Biến đổi khí hậu - Thách thức lớn nhất của nhân loại
Biến đổi khí hậu không còn là một mối đe dọa xa xôi, mà rõ ràng là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại đang đối mặt. Chúng ta đã và đang thấy hiện tượng nước biển dâng cao, sự thay đổi thời tiết một cách cực đoan và sẽ thấy khủng hoảng lương thực và nước…
Dân số đang gia tăng, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh hơn và tốc độ phát triển kinh tế cao lại càng gây ra áp lực to lớn đối với tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Theo một nghiên cứu được công bố của Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học về thiên tai (CRED), trong năm 2017, xảy ra tổng cộng 318 vụ, làm ảnh hưởng đời sống của 96 triệu người và có tới 9.503 người thiệt mạng, gây thiệt hại kinh tế 314 tỷ USD ở 122 quốc gia.
Tại nước ta, theo thống kê của Tổng cục Thống kê, chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, thiên tai đã làm 150 người chết và mất tích, 107 người bị thương, gần 1.200 ngôi nhà bị sập đổ và cuốn trôi, 161.000 ha lúa và hoa màu bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 7.000 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Việt Nam đã hứng chịu 14 loại hình thiên tai nguy hiểm với 6 cơn bão, 5 áp thấp nhiệt đới, 12 trận lũ quét, sạt lở đất và 212 trận dông, lốc sét, theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố hôm 28/9.
Vào tháng 3/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam (phiên bản cập nhật năm 2016).
Theo kịch bản này, vào cuối thế kỷ 21, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập nước. Khi đó, sẽ có khoảng 10 - 12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, với tổn thất khoảng 10% GDP. Đặc biệt, TP. HCM sẽ bị ngập trên 20% diện tích thành phố.
Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Chỉ có một con đường duy nhất có thể làm chậm tiến trình biến đổi khí hậu, đó là phát triển bền vững. Phát triển bền vững không thể thành tựu bởi một cá nhân, một quốc gia hay một tổ chức mà bằng cách đi cùng nhau, trong đó doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng.
Có rất nhiều bài toán chưa có lời giải, rất nhiều thách thức đang chờ đón. Nhưng thách thức cũng mở ra nhiều cơ hội đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, trong việc thực thi trách nhiệm kép và khẳng định đẳng cấp của mình trên thương trường thế giới.
Trong một bài báo đăng trên Harvard Business Review mang tựa đề “Tại sao phát triển bền vững đang là chìa khóa của đổi mới sáng tạo?”(Why Sustainability Is Now the Key Driver of Innovation?), các tác giả là M.R. Rangaswami, Ram Nidumolu và C.K. Prahalad đã khẳng định: “Không có con đường nào khác ngoài phát triển bền vững”.
Các tác giả đã nêu ra một lộ trình phát triển bền vững gồm 5 giai đoạn, bao gồm các thách thức trọng tâm, năng lực cần có của doanh nghiệp và cơ hội đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Bản đồ lộ trình phát triển bền vững này là một công cụ rất hữu ích, giúp cho doanh nghiệp biết mình đang ở đâu trên hành trình đầy thách thức, nhưng cũng rất nhiều cơ hội này. Đây cũng là thước đo vị thế và bản lĩnh của doanh nghiệp trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Giai đoạn 1: Xem sự tuân thủ là cơ hội cải thiện
Giai đoạn 2: Tạo ra chuỗi giá trị bền vững
Giai đoạn 3: Thiết kế các sản phẩm và dịch vụ bền vững
Giai đoạn 4: Phát triển mô hình kinh doanh mới
Giai đoạn 5: Tạo nền tảng kinh doanh và hoạt động cho tương lai tiếp theo
Trong phạm vi giới hạn của bài viết, tôi xin đi sâu trong việc chia sẻ về cơ hội sáng tạo và đổi mới của doanh nghiệp cho giai đoạn phát triển thứ 4 “Phát triển mô hình kinh doanh mới”.
Phát triển các công nghệ phân phối mới làm thay đổi những mối quan hệ của chuỗi giá trị theo những phương cách đáng kể
Amazon là một trong những ví dụ điển hình. Theo tiết lộ của Amazon vào cuối năm 2015, hãng đã sở hữu tổng cộng hơn 80 kho hàng khác nhau trên khắp thế giới, trong đó có những kho hàng như ở Phoenix, Arizona (Mỹ) có diện tích bằng 12 sân bóng đá. Trung bình một nhân viên làm việc trong kho hàng ở Amazon phải di chuyển từ 7 - 15 dặm (khoảng 12 - 24 km) một ngày. Đi kèm với đó là một đội ngũ nhân viên khổng lồ, hơn 100.000 người cùng 10.000 robot hỗ trợ.
Tạo ra các mô hình tìm kiếm lợi nhuận liên quan nhiều hơn đến việc cung cấp dịch vụ, thay vì sản phẩm
Tác động của hệ thống vận tải và di chuyển hiện tại của chúng ta đối với lượng phát thải carbon là đáng kể. Khí thải từ vận tải chiu trách nhiệm cho khoảng một phần tư lượng phát thải toàn cầu và đang phát triển nhanh hơn so với các lĩnh vực khác trong 2 thập kỷ qua. Ở các thành phố, tác động có thể còn tồi tệ hơn.
Các ứng dụng cung cấp dịch vụ “kết nối vận tải” (Uber/Grab…) là điển hình của cung cấp dịch vụ áp dụng công nghệ hiện đại để tạo ra giá trị gia tăng cao và có những ảnh hưởng tích cực đến môi trường. Bỏ qua sự phổ biến và tiện lợi của dịch vụ này, việc đi xe chung (car share/ride share) chắc chắn làm giảm thiểu khí thải vào môi trường hơn là tự lái xe riêng.
Phát triển các mô hình kinh doanh kết hợp dựa trên một cơ sở hạ tầng kết hợp giữa kỹ thuật số và vật lý (digital - physical )
Nike là một minh họa cho cách tiếp cận này. Trong nhiều năm, như bất kỳ công ty nào, giày dép, trang phục và thiết bị thể thao được bán thông qua các cửa hàng bán lẻ.
Năm 2006, hãng đã tung ra ứng dụng Nike +, kết nối một chiếc giày có bộ cảm ứng và bộ nhận tích hợp với iPod Nano. Người chạy có thể xem dữ liệu về thời gian, khoảng cách, lượng calo bị đốt cháy và tốc độ trên màn hình của Nano hoặc nghe thông qua tai nghe của họ.
Ngày nay, hơn 30 triệu khách hàng sử dụng Nike +, theo dõi và chia sẻ các hoạt động, tập luyện và mục tiêu thể dục và cung cấp cho Công ty dữ liệu vô giá về khách hàng của họ và những gì họ coi trọng nhất.
Kết quả của tất cả sự đổi mới này đã rất ấn tượng. Công ty tạo ra mức gắn kết truyền thông xã hội cao nhất với khách hàng trong ngành. Nó đã ghi nhận thị phần tăng ở các khu vực trọng điểm (bao gồm cả Tây Âu và bóng đá - cả hai đã từng thống trị bởi Adidas), tăng 42% doanh thu thương mại điện tử từ năm 2013 đến năm 2014 và tỷ lệ tăng trưởng vượt trội đáng kể so với đối thủ chính
Phương thức phối hợp (kinh doanh) mở hoàn toàn theo một quy trình đổi mới lấy nguyên tắc đồng sáng tạo làm định hướng tại giao diện tương tác giữa doanh nghiệp và xã hội
DHL, công ty dịch vụ hậu cần và thư lớn nhất thế giới là một minh họa độc đáo.
Công ty biết sáng tạo và đổi mới quan trọng như thế nào với khách hàng. Để giải quyết các thách thức trong việc cải thiện hoạt động của chuỗi cung ứng và hậu cần, Công ty đã tổ chức các cuộc hội thảo mang tính thực hành cao với khách hàng ở Đức và Singapore.
Các khách hàng trung thành của DHL đã tham gia hơn 6.000 sự kiện kết nối, bao gồm cả các cuộc hội thảo, tạo ra các giải pháp đồng sáng tạo nhằm cải thiện trải nghiệm dịch vụ cho mọi người.
Một trong nhiều phát minh có nguồn gốc từ một hội thảo là Parcelcopter, một dự án dịch vụ chuyển phát bằng máy bay không người lái thử nghiệm có trụ sở tại Đức đã làm thay đổi chuẩn mực dịch vụ của DHL mãi mãi.
Trong khi các phương tiện chuyển thư tiêu chuẩn thường mất nửa giờ để phân phối, Parcelcopter chỉ cần 8 phút. Các thành viên của cộng đồng “đồng sáng tạo” này đã cùng xây dựng ý tưởng và thử nghiệm dịch vụ tiềm năng này và đề xuất gói giải pháp cho Công ty, mà DHL gọi là "Parcelcopter Skyport".
Kết quả kinh doanh cho thấy DHL đã là một hiện tượng nổi bật. Theo Forbes, nỗ lực đồng sáng tạo của DHL đã dẫn đến chỉ số hài lòng của khách hàng tăng vọt lên trên 80%, chỉ số giao hàng đúng hạn tăng lên 97%, chỉ số khiếu nại của khách hàng giảm xuống.
Mô hình kinh tế tuần hoàn, cho phép các tài nguyên được sử dụng liên tục và có tính tái tạo
Một nền kinh tế tuần hoàn là một hệ thống tái tạo và phục hồi, nơi mà tài nguyên đầu vào, chất thải, các loại phát thải ra môi trường và hao hụt năng lượng… được giảm thiểu bằng cách thúc đẩy việc tái sử dụng và kéo dài thời gian sử dụng thông qua việc sửa chữa, tái sản xuất, nâng cấp, cải tiến.
Hoặc biến đồ đạc cũ thành các nguồn tài nguyên “như mới” bằng cách tái chế các nguyên vật liệu, tạo ra các giải pháp về thiết kế, sản xuất, vận chuyển các sản phẩm có độ bền cao, dễ bảo trì, sửa chữa, tái sử dụng, thuận lợi trong việc tái chế, tân trang, thay đổi mục đích sử dụng, dễ dáng tái chế và cho tặng, mua bán… với mục tiêu tối hậu là không tạo ra rác thải.
Trong cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, IKEA đã được công nhận vì những nỗ lực của mình trong việc kết hợp và triển khai các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn trong toàn bộ hoạt động của Công ty so với các đối tác đa quốc gia.
Peter van der Poel, Tổng giám đốc điều hành thiết kế và cung ứng của Inter IKEA Group cho biết: “Chuyển đổi IKEA thành một doanh nghiệp tuần hoàn là một trong những tham vọng và thách thức lớn nhất cho tương lai của chúng tôi. Đó là sử dụng tài nguyên thông minh hơn và ngay từ đầu các sản phẩm thiết kế để chúng có thể thay đổi chức năng được sửa lại, sửa chữa, tái sử dụng, bán lại hoặc tái chế theo bất kỳ cách nào khác. Nó đòi hỏi một bộ óc sáng tạo, làm việc cùng với nhiều bên liên quan”.
Lời kết
Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên, nay được nâng tầm thành Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết Việt Nam là một trong những minh chứng cho nỗ lực thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp niêm yết minh bạch hóa thông tin, hướng đến quản trị hiệu quả và phát triển bền vững. Báo cáo phát triển bền vững là thông lệ đo đếm, công bố và chịu trách nhiệm trước các bên về các hoạt động của mình nhằm hướng tới phát triển bền vững.
Báo cáo phát triển bền vững không chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp củng cố tăng cường mối hợp tác với các bên liên quan, với nhà đầu tư, và cộng đồng dân cư mà còn giúp các doanh nghiệp quản lý rủi ro kinh doanh một cách hiệu quả hơn. Và công tác này cũng giúp các doanh nghiệp thích nghi trong môi trường đang thay đổi và cạnh tranh hiệu quả hơn trong tương lai.
Qua 6 năm tham gia chấm giải báo cáo phát triển bền vững, có thể nhận thấy rõ mối tương quan chặt chẽ giữa phát triển bền vững và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp đạt thứ hạng cao trong cuộc thi.