Có thể cho phép room ngoại lên 49%
Với nhà đầu tư nước ngoài, tài chính - ngân hàng Việt Nam vẫn là lĩnh vực được quan tâm và mạnh tay rót vốn. Tuy nhiên, các nhà băng đã niêm yết có quy mô và tiềm năng (Vietcombank, HDBank, ACB, Techcombank…) hiện đã cạn room tối đa dành cho nhà đầu tư nước ngoài ở mức 30% theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Vì vậy, để có thể sở hữu vốn tại ngân hàng Việt Nam, không chỉ các ngân hàng trong nước kiến nghị được nới room để thu hút vốn ngoại, mà các nhà đầu tư nước ngoài đã có đề xuất nâng hạn mức sở hữu cho người nước ngoài so với mức tối đa hiện nay.
Đáng chú ý, trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang nỗ lực tăng huy động vốn để đáp ứng các chuẩn mực quốc tế theo Basel II đầu năm 2020 tới đây, Chính phủ có thể cho phép room ngoại tại các nhà băng từ mức 30% lên 49% để hút vốn ngoại.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital
Thời điểm này, các ngân hàng đang cố gắng tăng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước để chuẩn bị cho việc áp dụng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, bởi đảm bảo hệ số CAR tối thiểu 8% theo tiêu chuẩn Basel II là một thách thức thực sự.
Thêm nữa, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, đòi hỏi các ngân hàng phải có một sức khỏe tài chính để tăng cường khả năng cạnh tranh của mình với các ngân hàng đến từ các quốc gia khác có thể tham gia thị trường Việt Nam. Các ngân hàng muốn đầu tư vào công nghệ, hạ tầng cơ sở đón đầu sự cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài thì việc tăng vốn điều lệ, tăng vốn chủ sở hữu là vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lộ trình tăng vốn của các ngân hàng thời gian qua vẫn gặp rất nhiều thách thức. Dù diễn biến cổ phiếu ngân hàng đã tương đối sáng sủa và khả quan hơn lúc trước, nhưng cũng chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều vấn đề đang phải tích cực khắc phục như nợ xấu, tăng vốn...
Vốn trong nước hạn chế, tất yếu sẽ dẫn tới nhu cầu hướng ngoại tìm vốn tăng cao. Cùng với việc một số ngân hàng gần đây đã bán được một lượng vốn tương đối cho khối ngoại, những quy định xung quanh tỷ lệ này cần xem xét lại.
Thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam trong giới hạn tỷ lệ được quy định (tỷ lệ sở hữu tối đa của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam; tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một TCTD trong nước không được vượt quá 30%).
Song, hiện trạng việc đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài mới chỉ mang tính chất đầu tư tài chính, chứ chưa có sự tham gia mạnh mẽ vào việc quản trị, quản lý và điều hành ngân hàng. Với một tỷ lệ khống chế như vậy chưa đủ hấp dẫn các đối tác ngoại, khi tiếng nói của họ không thật sự có đủ trọng lượng để có thể hỗ trợ hoặc cải thiện tình hình tài chính của các nhà băng.
Trong bối cảnh này, mong muốn của các nhà đầu tư ngoại, cũng như bản thân ngân hàng trong nước là nới thêm room. Mức đề nghị là 35-40%, thậm chí một số nhà băng mong muốn được nới room lên 49-51%. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép nhà đầu tư ngoại mua lại 100% vốn ngân hàng Việt đang trong quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, nhưng đến nay vẫn chưa có thương vụ nào thành công.
Không quá lo ngại khi nới room
Có quan điểm lo ngại việc nới lỏng cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dẫn tới những hệ quả khó kiểm soát, trong khi ngân hàng là một trong những lĩnh vực nhạy cảm với an ninh tiền tệ quốc gia. Tuy nhiên, việc hút vốn ngoại sẽ giúp các ngân hàng trong nước tăng nguồn vốn trung - dài hạn, cũng như để đáp ứng các tỷ lệ an toàn, còn với lo lắng nêu trên là không có cơ sở vì nới room là “cởi mở chứ không thả lỏng”.
Trên thực tế, các ngân hàng cũng mong muốn hút thêm vốn ngoại để nâng cao năng lực vốn, nhất là trước áp lực tiến tới áp chuẩn Basel II cận kề, kể cả nhà băng lớn. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu tối đa của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam; tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một TCTD trong nước không được vượt quá 30%.
Trường hợp, nếu được nới room lên 49% tại ngân hàng thì quyền kiểm soát vẫn thuộc về cổ đông lớn là nhà đầu tư trong nước, chứ không phải các nhà đầu tư ngoại. Trong bối cảnh này, mong muốn của nhà đầu tư ngoại, cũng như bản thân ngân hàng trong nước là nới thêm room cũng là có cơ sở.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài muốn sở hữu từ 10% vốn điều lệ của TCTD Việt Nam trở lên phải đảm bảo có xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức quốc tế có uy tín, tổng tài sản của nhà đầu tư nước ngoài tối thiểu là 10 tỷ USD.
Còn tại Điều 10, đối với các tổ chức nước ngoài muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược phải có tổng tài sản tối thiểu tương đương 20 tỷ USD vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ mua cổ phần, có kinh nghiệm hoạt động quốc tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng từ 5 năm trở lên... Với những điều kiện như vậy, rõ ràng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có thể kiểm soát được những nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có những công cụ kiểm soát hoạt động của các ngân hàng, nên cũng có thể xem xét tới việc nới room thêm cho các đối tác ngoại, sau khi đã cân nhắc kỹ càng. Chúng ta phải thừa nhận rằng, các ngân hàng Việt đang rất cần sự hỗ trợ tài chính và công nghệ, cách thức quản trị ngân hàng theo thông lệ quốc tế trong bối cảnh sắp tới áp dụng Basel II.
Có thể việc nới thêm room cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này cần được cân nhắc thêm và khó thực hiện nới room cho các đối tác ngoại trong một sớm một chiều, nhưng nhà quản lý cũng nên xem xét để có những cơ chế phù hợp, tránh vuột mất cơ hội cho sự phát triển của hệ thống tài chính - ngân hàng. Với nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối, tỷ lệ sở hữu của đối tác ngoại có thể nâng lên 30-49%. Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, có thể linh hoạt theo quy mô, điều kiện từng ngân hàng.
Trong một báo cáo phân tích mới đây, các chuyên gia Moody's đánh giá, hầu hết ngân hàng Việt vẫn sẽ thiếu vốn để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của tiêu chuẩn Basel II chuẩn bị có hiệu lực từ năm 2020. Do đó, việc huy động vốn, chủ yếu từ các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ là tâm điểm chú ý của các ngân hàng Việt trong năm 2019, bởi thị trường vốn Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn phát triển. Tuy nhiên, Moody's cho biết, các ngân hàng Việt được hãng này xếp hạng đã có khả năng sinh lời cao hơn nhờ chênh lệch lãi ròng tăng và chi phí tín dụng thấp hơn.