Nâng tầm doanh nghiệp, nâng chất thị trường

(ĐTCK)  Lễ trao giải Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2024 diễn ra giữa tháng 11 vừa qua đã vinh danh 44 doanh nghiệp đạt giải, đồng thời đặt ra các mục tiêu mới cho năm 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu công khai, minh bạch, thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là nâng cao chất lượng doanh nghiệp, nâng cao chất lượng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Báo cáo thường niên được đầu tư nghiêm túc và thích nghi số hóa

Trong số 96 doanh nghiệp có báo cáo thường niên (BCTN) được đánh giá, điểm trung bình của các báo cáo thuộc khối tài chính (73,94 điểm) cao hơn khối phi tài chính (71,16 điểm).

BCTN của 30 doanh nghiệp xuất sắc nhất được vinh danh gồm 10 doanh nghiệp nhóm tài chính và 20 doanh nghiệp nhóm phi tài chính, trong đó có một báo cáo nhận thêm giải Tiến bộ vượt trội.

Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc phụ trách Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Trưởng ban Tổ chức Cuộc bình chọn đánh giá, các BCTN đạt điểm vượt trội trong kỳ đánh giá năm nay thể hiện sự đầu tư nghiêm túc vào chất lượng báo cáo. Về hình thức, các báo cáo được thiết kế tinh tế, hình ảnh minh họa sắc nét, bố cục khoa học và nội dung rõ ràng, dễ hiểu. Về nội dung, sự minh bạch trong việc công bố thông tin tài chính, sản xuất - kinh doanh, cùng với các phân tích về hiệu quả sử dụng tài sản và quản lý nợ đã được chú trọng. Các chính sách và thực hành liên quan đến phát triển bền vững (môi trường, xã hội, quản trị - ESG) cũng được thể hiện một cách toàn diện, đặc biệt là về tác động môi trường và xã hội. Các doanh nghiệp tài chính tập trung vào công bố rủi ro, mô hình quản trị rủi ro, đánh giá nợ xấu và sử dụng vốn hiệu quả. Trong khi đó, doanh nghiệp phi tài chính nổi bật với các sáng kiến phát triển bền vững như tiết kiệm năng lượng, quản lý nguồn tài nguyên và tái sử dụng nguyên vật liệu. Điều này phản ánh rõ đặc thù kinh doanh và mục tiêu phát triển dài hạn của từng nhóm ngành.

Với việc liên tục cải tiến theo hướng áp dụng nhiều hơn các thông lệ tốt trên thế giới, vượt lên trên tính tuân thủ, các doanh nghiệp đạt giải năm nay “tốt hơn so với chính mình” qua các năm.

Theo các chuyên gia, trong khu vực ASEAN, vai trò của BCTN ngày càng được chú trọng. Các doanh nghiệp dần ứng dụng công nghệ để phát triển các báo cáo điện tử (E-reports), tích hợp đồ họa trực quan, video minh họa nhằm truyền tải thông tin một cách sinh động và thu hút hơn. Ở nhiều quốc gia khác, các doanh nghiệp đã phát triển BCTN theo hướng báo cáo tích hợp (Annual Integrated Report) theo chuẩn mực quốc tế, tích hợp các thông tin phi tài chính và tài chính trong cùng một báo cáo. Những công ty muốn nhấn mạnh về các yếu tố phi tài chính, môi trường và phát triển bền vững thường lựa chọn xây dựng thêm các báo cáo riêng biệt bên cạnh báo cáo tích hợp.

Theo khuyến nghị của OECD, có nhiều tiêu chí được đề xuất cho việc lập BCTN. Đối với các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, BCTN cần được xây dựng để thích ứng với yêu cầu của thời đại, tích hợp yếu tố ESG cũng như các tiêu chuẩn bền vững quốc tế nhằm tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Báo cáo nên tuân thủ các chuẩn mực, đảm bảo tính nhất quán và độ tin cậy cao. Hơn nữa, doanh nghiệp cần loại bỏ rào cản ngôn ngữ và thúc đẩy khả năng truy cập kỹ thuật số, giúp BCTN trở nên gần gũi và hữu ích hơn với nhà đầu tư toàn cầu. Nhiều quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia đang đi trước trong việc số hóa báo cáo và tích hợp các yếu tố ESG theo chuẩn mực quốc tế, điều này tạo ra áp lực cạnh tranh đáng kể cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trước bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt buộc phải cải thiện chất lượng và nội dung BCTN để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế.

Quản trị công ty, mục tiêu Top 5 ASEAN

Năm nay, số lượng doanh nghiệp được đánh giá hạng mục quản trị công ty là 501. Trong đó, 107 doanh nghiệp có tình hình quản trị công ty tốt nhất được chọn vào vòng chung khảo. Hội đồng bình chọn đã chọn ra 26 doanh nghiệp xuất sắc nhất để trao giải quản trị công ty tốt nhất.

Theo Hội đồng bình chọn, cơ cấu đánh giá năm nay nâng tỷ trọng điểm đáp ứng thông lệ thay vì chỉ tuân thủ khiến việc đạt điểm cao trở nên thách thức hơn, nhưng kết quả tổng thể vẫn phản ánh sự tiến bộ đáng kể, đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn (large cap) và vừa (mid cap). Các doanh nghiệp dẫn đầu trong nhóm vốn hóa lớn duy trì điểm số quản trị cao, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc áp dụng các thông lệ quản trị tốt và không ngừng cải thiện quy trình quản trị. Một số doanh nghiệp vốn hóa vừa cũng đạt điểm vượt trội, minh chứng cho những nỗ lực cải thiện thực hành quản trị và công bố thông tin đã mang lại hiệu quả tích cực. Đây là tín hiệu khả quan, cho thấy nhiều doanh nghiệp đang từng bước tiệm cận các tiêu chuẩn quản trị quốc tế, không chỉ góp phần nâng cao uy tín thị trường chứng khoán, mà còn tạo động lực cho các doanh nghiệp có chất lượng quản trị chưa cao xây dựng chiến lược cải thiện.

Bà Trần Anh Đào nhấn mạnh, Cuộc bình chọn không chỉ dừng lại ở việc bình chọn và vinh danh. Một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam cải thiện thứ hạng trong khu vực ASEAN là việc áp dụng các tiêu chuẩn quản trị quốc tế. Qua hạng mục quản trị công ty, Ban tổ chức tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các nguyên tắc quản trị của OECD và các thông lệ tốt nhất từ những thị trường phát triển. Những tiêu chuẩn này giúp đảm bảo quyền lợi của cổ đông, tăng cường tính minh bạch trong công tác điều hành, doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra niềm tin cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Mục tiêu dài hạn là hướng tới như nâng hạng quản trị công ty lên một bậc, lọt vào Top 5 trong khu vực ASEAN.

“Ban tổ chức đặt ra mục tiêu nâng tầm vị thế của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam thông qua việc thúc đẩy các sáng kiến quản trị tiên tiến, khuyến khích sự cam kết của các doanh nghiệp áp dụng các thông lệ tốt, góp phần xây dựng một thị trường tài chính vững mạnh. Để làm được điều này, chúng tôi kêu gọi sự chung tay nỗ lực chung với chiến lược tổng thể và sự phối hợp thực hiện từ cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý, các đối tác trên thị trường để nâng cao chất lượng doanh nghiệp và chất lượng thị trường”, bà Đào gửi thông điệp đến các doanh nghiệp niêm yết và các bên liên quan.

Báo cáo phát triển bền vững, mục tiêu thực chất hơn

Tổng quan về báo cáo phát triển bền vững năm 2024 cho thấy sự tiến bộ rõ rệt cả về số lượng và chất lượng. Số lượng các công ty lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt năm nay tăng từ 21 lên 33, nối tiếp đà tăng liên tục qua các năm, là mùa báo cáo có số lượng báo cáo phát triển bền vững riêng biệt cao nhất và số lượng các báo cáo được vào vòng chung khảo cao nhất trong 12 năm qua. Có 6 doanh nghiệp được trao giải báo cáo phát triển bền vững 2024.

Các tiêu chuẩn quốc tế tiếp tục được áp dụng trong báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp. Ngoài tiêu chuẩn GRI, có những doanh nghiệp đã áp dụng thêm các khung báo cáo khác như CDP, SASB và SDG. Mô hình Ủy ban ESG cũng được áp dụng nhiều hơn so với năm ngoái. Ngoài ra, vấn đề về đa dạng sinh học bắt đầu được đề cập trong báo cáo của một số doanh nghiệp. Số lượng các công ty đặt mục tiêu về phát thải khí nhà kính và báo cáo ở phạm vi 1 và 2 đã tăng đáng kể. Theo đó, hai phần ba số doanh nghiệp lọt vào vòng chung khảo đã công bố dữ liệu về phát thải khí nhà kính. Điểm trung bình về phát thải khí nhà kính tăng so với ngoái. Đặc biệt, có 2 doanh nghiệp là VNM và STK đặt mục tiêu phát thải theo SBTi.

Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp đã mời bên thứ ba tham gia xác nhận, đánh giá hoạt động, nhưng để được nhận diện trên bản đồ đầu tư trên thế giới thì cần làm nhiều hơn. Trong đó, nội dung cần cải thiện nhiều nhất là công bố các chính sách và thực hành tác động tới các bên hữu quan trong các vấn đề phát triển bền vững.

Minh Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục