Năng lượng hoá thạch “nóng” dần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cùng với việc các quốc gia phát triển đang dần mở cửa trở lại khi chấp nhận sống chung cùng đại dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng năng lượng hóa thạch dự kiến sẽ duy trì ở mức cao.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Tâm điểm dầu thô

Dầu thô - năng lượng được sử dụng phổ biến nhất luôn là tâm điểm trên thị trường tài chính và hàng hóa.

Chỉ 2 tháng trước, các tổ chức tài chính lớn như ngân hàng Bank of America hay các công ty năng lượng Glencore, Vitol còn dự đoán giá dầu sẽ đạt 100 USD/thùng.

Nhưng bước sang tháng 8, triển vọng giá dầu trở nên tiêu cực khi cả 3 tổ chức năng lượng uy tín là EIA, IEA và OPEC đồng loạt hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới trong cuối năm nay khi dịch Covid-19 lây lan mạnh tại hầu hết các châu lục và làm giảm triển vọng kinh tế toàn cầu.

Thị trường rơi vào trạng thái hoảng loạn và mất phương hướng sau những phiên giảm giá sâu. Mặc dù vậy, kết thúc tháng 8, giá dầu WTI vẫn đạt 68,5 USD/thùng, tăng hơn 40% so với đầu năm 2021, trong khi giá dầu Brent đạt 71 USD/thùng.

Ủy ban Kỹ thuật JTTC thuộc OPEC và các đồng minh (OPEC+) dự báo, thị trường sẽ tiếp tục thiếu hụt khoảng 900.000 thùng dầu/ngày trong giai đoạn cuối năm 2021.

Đồng thời, Ủy ban điều chỉnh thặng dư dự kiến trong năm 2022 từ 2,5 triệu thùng/ngày xuống 1,6 triệu thùng/ngày, theo đó, tồn kho của OECD duy trì trạng thái thấp hơn trung bình 5 năm cho đến hết tháng 5/2022.

Việc Trung Quốc dỡ bỏ phần lớn các rào cản phong toả chỉ sau 1 thời gian ngắn kiểm soát dịch khiến nhu cầu về dầu của quốc gia này gia tăng trở lại và Chính phủ giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế giúp triển vọng thị trường nhiên liệu tích cực hơn.

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu có thể bước vào giai đoạn tích luỹ quanh vùng 70 USD/thùng trước khi cán cân cung - cầu trở nên rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, với tiến trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 ngày càng được đẩy mạnh, cộng với các gói kích thích kinh tế trên thế giới tiếp tục được bơm ra, có thể kỳ vọng giá dầu sẽ tăng. Một số tổ chức như Goldman Sachs cho rằng, vùng giá 80 USD/thùng vẫn là cột mốc khả thi.

Giá khí tự nhiên cao nhất 3 năm

Khi các quốc gia thúc đẩy mục tiêu giảm thiểu khí thải các-bon, khí tự nhiên ngày càng trở nên nổi bật trong vai trò cầu nối trong tiến trình chuyển đổi như một loại nhiên liệu hoá thạch sạch.

Sử dụng các loại nhiên liệu sạch là xu thế tất yếu, nhưng kinh tế thế giới hiện nay vẫn gắn chặt với các loại năng lượng truyền thống, phần lớn là nhiên liệu hoá thạch.

Lượng khí thải tạo ra ít hơn so với than và dầu thô, trong khi mức giá để đầu tư khai thác và thiết lập các mạng lưới sử dụng lẫn thiết bị tương thích của hộ gia đình tương đối rẻ so với năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, năng lượng xanh đòi hỏi các khoản đầu tư lớn với thời gian hoàn vốn dài hơn so với đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Trên thực tế, cơ sở hạ tầng xanh đòi hỏi nhiều vốn và lao động hơn từ 1,5 đến 3 lần so với hydrocacbon.

Không ngạc nhiên khi nhu cầu của châu Âu đối với khí tự nhiên tăng vọt trong năm 2021, nhất là khi Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy các dự luật bảo vệ môi trường mới, với mục tiêu cắt giảm 55% lượng khí thải CO2 trong năm 2030.

Nhiệt độ cao bất thường trong mùa hè năm nay khiến nhu cầu khí tự nhiên để vận hành hệ thống điều hoà tại châu Á tăng mạnh, đồng thời sản lượng dành cho châu Âu - khu vực tiêu thụ khí tự nhiên lớn thứ hai trên thế giới - bị thắt chặt.

Giá khí tự nhiên hiện đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm, thúc đẩy đà tăng của than - sản phẩm thay thế cho các nhà máy điện, trong khi nguồn cung từ Úc - quốc gia khai thác than lớn nhất thế giới bị gián đoạn vì dịch Covid-19.

Từ đầu năm đến nay, giá than tại Sàn giao dịch liên lục địa (ICE) đã tăng hơn 110%, cao hơn nhiều mức tăng của dầu thô. MXV nhận định, giá than có thể tăng thêm khi cả 2 nguyên nhân chính trên chưa được giải quyết.

Hồng Hoa

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục