Nâng vai trò, trách nhiệm của truyền thông về biến đổi khí hậu

Hội thảo “Truyền thông về biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức chiều 17/6, nằm trong chuỗi các sự kiện của Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra trong 2 ngày tại TP.HCM.
Toàn cảnh Hội thảo Toàn cảnh Hội thảo

Trao đổi tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là thách thức toàn cầu và lớn nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả các quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức về chủ động thích ứng với BĐKH của toàn xã hội thông qua truyền thông, báo chí và sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế là vô cùng quan trọng, cần thiết.

Theo Thứ trưởng, trong thời gian qua, vấn đề này đã được các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm, thường xuyên tổ chức thông tin, tuyên truyền; qua đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đối khí hậu, nâng cao trách nhiệm, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạch định chiến lược, chính sách và tổ chức thực hiện chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, truyền thông về biến đổi khí hậu cũng đang gặp một số khó khăn, hạn chế. Đặc biệt là tính lan tỏa, tính chuyên nghiệp của truyền thông về biến đổi khí hậu chưa cao; chưa thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền...

Thứ trưởng Lê Công Thành kỳ vọng, Hội thảo này sẽ là cơ hội tốt để nâng cao hiệu quả truyền thông, tăng cường nguồn lực cho hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu; góp phần thu hút sự quan tâm, vào cuộc một cách mạnh mẽ của hệ thống chính trị trong các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu thời gian tới.

GS.TS Mai Trọng Nhuận, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu nhìn nhận, truyền thông về BĐKH có nhiều khó khăn. Trước hết là từ chính BĐKH bởi đây là những vấn đề xảy ra chậm, hàng chục năm mới thấy rõ; không dễ dàng nhận biết, đánh giá do có những tác động tiềm tàng, lâu dài và phức tạp; bị nhiều tác động nhân sinh và phi BĐKH ảnh hưởng đến, che mờ hoặc cường điệu hóa tác động BĐKH; các giải pháp thích ứng không có tác dụng ngay lập tức mà cần có thời gian; dễ giới hạn BĐKH là thiên tai…

Trong khi đó, phóng viên chủ yếu tiếp cận tài liệu, số liệu từ các báo cáo, hội nghị, hội thảo, ít được đi thực tế; truyền thông cần rất gấp, khoa học thì cẩn trọng nên không kịp thời, không đảm bảo tính thời sự; phóng viên khó tiếp cận các nhà khoa học, khó tiếp cận các nguồn tin đủ sâu; tuyên truyền về thiên tai thường gắn với các dự án, kêu gọi hỗ trợ nên người dân liên tưởng ngay đến nhiệm vụ nhà nước phải làm, cần được hỗ trợ từ nhà nước, quốc tế…, do đó không thấy được trách nhiệm của bản thân, của đơn vị, cộng đồng mình đang sinh sống; phóng viên chưa được tập huấn, đào tạo nhiều để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao…

Từ những phân tích này, GS.TS Mai Trọng Nhuận đề xuất nên có đề án truyền thông BĐKH để phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, các nhà khoa học cũng sẵn lòng được đóng góp cho nâng cao hiệu quả truyền thông BĐKH để phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long và cả nước...

Ông Lê Quốc Hưng, Giám đốc cơ quan thường trú VOV tại đồng bằng sông Cửu Long cho biết, thực tế khách quan về sức tàn phá của biến đổi khí hậu là điều ai cũng hiểu, nhưng để biết đầy đủ và thực hiện theo phương thức sống thuận thiên thì rất cần sự đóng góp của các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông. Do đó, theo ông Hưng, báo chí truyền thông đã, đang và sẽ luôn đồng hành, sát cánh, phản ánh trung thực nhất đời sống xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ cho rằng, các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền sâu rộng hơn những mô hình hay trong ứng phó với BĐKH hiệu quả không chỉ của trong nước mà cả quốc tế để ngành chức năng các địa phương và người dân nghiên cứu áp dụng để bảo vệ tính mạng và tài sản của chính mình trước tình hình BĐKH đang diễn ra gay gắt ở ĐBSCL, nhất là sạt lở, xâm nhập mặn, khô hạn…

Hồng Sơn - Lê Toàn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục