Nasdaq liên tiếp lên mức kỷ lục, vàng tiếp tục giảm mạnh

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, cùng kỳ vọng vào cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp được tháo gỡ giúp chứng khoán tiếp tục tăng mạnh và thiết lập các đỉnh cao mới, trong khi đồng USD tăng mạnh tiếp tục đẩy vàng giảm xuống mức sâu hơn.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Dữ liệu hôm thứ Hai cho thấy, doanh số bán nhà hiện tại đã tăng 5,1% trong tháng 5, lên mức cao nhất 5 năm rưỡi. Hôm thứ Ba, dữ liệu vừa công bố mới cho thấy, chỉ số giá nhà FHFA tăng 0,3% trong tháng 4. Doanh số bán nhà mới tăng 2,2% trong tháng 5, lên mức cao nhất hơn 7 năm. Trong một dấu hiệu đáng khích lệ, các chỉ số sản xuất Richmond đã tăng từ mức 1 trong tháng 5, lên mức 6 trong tháng 6.

Trong khi đó, dữ liệu hàng hóa lâu bền của Mỹ trong tháng 5 lại giảm 1,8%, sự suy giảm lớn hơn dự kiến. Dữ liệu lõi về đơn đặt hàng hàng hóa phi quốc phòng, trừ máy bay đã tăng 0,4%, so với mức giảm 0,3% trong tháng 4.

Tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ quý II kiểm tụt xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2013, theo chỉ số sản xuất sơ bộ của Mỹ - PMI của Markit.

Các dữ liệu kinh tế mới công bố giúp đồng USD tăng mạnh 1,1% so với rổ tiền tệ chung. Tuy nhiên, kỳ vọng vào một thỏa thuận nợ của Hy Lạp sẽ đạt được trong tuần này tiếp tục giúp phố Wall tăng điểm với Nasdaq phiên thứ 2 liên tiếp thiết lập kỷ lục mới.

Kết thúc phiên 23/6, chỉ số Dow Jones tăng 24,29 điểm (+0,13%), lên 18.144,07 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,35 điểm (+0,06%), lên 2.124,20 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 6,12 điểm (+0,12%), lên 5.160,09 điểm.

Cũng như chứng khoán Mỹ, kỳ vọng vào khả năng cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp sẽ được giải quyết giúp chứng khoán châu Âu duy trì đà tăng. Dù không mạnh như phiên đầu tuần, nhưng cũng đủ giúp các chỉ số chứng khoán khu vực lên mức cao nhất 3 tuần. Trong đó, CAC thậm chí lên mức cao nhất hơn 7 năm.

Kết thúc phiên 23/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 9,2 điểm (+0,13%), lên 6.834,87 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 82,04 điểm (+0,72%), lên 11.542,54 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 59,07 điểm (+1,18%), lên 5.057,68 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, không như lo ngại, chứng khoán Trung Quốc đã có phiên hồi khá tốt trở lại sau phiên lao dốc không phanh cuối tuần trước. Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông tiếp tục duy trì đà tăng mạnh. Riêng chỉ số Nikke 225 của Nhật Bản đang hướng đến mức cao nhất 18 năm.

Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông tăng điểm nhờ dữ liệu khả quan vừa được công bố. Cụ thể, theo số liệu được công bố hôm thứ Ba, hoạt động sản xuất của Trung Quốc cho thấy một số dấu hiệu ổn định trong tháng 6 và một cuộc khảo sát của các công ty tư nhân Trung Quốc đã cho thấy, nền kinh tế của Trung Quốc đã nhìn thấy một sự phục hồi trên diện rộng trong quý II.

Kết thúc phiên 23/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 381,23 điểm (+1,87%), lên 20.809,42 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 252,61 điểm (+0,93%), lên 27.333,46 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 98,13 điểm (+2,19%), lên 4.576,49 điểm.

Trong khi chứng khoán duy trì đà tăng và liên tiếp thiết lập các đỉnh cao mới, thì vàng lại chịu sức ép lớn từ việc đồng USD tăng mạnh. Sau phiên giảm mạnh trong phiên đầu tuần, giá vàng tiếp tục mất thêm hơn 0,6% trong phiên thứ Ba, xuống dưới mức 1.800 USD/ounce.

Kết thúc phiên 23/6, giá vàng giao ngay giảm 7,9 USD (-0,67%), xuống 1.178,00 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 7,5 USD/ounce (-0,63%), xuống 1.176,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 7,5 USD/ounce (-0,63%), xuống 1.176,6 USD/ounce.

Khác với giá vàng, dù đồng USD tăng mạnh, nhưng giá dầu vẫn tiếp tục có phiên tăng nhờ dữ liệu tích cực của kinh tế Mỹ và Trung Quốc vừa công bố.

Kết thúc phiên 23/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,63 USD/thùng (+1,03%), lên 61,01 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,11 USD (+1,72%), lên 64,45 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục