Nâng tầm thị trường bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023, định hướng chiến lược và khung khổ pháp lý mới tạo kỳ vọng sẽ nâng tầm thị trường bảo hiểm Việt Nam cả về quy mô lẫn chất lượng.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. Ảnh: Dũng Minh Thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. Ảnh: Dũng Minh

Những kết quả ấn tượng năm 2022

Thông tin mới được phát đi từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến 31/12/2022, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2022 ước đạt 645.034 tỷ đồng (tăng 10,61% so với năm 2021); tổng doanh thu phí ước đạt 251.306 tỷ đồng (tăng 15,14%); tổng số tiền bồi thường và chi trả bảo hiểm ước đạt 64.018 tỷ đồng (tăng 23,26% so với năm 2021).

Trong đó, với khối phi nhân thọ, năm 2022, tổng doanh thu bảo hiểm gốc ước đạt 68.201 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2021. Dẫn đầu thị trường về doanh thu bảo hiểm gốc là Bảo hiểm Bảo Việt với doanh thu ước đạt 9.730 tỷ đồng, tăng 8,7% và chiếm 14,3 thị phần. Bốn vị trí tiếp theo lần lượt là Bảo hiểm PVI với 9.300 tỷ đồng doanh thu, tăng 12,2% và chiếm 13,6% thị phần; Bảo hiểm Bưu điện (PTI) với 6.335 tỷ đồng doanh thu, tăng 8,6% và chiếm 9,3% thị phần; Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) với 5.432 tỷ đồng doanh thu, tăng 20,8% và chiếm 8% thị phần và MIC với 5.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 27,2% và chiếm 7,3% thị phần.

Một số doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu bảo hiểm gốc cao so với năm 2021 như HDI (516 tỷ đồng, tăng 95,8%), OPES (1.425 tỷ đồng, tăng 51,1%), Chubb (444 tỷ đồng, tăng 48%). Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp ghi nhận doanh thu bảo hiểm gốc giảm là AIG (361 tỷ đồng, giảm 21,7% ); Fubon ( 94 tỷ đồng, giảm 0,49%)...

Tại khối nhân thọ, Bảo Việt Nhân thọ dẫn đầu với thị phần 18,8%, tiếp theo là Prudential (17,7%), Manulife (17%), Dai-ichi (12,7%), AIA (10,3%), MB Ageas (3,7%), FWD (3,4%), Sun Life (3,1%), Generali (2,9%), Chubb (2,7%), Hanwha (2,5%), Cathay (1,5%), MVI (1,5%), BIDV MetLife (1%). Các doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần nhỏ dưới 1%.

Trong năm qua, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, nhưng thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng chính sách pháp lý bảo hiểm cần tiếp tục được hoàn thiện, kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo môi trường và điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng phát triển kinh doanh.

Theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/1/2023, việc phát triển thị trường bảo hiểm sẽ được thực hiện toàn diện, có lộ trình cụ thể, có bước đi thận trọng, chắc chắn, được công bố công khai, đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm và sự an toàn của cả hệ thống; doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện vai trò quản lý, giám sát, không làm thay doanh nghiệp.

Cụ thể, mục tiêu doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt 3-3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt 3,3-3,5% GDP. Phấn đấu đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ và đạt 18% vào năm 2030; tốc độ tăng trưởng doanh thu cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng đạt bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2023-2030; phí bảo hiểm bình quân đạt 3 triệu đồng/người vào năm 2025 và 5 triệu đồng/người vào năm 2030.

Tập trung chuyển đổi số được các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai mạnh mẽ, đồng thời liên tục cải tiến chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh sáng tạo đột phá về sản phẩm, mang đến trải nghiệm ưu việt cho khách hàng.

Đơn cử, Bảo hiểm Bảo Việt vừa triển khai chương trình bảo hiểm vi mô với mức phí chỉ từ 44.000 đồng/năm, cũng là doanh nghiệp bảo hiểm trong nước đầu tiên triển khai loại hình bảo hiểm này dành cho phân khúc khách hàng có thu nhập thấp.

Bảo hiểm Hàng không cũng đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển các kênh bán hàng online trên website như ebhhk.com.vn, App My VNI Client, hóa đơn điện tử, chữ ký số, thực hiện công tác giám định, bồi thường online qua App My VNI... để tạo thuận lợi cho khách hàng.

Ước mơ vươn tầm khu vực

Theo đánh giá về mức độ mở cửa thị trường của các nước ASEAN, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam được đánh giá có độ mở cao, tương tự như Singapore.

Liên quan đến đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, hiện lộ trình hội nhập trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đến năm 2025 được thực hiện theo Lộ trình hội nhập tài chính của các nước ASEAN. Theo đó, định hướng chung của Việt Nam tại các cam kết quốc tế là tiếp tục thực thi đầy đủ các cam kết đã ký và tiếp cận việc mở cửa thị trường theo hướng thận trọng.

Theo yêu cầu của giai đoạn 2016-2020 là xây dựng lộ trình hội nhập trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, trên cơ sở đó xác định mục tiêu, nguyên tắc định hướng và giải pháp hội nhập WTO, ASEAN và các hiệp định thương mại song phương.

“Theo đánh giá về mức độ mở cửa thị trường của các nước ASEAN, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam được đánh giá có độ mở cao, tương tự như Singapore”, Bộ Tài chính thông tin.

Việc mở cửa thị trường bảo hiểm giúp các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, chuyên nghiệp hóa kênh phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận công nghệ hiện đại, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Đến hết năm 2022, trên thị trường có 78 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bao gồm 31 doanh nghiệp phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 26 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp phi nhân thọ nước ngoài.

Với lợi thế về nguồn tài chính hỗ trợ từ công ty mẹ, chuyên gia và kinh nghiệm hoạt động tại các thị trường phát triển, các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đã tiên phong trong việc đưa ra các sáng kiến mới về sản phẩm, kênh phân phối, quản trị điều hành như sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, sản phẩm có tích hợp về lối sống lành mạnh…

Một yêu cầu khác, đó là thị trường bảo hiểm Việt Nam phải tích cực tham gia Diễn đàn quốc tế và cũng đã đạt được kết quả nhất định. Ngoài ra, tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước đẩy mạnh đầu tư ra các thị trường bảo hiểm nước ngoài để mở rộng cơ hội kinh doanh, trong đó tập trung vào các địa bàn có tiềm năng và thuận lợi trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả.

Hiện tại, có 4 doanh nghiệp bảo hiểm trong nước có hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, chủ yếu tại Lào và Campuchia là PTI, Bảo hiểm BIDV (BIC), Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) và Phú Hưng Life. Trong khi đó, tính đến hết năm 2020, chưa có doanh nghiệp bảo hiểm trong nước nào đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Sau 10 năm thực hiện các giải pháp theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định như hệ thống pháp lý về kinh doanh bảo hiểm dần được hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa và giảm bớt thủ tục hành chính, năng lực tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường, quy mô của thị trường tăng gấp 6 lần..., song cũng bộc lộ một số hạn chế như cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn, quy mô thị trường còn khiêm tốn so với tiềm năng khi tính đến hết năm 2022, tổng doanh thu phí mới chiếm chưa đầy 4% GDP, nằm ở nhóm trung bình thấp trong khu vực (3-5% GDP) và thế giới (6-7% GDP)...

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục