Thương hiệu đã có
Giới du lịch gọi Phú Yên là vùng đất tiềm ẩn, bởi nơi đây hội tụ nhiều thắng cảnh thiên nhiên độc đáo, như Gành Đá Đĩa, Đầm Ô Loan, Bãi Xếp, Vịnh Vũng Rô, Vịnh Xuân Đài, Bãi Môn, Mũi Điện… Ngoài thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, du khách đến Phú Yên còn được thưởng thức món ăn rất độc đáo, đó là mắt cá ngừ đại dương.
Cá ngừ đại dương (còn gọi là cá bò gù) là loại hải sản có giá trị dinh dưỡng cao và là món ăn rất được ưa chuộng ở nhiều nước châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc... Mắt cá ngừ to, giàu Omega 3 và DHA, rất tốt cho đôi mắt.
Các tỉnh duyên hải miền Trung đều có cá ngừ, nhưng có lẽ, cá ngừ đại dương và đặc biệt món mắt cá ngừ đại dương là món ngon bổ dưỡng mà trời đã phú cho vùng đất Phú Yên. Hầu như bất kỳ du khách nào lần đầu tới đây đều chọn món mắt cá ngừ đại dương để thỏa mãn sự tò mò mà bấy lâu nay chỉ nghe tiếng tăm, chứ chưa được thưởng thức.
Nói chuyện ẩm thực để liên tưởng đến vị trí của “cá ngừ đại dương” đối với Phú Yên. Điều ít ai biết đến là, cá ngừ đại dương Phú Yên thịt đỏ như thịt bò, người ta có thể thưởng thức tươi sống. Đây là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Phú Yên.
Bản thân tên gọi “cá ngừ đại dương” cũng đã khiến người nghe nghĩ đến sự khó nhọc khi đánh bắt loài cá này. Để có được ngày về đầy ắp cá trên khoang tàu, các ngư dân phải bôn ba hàng chục ngày trên biển, cùng chi phí rất lớn.
Chuyện kể rằng, xuất phát của nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên là việc ngư dân tình cờ phát hiện những đoạn dây câu từ các tàu khai thác hải sản của Nhật Bản, Đài Loan… bị trôi dạt vào vùng biển Việt Nam, trong đó có mấy con cá “bò gù” mắc câu. Chính những đoạn dây câu lạ này, ngư dân Phú Yên đã cải tiến và làm ra những vàng câu dài hàng chục hải lý, với 600 - 800 lưỡi câu như hiện nay.
Cá ngừ đại dương được ngư dân Phú Yên gọi là cá “bò gù”, vì lưng cá gù, thịt đỏ như thịt bò. Từ khi cá ngừ đại dương được xuất khẩu, giá trị kinh tế của nó tăng lên, ngư dân đã ngày càng phát triển nghề khai thác loài cá này.
Trong những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, một số nhà máy chế biến hải sản trong nước và một vài doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài đã đến Phú Yên mua cá ngừ đại dương để xuất khẩu. Đây chính là động lực thúc đẩy nghề câu cá ngừ đại dương tại Phú Yên phát triển mạnh.
Ngư trường khai thác cá ngừ đại dương thuộc vùng biển nước sâu, thường cách đất liền trên 200 hải lý. Để có thể mang lại hiệu quả cao, ngư dân phải nắm chắc quy luật hướng đi của cá, để từ đó tìm cách đón đầu đặt câu.
Theo kinh nghiệm của ngư dân Phú Yên, thường vào khoảng cuối năm trước đến tháng 2 âm lịch của năm sau, cá ngừ đại dương di chuyển vào vùng biển phía Bắc nước ta (từ Đà Nẵng trở ra, rồi dần dần đi về phía Nam). Vào chính vụ, khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch, cá ngừ đại dương tập trung nhiều ở ngư trường thuộc quần đảo Trường Sa, Côn Đảo, đôi khi đến gần Phú Quốc…
Hiện nay, nghề khai thác cá ngừ đại dương đã phát triển ở nhiều tỉnh như Bình Định, Khánh Hòa, song Phú Yên vẫn là tỉnh có sản lượng khai thác lớn so với các tỉnh trong khu vực. Vì vậy, gần đây, đã có doanh nghiệp nước ngoài đến Phú Yên đặt vấn đề liên kết khai thác, chế biến cá ngừ xuất khẩu với quy mô lớn.
Cần thiết phải nâng tầm
Phú Yên được biết đến là cái nôi của nghề câu cá ngừ đại dương. Tuy nhiên, sau gần 20 năm hình thành và phát triển, ngư dân làm nghề câu cá ngừ đại dương tỉnh Phú Yên đang đối mặt với nhiều khó khăn. Do vậy, để phát triển bền vững nghề câu cá ngừ đại dương, đòi hỏi phải có những giải pháp thực sự bền vững.
So với năm trước, giá cá ngừ đại dương hiện tại đã tăng khoảng 30%, ở mức 130.000 - 140.000 đồng/kg đối với cá câu vàng (năm 2013, giá chỉ 100.000 - 110.000 đồng/kg). Tuy nhiên, nhiều ngư dân câu cá ngừ vẫn không vui, bởi sản lượng khai thác thấp.
Đến thời điểm này, Phú Yên mới đánh bắt được khoảng 800 tấn cá ngừ đại dương, chưa bằng một nửa sản lượng bình quân cùng thời điểm các năm trước. Sản lượng rất thấp, trong khi chi phí năm nay rất cao, tới 170 - 200 triệu đồng/chuyến đi câu, nên số tàu cá có lãi sau những chuyến biển từ đầu năm đến nay chỉ chiếm khoảng 20%.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, năm 2013, hơn 80% tàu cá ngừ Phú Yên bị lỗ vốn, do giá cá rất thấp, khiến ngư dân không bù đắp được chi phí, mặc dù sản lượng đánh bắt cao. Ngược lại, đầu năm nay, giá cá cao, nhưng sản lượng rất thấp, nên ngư dân vẫn thất thu.
Tình trạng bấp bênh về giá cả và sản lượng khiến ngư dân lo lắng. Muốn phát triển bền vững nghề câu cá ngừ, theo ngành chức năng, nhất thiết phải nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc giữ nghề câu vàng.
Ông Trúc cho biết, tỉnh đã vận động bà con ngư dân trở lại với câu vàng truyền thống để giữ chất lượng cá ngừ, vì tỉnh Phú Yên đang xây dựng thương hiệu cá ngừ nhằm đảm bảo phát triển lâu dài.
Để “cá ngừ đại dương Phú Yên” trở thành một thương hiệu lớn như kỳ vọng của chính quyền tỉnh Phú Yên, nhiều vấn đề đã được đặt ra, song vẫn chưa có được một giải pháp thực sự toàn diện và khả thi nào cho con cá ngừ. Chính vậy, phát triển bền vững nghề câu cá ngừ đại dương vẫn là bài toán khó.
“Cá ngừ đại dương là một trong những chủ đề chính tại Festival Thủy sản, tỉnh Phú Yên hy vọng, qua hoạt động này, những khó khăn liên quan đến cá ngừ sẽ được giải quyết, giúp nghề câu cá ngừ đại dương Phú Yên phát triển bền vững”, ông Trúc kỳ vọng.
Vấn đề xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương không phải bây giờ mới nhắc đến. Tại Hội nghị Phát triển thủy sản bền vững diễn ra tại Phú Yên cuối năm 2013, không ít đại biểu đã góp ý thẳng thắn về vấn đề này.
Tại hội nghị này, TS. Trần Du Lịch, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Trưởng nhóm tư vấn vùng Duyên hải miền Trung cho rằng, đừng nói thủy sản chung chung làm gì, mà phát triển phải có lựa chọn, định hướng cụ thể. “Cần thiết nhất lúc này là xây dựng một trung tâm nghiên cứu khoa học riêng cho cá ngừ đại dương”, ông Lịch nói.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết, sản lượng đánh bắt cá ngừ đại dương của Phú Yên năm 2013 chỉ đạt 4.200 tấn, giảm trên 2.000 tấn so với các năm trước. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ năm 2013 của Phú Yên đạt khoảng 28 triệu USD.
Theo ông Phương, nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm này là do sự cạnh tranh gay gắt từ nghề câu tay và câu đèn của ngư dân các tỉnh Bình Định và Khánh Hòa, trong khi tại Phú Yên vẫn chủ yếu là câu vàng truyền thống. Đây chính là những trăn trở của chính quyền tỉnh Phú Yên.
“Phú Yên kỳ vọng, trong khuôn khổ các hoạt động tại Festival, Diễn đàn “Tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị” diễn ra vào ngày 2/4/2014, với mục tiêu chính là giúp các cơ quan quản lý và ngư dân nắm được thực trạng khai thác cá ngừ đại dương tại Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo quản, chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương”, ông Phương cho biết.
Cũng theo ông Phương, tại Diễn đàn lần này, các đại biểu cũng sẽ tìm hiểu quá trình triển khai thực hiện thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi tại tỉnh Bình Định và những biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khai thác cá ngừ trên tàu. Bên cạnh đó, ngư dân đánh bắt hải sản sẽ có cơ hội đối thoại với các nhà khoa học, các nhà quản lý và doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ, từ đó, cùng nhau thảo luận, trao đổi, đúc rút kinh nghiệm quản lý sản xuất để nâng cao hiệu quả khai thác cá ngừ.
Có thể nói, thương hiệu “cá ngừ đại dương” đã có tiếng vang từ rất lâu, nhưng để đưa thương hiệu đó lên tầm cao mới, được các nước phát triển đón nhận, giúp nghề này phát triển bền vững, trở thành một trong những lĩnh vực mũi nhọn của Phú Yên nói riêng và Việt Nam nói chung, thì chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề đặt ra cho cả chính quyền, người dân và các nhà khoa học.