Nâng hạng thị trường: Kỳ vọng tháng 9/2021

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán gần đây được tiếp thêm động lực khi công tác nâng hạng thị trường có tiến triển, nhưng nhà đầu tư đang chờ đợi những động thái cụ thể và khẩn trương hơn.
Nhà đầu tư bắt buộc phải có đủ tiền trước khi giao dịch là một trong những điểm khiến thị trường Việt Nam chưa được nâng hạng. Ảnh: Dũng Minh.

Trông người, ngẫm ta

Trong tháng 6/2020, Morgan Stanley Capital International (MSCI) đã công bố kết quả phân loại thị trường năm 2020. Theo đó, không có quốc gia được thêm vào danh sách theo dõi để nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Markets) lên thị trường mới nổi (Emerging Markets).

Một số thị trường cận biên như Bangladesh, Lebanon và Nigeria có điểm đánh giá tiếp cận thị trường giảm. Nếu các tiêu chí đánh giá tiếp tục yếu đi, dự kiến MSCI có thể phân loại các thị trường này vào nhóm thị trường độc lập (Standalone Market).

Điểm đánh giá về thị trường Việt Nam không thay đổi, ngoại trừ một điều chỉnh nhỏ về mục thanh toán bù trừ (Clearing and settlement), đó là MSCI bỏ nhận định “không có cơ sở thanh toán bù trừ chính thức và VSD đóng vai trò là đại lý thanh toán bù trừ” (có thể xem VSD - trung tâm lưu ký, là một cơ sở thanh toán bù trừ chính thức).

Với Kuwait, thị trường này đã đáp ứng các tiêu chí nâng hạng, nhưng do tác động bởi đại dịch Covid-19 nên MSCI thông báo sẽ hoãn việc nâng hạng cho tới tháng 11/2020 so với kế hoạch công bố nâng hạng ngày 10/11/2020 và có hiệu lực từ ngày 1/12/2020.

Tỷ trọng của Kuwait trong rổ thị trường cận biên hiện tại là 25,5% nên khi được nâng hạng sẽ tác động đáng kể đến danh mục của các quỹ đầu tư vào thị trường cận biên.

Ước tính, nếu tỷ trọng của Kuwait được phân bổ lại cho các quốc gia có trọng số lớn nhất trong chỉ số Frontier 100 Index mới (như Việt Nam, Morocco, Kenya, Romania, Bahrain) thì tỷ trọng của Việt Nam có thể tăng từ 11,85% lên 19 - 20%.

Trước đó, tháng 3/2020, một tổ chức xếp hạng thị trường khác là FTSE Rusell đánh giá, Việt Nam có thể nâng hạng lên thị trường mới nổi, sau khi đã đưa Việt Nam vào trong danh sách theo dõi để đánh giá khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng hai (Secondary Emerging) từ tháng 9/2018.

Tuy nhiên, FTSE Russell lưu ý, Việt Nam chưa đáp ứng được tiêu chí chuyển giao đối ứng thanh toán (DvP) - hiện được đánh giá là “hạn chế”, do cơ chế thanh toán nhìn chung vẫn dựa trên quy tắc nhà đầu tư bắt buộc phải có đủ tiền trước khi giao dịch.

Kỳ vọng tháng 9/2021

Các cơ quan quản lý Việt Nam đang nỗ lực xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán (sửa đổi), trong đó có những nội dung được kỳ vọng sẽ đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường.

Nhà đầu tư kỳ vọng hệ thống thanh toán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho các giao dịch cổ phiếu sẽ sớm đi vào vận hành.

Về sở hữu nước ngoài, dự thảo văn bản hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) không cho phép các công ty niêm yết tự quyết định giới hạn sở hữu nước ngoài (room) trong điều lệ công ty. Theo đó, công ty đại chúng sẽ không được phép hạ thấp room, mà phải mở ở mức 100%, trừ một số ngành nghề, lĩnh vực có quy định về room là 49%, hoặc thấp hơn.

Việc không cho doanh nghiệp tự quyết định room sẽ tạo một mặt bằng chung về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong cùng một ngành nghề, đảm bảo tính minh bạch, thống nhất trên thị trường chứng khoán, tạo niềm tin cho nhà đầu tư ngoại.

Trong khi đó, rào cản pháp lý đối với chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) đã được tháo gỡ, sau khi Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), trong đó định nghĩa rõ ràng về NVDR cũng như cơ chế biểu quyết cho người nắm giữ công cụ này.

Về cấu trúc thị trường, việc áp dụng hệ thống thanh toán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho các giao dịch cổ phiếu, cho phép bán khống và giao dịch trong ngày (T+0) sẽ giải quyết vấn đề về pre-funding (tức nhà đầu tư bắt buộc phải có đủ tiền trước khi giao dịch mua chứng khoán) và cải thiện tính thanh khoản của thị trường.

Việt Nam đã và đang áp dụng hệ thống CCP cho sản phẩm phái sinh là giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30 nên đã có kinh nghiệm trong việc triển khai.

Chi tiết về cách thức hoạt động sẽ do Bộ Tài chính quy định, nhưng về cơ bản, nhà đầu tư không cần có đủ tiền trong tài khoản để đặt lệnh mua và có thể chỉ phải đặt cọc 10 - 20% giá trị giao dịch tính đến cuối phiên giao dịch.

Tuy nhiên, tiền hay chứng khoán ký quỹ được chia theo các chức năng khác nhau để lưu ký và thanh toán bù trừ. Vì vậy, ngân hàng giám sát cần phải xin cấp giấy phép thanh toán bù trừ.

Điều này có thể dễ dàng đối với ngân hàng trong nước, nhưng khá phức tạp đối với ngân hàng nước ngoài. Ngoài ra, hệ thống giao dịch, thanh toán cần nâng cấp toàn diện để đáp ứng hệ thống CCP.

Liên quan đến giao dịch, Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 203/2015/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán, trong đó bổ sung quy định về cơ chế bán khống, cơ chế giao dịch trong ngày, công cụ ngắt mạch thị trường chứng khoán.

Bán khống (short sales) ở Việt Nam được hiểu là bán khống có đảm bảo. Về cơ bản, nhà đầu tư sẽ vay cổ phiếu (hoặc chứng chỉ quỹ niêm yết) từ một tổ chức cho vay chứng khoán và hợp đồng được đăng ký tại hệ thống thuộc VSD gọi là SBL (hệ thống vay và cho vay chứng khoán) trước khi thực hiện bán. Nhà đầu tư sẽ cần phải đóng vị thế bằng việc mua đúng lượng cổ phiếu đã vay để hoàn trả bên cho vay chứng khoán.

Hợp đồng vay trong SBL sẽ bao gồm các điều khoản về tài sản đảm bảo, lãi suất cho vay, kỳ hạn và giải quyết tranh chấp…

Nhà đầu tư phải mở một tài khoản bán khống có bảo đảm tại một công ty chứng khoán được phép thực hiện bán khống. Đó có thể là một tài khoản riêng hoặc một tài khoản phụ trong tài khoản giao dịch của nhà đầu tư.

Sở giao dịch chứng khoán sẽ quyết định danh sách các cổ phiếu đủ điều kiện được phép bán khống, với các tiêu chí xác định trước của UBCK về vốn hóa thị trường, hiệu quả hoạt động kinh doanh, tính thanh khoản...

Những điểm mới kể trên, đặc biệt là UBCK đang dự thảo Đề án nâng hạng thị trường chứng khoán để cụ thể hóa mục tiêu và định hướng nâng hạng trong thời gian tới, sẽ giúp thị trường tiến gần hơn với thông lệ quốc tế. Kỳ vọng, thị trường Việt Nam sẽ được FTSE Russell nâng hạng vào tháng 9/2021, khi CCP đi vào hoạt động, còn MSCI thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng từ năm 2022.

Trần Vũ Cường

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục