Những con số ấn tượng
Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Trong 7 tháng đầu năm 2023, Thanh Hóa đón khoảng 10,26 triệu lượt khách, trong đó có 312.800 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch ước đạt 19.571 tỷ đồng, trong đó thu từ khách du lịch quốc tế là 141,83 triệu USD. Thanh Hóa đứng thứ tư cả nước về số lượt khách và tổng thu từ du lịch, chỉ sau TP.HCM, Hà Nội và Quảng Ninh”.
Trước năm 2018, du lịch Thanh Hóa tuy có bước phát triển, song vẫn chưa đủ để đưa tỉnh này vào danh sách những điểm đến hàng đầu Việt Nam về du lịch. Nhưng từ năm 2020 trở lại đây, Thanh Hóa đã trở thành một trong những sự lựa chọn ưu tiên của đông đảo du khách cho các hành trình trải nghiệm.
Trong đó, phải kể đến pha bứt tốc ngoạn mục của TP. Sầm Sơn. Giai đoạn 2021 - 2023, thành phố này đã đón gần 14 triệu lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt gần 25.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sầm Sơn đón khoảng 5,3 triệu lượt du khách, doanh thu ước đạt hơn 9.160 tỷ đồng, đóng góp quan trọng để Thanh Hóa góp mặt trong top 4 cả nước về số lượt khách và doanh thu từ du lịch.
Sau du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng là “hiện tượng” mới nổi trên bản đồ du lịch Thanh Hóa, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của tỉnh.
Đơn cử, tại huyện miền núi Bá Thước, vào kỳ nghỉ lễ và dịp cuối tuần, khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông luôn đạt 100% công suất phòng lưu trú. “Năm 2022, huyện Bá Thước đón 82.647 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 5.447 lượt, khách trong nước là 77.199 lượt. Tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt 120 tỷ đồng”, ông Ngọ Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước chia sẻ.
Ngoài ra, mùa hè năm 2023, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đồng loạt thu hút lượng lớn khách du lịch như Khu du lịch Bến En (huyện Như Thanh) - được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn xứ Thanh”, suối cá Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy), Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân)... Dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Thanh Hóa cũng đón được lượng du khách vào top cao nhất cả nước với gần 1,2 triệu lượt.
Tạo sức hấp dẫn cho du lịch xứ Thanh
Những con số ấn tượng nói trên là kết quả của quá trình quyết liệt kêu gọi đầu tư, phát triển hạ tầng, xây dựng sản phẩm và thương hiệu của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong việc nâng tầm diện mạo du lịch xứ Thanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách gần xa.
Thanh Hóa đã thực hiện rất tốt các hoạt động kích cầu du lịch, liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, đơn vị trong nước; triển khai các chiến dịch quảng bá thương hiệu du lịch, các hoạt động xúc tiến gắn với Đại sứ du lịch Thanh Hóa năm 2023, đón các đoàn doanh nghiệp lữ hành và báo chí về khảo sát, kết nối các tour tuyến, sản phẩm du lịch…
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thi, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Nhằm phát huy thế mạnh của từng địa phương, hướng đến hình thành chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, độc đáo, vấn đề hợp tác, liên kết tour, tuyến trong phát triển du lịch là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả và là xu thế tất yếu hiện nay”.
Người dân và các doanh nghiệp cũng mạnh dạn đưa nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch biển mới vào khai thác, như quảng trường biển, nhạc nước, phố đi bộ, chợ đêm, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố tại khu du lịch Sầm Sơn; tour du lịch đảo Mê, các trò chơi xe địa hình không vô lăng, đường đua công thức F1, trượt cỏ, bắn súng sơn tại thị xã Nghi Sơn; tour du lịch ra đảo Nẹ, dù lượn tại khu du lịch Hải Tiến..., tạo sự đa dạng và sức hấp dẫn cho du lịch xứ Thanh.
Ngoài ra, du lịch di sản văn hóa, tâm linh; du lịch sinh thái, cộng đồng ngày càng được du khách đón nhận và đánh giá cao. Đây là các loại hình du lịch đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện yếu tố mùa vụ, là sản phẩm được định hướng phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Thanh Hóa.
Trước sự lớn mạnh của du lịch xứ Thanh, các “ông lớn” như Sun Group, Vingroup, Flamingo… cũng không thể đứng ngoài cuộc. Mới đây nhất, Tập đoàn TH tiến hành xúc tiến đầu tư tổ hợp du lịch sinh thái Xuân Liên (huyện Thường Xuân) với 4 dự án, tổng diện tích hơn 3.000 ha.
Được biết, từ nay đến cuối năm 2023, Thanh Hóa sẽ đưa vào hoạt động Dự án Cổng thông tin điện tử về du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động, đồng thời triển khai đề án phát triển du lịch nông nghiệp. Với tài nguyên du lịch tự nhiên độc đáo, hạ tầng giao thông đồng bộ, nhiều tổ hợp dự án du lịch quy mô lớn của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã, đang đầu tư, dự kiến sớm đi vào hoạt động, du lịch Thanh Hóa sẽ tiến xa hơn nữa, hướng đến trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của cả nước.