tin liên quan đến nới room dần được hiện thực hóa. Ở chiều ngược lại, DBC là cổ phiếu có mức suy giảm hơn 3% trong tháng, tuy nhiên, tại mức định giá hiện tại thì rủi ro giảm sâu của DBC trong thời gian tới là không lớn, Quỹ sẽ tiếp tục theo dõi với khoản đầu tư này.

Trong tháng, nhận định thị trường còn nhiều rủi ro trong ngắn hạn nên Quỹ đã tất toán một số khoản đầu tư có lãi trong danh mục và giảm tỷ trọng. Cuối tháng 4, tỷ trọng các danh mục lớn là VNM (12,9%), FPT (9,1%), DBC (7,9%) và HPG (6,8%).

Tuy nhiên, về dài hạn, quan điểm của SSI-SCA vẫn là tích cực, những sự kiện như các hiệp định thương mại, chuyển biến trong đầu tư hạ tầng và đặc biệt là nới room sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong thời gian tới. Việc chủ động tăng tỷ trọng tiền mặt lên gần mức tối đa sẽ là cơ sở để Quỹ có thể tận dụng được các cơ hội này trong giai đoạn nửa cuối năm nay.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục