Nâng tầm thị trường chứng khoán: Bàn về nhà đầu tư nhỏ lẻ, AI, mã hóa tài sản và thuế

(ĐTCK) “Đã đến lúc phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam lên một tầm cao mới”. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tại Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” do Báo Tài chính - Đầu tư tổ chức sáng 23/7/2025.
Thu hút dòng vốn mới vào thị trường chứng khoán là một cuộc cạnh tranh liên thị trường và liên quốc gia

Tại tọa đàm, Thứ trưởng cũng đề cập đến khuôn khổ pháp lý, hàng hóa cho thị trường, cơ cấu nhà đầu tư và hạ tầng công nghệ. Tôi hoàn toàn đồng tình với những nội dung này. Tuy nhiên, tôi muốn bổ sung một số vấn đề cụ thể mà các thị trường phát triển đang đối mặt.

Hàng hóa cho thị trường

Trước hết, việc thu hút doanh nghiệp chất lượng cao IPO tại Việt Nam phải là ưu tiên hàng đầu. Trong hai năm qua, tôi đã tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp tư nhân và công ty khởi nghiệp có nhu cầu niêm yết đại chúng. Đáng tiếc, hầu hết trong số họ đều tìm lời khuyên để niêm yết ở Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Anh quốc hay châu Âu, chứ không phải ở Việt Nam. Đây là những công ty đã thành công trên thị trường quốc tế, với khách hàng toàn cầu, doanh thu, lợi nhuận và dòng tiền ổn định. Khi họ muốn niêm yết, Việt Nam lại không phải là lựa chọn của họ.

Đối với các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, một số cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc niêm yết trong nước. Chúng ta cần có chính sách đặc thù nào để khuyến khích họ?

Chúng ta không còn có thể “từ từ tính” nữa. Nếu muốn nâng tầm thị trường, chúng ta phải nghiêm túc tìm hiểu đâu là điểm nghẽn, họ mong muốn cơ chế gì và phải quyết liệt tìm kiếm những cơ chế đó.

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Vương quốc Anh

Dù biết rằng IPO ở nhiều thị trường lớn cũng đang khó khăn, không có quá nhiều thương vụ nổi bật trong hai năm qua, nhưng đây phải là động lực để chúng ta giải quyết bài toán này một cách quyết liệt, không để nó “lạc trôi”. Trong bối cảnh khó khăn chung, các thị trường như Singapore, Hồng Kông, Anh Quốc đang nỗ lực đưa ra các giải pháp sáng tạo để khuyến khích doanh nghiệp niêm yết. Hiệu quả có thể chưa rõ ràng ngay, nhưng sự chủ động này cho thấy họ ý thức được khó khăn. Nếu dòng vốn mạnh lên và xu hướng IPO phát triển, thì những sáng kiến đó rất có thể sẽ phát huy tác dụng và chúng ta sẽ bị tụt lại phía sau.

Một trong những vấn đề của Việt Nam là cách chúng ta nhìn nhận việc IPO của các công ty công nghệ, đặc biệt là những công ty còn thua lỗ hoặc dòng tiền chưa ổn định. Rất nhiều công ty trong nhóm này không tương thích với các quy định về IPO hiện hành. Tôi hiểu rằng, một phần lo ngại là sự bùng nổ của các công ty chất lượng thấp nếu điều kiện IPO quá dễ. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi một cơ chế sàng lọc khác hoặc một mô hình tài trợ vốn cổ phần khác, có thể là giới hạn cho một số ít nhà đầu tư có tài chính mạnh và khả năng chịu rủi ro, thay vì một bảng giao dịch đại chúng. Và điều này cũng cần sự tham gia của các cơ quan quản lý chứng khoán.

Đặt các công ty công nghệ đó sang một bên, một loại hàng hóa chất lượng khác là những công ty có lợi nhuận, dòng tiền và tăng trưởng ổn định nhưng không muốn niêm yết hoặc đang cân nhắc niêm yết ở nước ngoài. Liệu có cách nào khiến họ niêm yết tại Việt Nam, hoặc lựa chọn niêm yết song song ở Việt Nam và nước ngoài?

Nhà đầu tư nhỏ lẻ

Mặc dù định hướng tăng tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức là đúng đắn, chúng ta cần thừa nhận rằng, số lượng lớn nhà đầu tư cá nhân là đặc điểm của nhiều thị trường châu Á, không chỉ thị trường mới nổi hay cận biên. Thậm chí, giờ đây họ còn được các sở giao dịch của Mỹ và Anh chú ý phục vụ vì doanh số giao dịch cao khi họ được phép giao dịch cổ phiếu trên các thị trường này. Ví dụ, một số sản phẩm mới ở Anh và Mỹ đang nhắm tới nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ “chịu chơi” từ Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Nhóm nhà đầu tư này đương nhiên có nhiều giới hạn và cũng gây ra nhiều biến động với các cổ phiếu “rác” trong quá khứ, cũng như vài ngày nửa cuối tháng 7/2025 trên thị trường Mỹ. Tuy nhiên, họ đang dần trở thành một phần được thừa nhận của thị trường, là tác nhân quan trọng kéo thị trường Mỹ tăng vọt kể từ sau ngày 2/4/2025, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế quan đối ứng gây sốc trên toàn cầu.

Thay vì chỉ tìm cách tăng nhà đầu tư tổ chức, chúng ta vẫn cần rất nhiều chính sách để chăm sóc và hỗ trợ nhóm khách hàng nhỏ lẻ, tận dụng sự tiến bộ của công nghệ Fintech. Đây là hướng mà các sàn giao dịch chủ chốt ở Anh và Mỹ đã “quyết” và đang triển khai. Trong khi chúng ta đang có sẵn lượng nhà đầu tư này, thì không nên bỏ rơi họ.

Nhóm này cần một hệ chính sách hỗ trợ để bảo vệ trước các quyết định bất lợi từ nhà đầu tư lớn, sự thao túng của những “người nội bộ” của doanh nghiệp niêm yết, nghĩa là cần một cơ chế quản trị công ty tốt hơn. Ngoài ra, họ còn cần được một đội ngũ tư vấn có chất lượng và chuyên nghiệp hơn phục vụ. Sự nổi lên của nhiều “chuyên gia tư vấn online”, KOL (hay “influencers” - người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) mang lại cả lợi ích lẫn thách thức và cần có những nghiên cứu cũng như hệ chính sách cho nhóm người này.

Trí tuệ nhân tạo và tài sản mã hóa

Câu chuyện mà ai cũng đang nói tới, đó là trí tuệ nhân tạo (AI) và tài sản mã hóa. Chúng ta sẽ áp dụng AI như thế nào vào thị trường? Liệu chúng ta có “token hóa” các chứng khoán của Việt Nam để giới đầu tư thị trường tài sản mã hóa tiếp cận hay không? Và chúng sẽ giúp ích gì? Trả lời câu hỏi này liên quan đến hạ tầng, nguồn nhân lực cũng như câu chuyện nhà đầu tư nhỏ lẻ ở trên.

CEO của sàn chứng khoán NASDAQ (Mỹ) vừa có một loạt bài phỏng vấn sau khi công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2025 khá “hoành tráng”, nhờ vào sự năng động của nhà đầu tư nhỏ lẻ. AI và token hóa chứng khoán là những chủ đề không thể tránh khỏi. Liệu AI có làm giảm nhân sự ngành chứng khoán? Liệu tài sản mã hóa có cạnh tranh với kênh cổ phiếu?

Rõ ràng, không có câu trả lời chắc chắn cho những câu hỏi này, nhưng đây là một chiến lược mà mọi nhà lãnh đạo các thị trường chứng khoán đang phải đối mặt và cần có một chiến lược rõ ràng, không thể “để mai tính”.

Thuế và kênh tích lũy tài sản qua chứng khoán

Đề xuất đánh thuế lãi vốn đối với chứng khoán là một bước đi tiệm cận với thông lệ của nhiều thị trường lớn. Nhưng nó mới chỉ tiệm cận một nửa. Bởi vì, song song với thuế lãi vốn, những thị trường này cũng khuyến khích người dân tiết kiệm qua kênh chứng khoán và sẽ được miễn thuế với lợi nhuận từ tăng giá cũng như nguồn thu từ cổ tức tiền mặt thông qua các tài khoản như ISA ở Anh và 401k ở Mỹ.

Khi đã có đề xuất đánh thuế lãi vốn đối với bất động sản và chứng khoán, chúng ta sẽ có một công cụ khuyến khích và nắn dòng vốn đầu tư, đó là cho ra đời các tài khoản tiết kiệm thuế để khuyến khích người dân đầu tư vào chứng khoán đến một mức nhất định. Ở Anh còn có thêm tài khoản tiết kiệm thuế qua kênh chứng khoán để người trẻ tích lũy mua nhà.

Tất cả những thảo luận trên đây thật ra tập trung vào ba trụ cột là điều kiện cần: một là, hạ tầng và nguồn lực, bao gồm tiền, công nghệ và con người; hai là, cơ chế vận hành và quy định pháp lý; ba là, quyết tâm của lãnh đạo ngành chứng khoán và tranh thủ sự ủng hộ về mặt chính trị để sẵn sàng bứt phá và thử nghiệm.

Thu hút dòng vốn mới vào thị trường chứng khoán là một cuộc cạnh tranh liên thị trường và liên quốc gia. Vì vậy, chúng ta tốt hơn chính bản thân mình ngày hôm qua là không đủ. Cần quyết tâm và tranh thủ sự ủng hộ ở cấp cao nhất để phá vỡ những rào cản không chỉ của chính Việt Nam mà còn của các nước để bứt phá. Nâng tầm thị trường, về bản chất, đòi hỏi một tư duy mới trong cạnh tranh với chính bản thân mình, với các kênh đầu tư khác và các quốc gia khác. Để lan tỏa tư duy mới thì sự quyết tâm và tranh thủ ủng hộ chính trị là rất quan trọng.

TS. Hồ Quốc Tuấn
Giảng viên Đại học Bristol, Vương quốc Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục