“Nặng nhẹ” thủ tục xây dựng!

(ĐTCK) Là một trong những vấn đề nóng nhất thời gian gần đây, những phương án “gỡ rối” mớ bòng bong thủ tục đầu tư và cấp phép các công trình xây dựng trong phiên thảo luận Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua rất được dư luận quan tâm.

Sự quan tâm này có nguyên nhân ở chỗ quy định pháp lý quản lý hoạt động xây dựng lâu nay rất chặt, thậm chí chồng chéo ở một số văn bản, một số địa phương, nhưng điều lạ là sai phạm vẫn diễn ra, cơ chế “phạt cho tồn tại” vẫn phổ biến ở nhiều công trình, nhiều địa phương, dù có những công trình, sự vi phạm là rất lớn.

Hiện nay, các chủ đầu tư than phiền rằng, thủ tục triển khai một dự án phải mất nhiều năm, thậm chí cả chục năm. Làm sao để vừa gỡ khó thủ tục cho doanh nghiệp có hoạt động xây dựng, nhưng vẫn đảm bảo sự nghiêm minh đối với các vi phạm là kỳ vọng của không chỉ các đại biểu Quốc hội, mà còn của các thành viên thị trường. 

Tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 18/9, dù đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo trong việc đặt ra mục tiêu của việc sửa đổi Luật Xây dựng lần này là nhằm thiết lập lại trật tự, đơn giản hóa thủ tục hành chính…, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nhiều quy định sửa đổi chưa mang tính triệt để, chưa tạo ra sự đột phá, đồng thời đi theo lối mòn trong cách sửa đổi.

Đặc biệt, hầu hết các đại biểu cho rằng, các nội dung sửa đổi còn mang tính chung chung, chưa giải quyết được các vấn đề phát sinh trên thực tiễn. Theo đó, vấn đề trọng yếu của việc sửa đổi không chỉ đơn thuần nằm ở mặt thay đổi khái niệm, câu chữ mang tính kỹ thuật, mà quan trọng hơn cả là phải đảm bảo được quá trình thực thi các quy định của các cấp chính quyền.

Không phải ngẫu nhiên ý kiến "làm xây dựng mới biết, làm thủ tục xây dựng thời gian là …vô biên" tại  một hội thảo diễn ra trước đó tại TP.HCM lại được nhắc tới để làm ví dụ cho việc đánh giá sửa đổi, và được nhiều đại biểu tán thành.

Nói một cách đơn giản hơn, để có thể triển khai được một dự án, dù đó là công trình xây dựng nhỏ lẻ của người dân, hay công trình chung cư, khu đô thị lớn, theo các quy định hiện hành và kể cả theo nội dung sửa đổi, vẫn phải trải qua quá nhiều "cầu", phải nhờ quá nhiều "cửa".

Chưa kể tình trạng, một dự án đầu tư có cả chục luật điều chỉnh, chồng chéo liên miên, trong khi đó, dự thảo luật lại chưa nêu được rõ chồng chéo ở đâu, tại điều khoản nào.

Chẳng hạn, vấn đề tắc nghẽn cấp sổ đỏ ở nhiều địa phương hàng năm trời được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua là một trong những câu chuyện điển hình có thể nhắc tới. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác về việc xin chuyển đổi mục đích sử dụng cho đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất đô thị xen kẹt…

Hệ quả để lại tất yếu là gánh nặng chồng chéo đó sẽ đổ lên đầu người dân.

Bởi lẽ, với doanh nghiệp, dù có bị chậm tiến độ cấp thủ tục thì cuối cùng họ vẫn có thể bán lại cho đối tác khác để ăn tiền chênh lệch hoặc đơn giản hơn, chi phí phát sinh chậm ngày nào thì họ có thể bổ đầu tính vào giá bán cho người dân mua nhà sau này.

Đó là chưa kể tới thực tế, một bao cát vương vãi của người dân thì biết, nhưng một tòa nhà chọc trời sai phạm lại vô tình "không được" cơ quan chức năng phụ trách việc giám sát, thanh kiểm tra "biết"!? Đến khi thanh kiểm tra, xử lý khắc phục, những người dân, khách hàng vốn là nạn nhân có khi lại phải chịu trách nhiệm chính. Trong khi các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giám sát, quản lý không được xử lý một cách rối ráo, đầy đủ.

“Bên nặng, bên nhẹ” trong cách xử lý đó chính là nguồn cơn tích tụ nhiều bức xúc.

Những câu chuyện về việc hàng trăm khách hàng mắc kẹt không được cấp sổ đỏ tại các dự án như Capital Garden, Golden West, , D7 Đại Kim, chuỗi dự án của Tập đoàn Mường Thanh…, hay mắc kẹt vì dự án không thể về đích như 8B Lê Trực do vi phạm giấy phép xây dựng là những thực trạng đáng buồn thời gian vừa qua.

Vậy nên, việc sửa đổi Luật Xây dựng, giảm thủ tục chồng chéo là cần thiết, nhưng để giải quyết được những vấn đề trọng tâm mang tính cốt lõi, rõ ràng không chỉ cần quyết tâm, mà phải có sự điều chỉnh hợp lý dựa trên những nghiên cứu, đánh giá thực tiễn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục