Theo thông tin vừa được công bố, hoạt động nhà máy khu vực New York trong tháng 2 có dấu hiệu chậm lại. Trong khi đó, Hiệp hội Xây dựng nhà ở quốc gia Hoa Kỳ cho biết, chỉ số niềm tin của các nhà xây dựng giảm trong tháng 2, xuống 46 điểm cho thấy, đa số các nhà xây dựng vẫn chưa thật sự tin tưởng vào đà phục hồi của thị trường. Ngoài ra, các dữ liệu trong tuần cũng được dự báo yếu là doanh số bán lẻ và thị trường lao động.
Dữ liệu kinh tế yếu khiến Phố Wall rung lắc sau phiên tăng mạnh đầu tuần. Tuy nhiên, nhờ thông tin sáp nhập, nên giúp S&P 500 và Nasdaq nối dài đà tăng, còn Dow Jones giảm nhẹ. Nasdaq có phiên tăng điểm thứ 8 liên tiếp, chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ tháng 7/2013 sau khi có thông tin Apple có thể mua lại hãng sản xuất xe điện Tesla Motors, giúp cổ phiếu Tesla Motors tăng vọt.
Kết thúc phiên 18/2, chỉ số Dow Jones giảm 23,99 điểm (-0,15%), xuống 16.130,40 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,13 điểm (+0,12%), lên 1.840,76 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 28,76 điểm (+0,68%), lên 4.272,78 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng bị hãm đà tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba khi chỉ số niềm tin vào nền kinh tế ZEW của Đức giảm bất ngờ giảm từ 61,7 xuống 55,7 trong tháng Giêng, làm dấy lên những lo ngại về nền kinh tế đầu tàu của châu Âu.
Kết thúc phiên 18/2, chỉ số FTSE tại Anh tăng 60,43 điểm (+0,90%), lên 6796,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 3,02 điểm (+0,03%), lên 9.659,78 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 4,46 điểm (-0,10%), xuống 4.330,71 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và mở rộng thêm chương trình cho vay để kích thích kinh tế. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc giảm điểm và các thị trường khác trong khu vực ít thay đổi khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc kiềm chế cho vay.
Kết thúc phiên 18/2, chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản tăng 450,13 điểm (+3,13%), lên 14.843,24 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông tăng 51,78 điểm (+0,23%), lên 22.587,72 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 16,35 điểm (-0,77%), xuống 2.119,07 điểm.
Sau khi leo lên mức cao nhất 3 tháng rưỡi, giá vàng đã chịu áp lực chốt lời nên đã quay đầu điều chỉnh nhẹ trong phiên giao dịch thứ Ba.
Kết thúc phiên 18/2, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 6,9 USD (-0,52%), xuống 1.322,30 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 3,7 USD, xuống đứng ở mức 1.324,6 USD/ounce.
Giá dầu thô gần như không biến động trong phiên thứ Ba khi chịu các thông tin trái chiếu. Các dữ liệu kinh tế yếu khiến gây áp lực giảm giá lên dầu, trong khi mùa Đông khắc nghiệt lại khiến nhu cầu nhiên liệu để sởi ấm tăng lên, hỗ trợ cho giá dầu.
Kết thúc phiên 18/2, giá dầu thô Mỹ giảm 0,05 USD (-0,05%), xuống 100,30 USD/thùng. Giá dầu thô Brent đứng ở mức 108,73 USD/thùng.