Hiện tại, bà đánh giá như thế nào về tiến trình nâng hạng của TTCK Việt Nam?
Mỗi một tổ chức xếp hạng có những tiêu chí riêng biệt để xem xét xếp hạng TTCK của từng nước. Nhìn chung, các tổ chức đều chia thành tiêu chí định lượng và tiêu chí định tính.
Tuy nhiên, khi đi sâu vào từng tiêu chí cụ thể, có tiêu chí liên quan trực tiếp đến TTCK nhưng cũng có tiêu chí chủ yếu liên quan đến kinh tế vĩ mô. Theo đó, việc nâng hạng không chỉ phụ thuộc vào vấn đề riêng của TTCK mà còn phụ thuộc vào tình hình nội tại của nền kinh tế.
Trong giai đoạn vừa qua, dịch bệnh Covid-19 tác động sâu rộng đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam.
Ngày 8/4/2020, Morgan Stanley Capital International (MSCI) đã ra thông báo hoãn nâng hạng Kuwait lên thị trường mới nổi cho tới kỳ đánh giá và phân loại thị trường bán niên vào tháng 11/2020 do tác động bởi đại dịch, dù Kuwait vẫn đáp ứng các tiêu chí để được nâng hạng.
TTCK Việt Nam đã được FTSE đưa vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng hai vào tháng 9/2018. Theo báo cáo đánh giá tạm thời vào tháng 3/2020, FTSE tiếp tục đánh giá Việt Nam có thể nâng hạng lên thị trường mới nổi.
FTSE dự kiến sẽ công bố kết quả xếp hạng thị trường đối với Việt Nam trong tháng 9/2020.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, khả năng nâng hạng của TTCK Việt Nam hiện tại chưa rõ ràng và sẽ có thể bị chậm lại do yếu tố chủ quan và khách quan. Tôi tin rằng, khả năng nâng hạng thị trường sẽ rõ nét hơn kể từ năm 2021.
Theo bà, đâu là những điểm còn vướng mắc trên con đường nâng hạng?
Theo đánh giá của FTSE từ tháng 3/2019, Việt Nam cơ bản đã đáp ứng các tiêu chí cốt lõi để được nâng hạng lên thị trường mới nổi, chỉ có tiêu chí về lưu ký, thanh toán bù trừ là chưa đạt.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. |
Thị trường hiện nay vẫn yêu cầu công ty chứng khoán kiểm tra trạng thái tài khoản đủ tiền hoặc đủ chứng khoán thì mới cho khách hàng giao dịch.
Trong khi đó, thông lệ quốc tế cho thấy, tiền không nhất thiết phải có sẵn trên tài khoản tại ngày giao dịch (T+0) mà khách hàng chỉ cần đảm bảo đến ngày thanh toán (T+2) có đủ tiền trên tài khoản.
Ngoài ra, theo đánh giá của FTSE, Việt Nam còn gặp hạn chế ở khía cạnh giao dịch và khung pháp lý.
Tuy nhiên, về tiêu chí thanh toán bù trừ, sắp tới, khi hệ thống thanh toán bù trừ chứng khoán thực hiện theo mô hình đối tác trung tâm (CCP) của thị trường cơ sở đi vào vận hành trên nền tảng công nghệ mới sẽ cho phép nhà đầu tư không cần ký quỹ 100% khi giao dịch mà chỉ cần ký quỹ từ 10 - 20% như trên TTCK phái sinh.
Do vậy, tôi cho rằng, tiêu chí này sẽ được các tổ chức xếp hạng xem xét và đánh giá lại.
Đối với các vấn đề liên quan đến giao dịch, Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 203/2015/TT-BTC về hướng dẫn giao dịch chứng khoán.
Theo đó, dự thảo đã bổ sung các quy định về cơ chế bán khống; bổ sung, sửa đổi một số nội dung liên quan đến cơ chế giao dịch trong ngày (T+0); bổ sung công cụ ngắt mạch TTCK.
Sau khi hệ thống công nghệ thông tin mới đưa vào vận hành thông suốt thì hoạt động giao dịch trong ngày sẽ được phép triển khai. Như vậy, đây là tín hiệu tích cực để khẳng định TTCK Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện để tiệm cận với thông lệ quốc tế, tăng khả năng tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Luật Chứng khoán được kỳ vọng sẽ tạo cú huých giúp TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng. Bà đánh giá như thế nào về khả năng này?
Luật Chứng khoán (sửa đổi) có hiệu lực từ đầu năm 2021 tạo cơ sở, nền tảng pháp lý cho giai đoạn phát triển mới của TTCK, góp phần cải thiện chất lượng nguồn cung, giúp nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường, tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả.
Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tăng niềm tin của thị trường.
Qua đó, khuyến khích mạnh mẽ tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK, tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả hơn cho nền kinh tế.
Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý kỳ vọng Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn sẽ tạo được tín hiệu tích cực đối với các tổ chức xếp hạng uy tín, từ đó thúc đẩy quá trình nâng hạng của TTCK Việt Nam.
Việc định hướng mục tiêu nâng hạng và thực hiện các giải pháp để đáp ứng tiêu chí nâng hạng sẽ giúp Việt Nam thực hiện được cả 2 mục đích cùng lúc: vừa nâng hạng TTCK, tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận tiến bộ về hệ thống tài chính phát triển, liên thông đồng bộ, vừa thực hiện một cách hiệu quả mục tiêu phát triển TTCK theo các đề án đã ban hành.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang dự thảo Đề án nâng hạng TTCK để cụ thể hóa mục tiêu và định hướng nâng hạng trong thời gian tới.
Về khả năng nâng hạng thị trường, cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Tài chính đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự thảo Đề án nâng hạng TTCK để cụ thể hóa mục tiêu và định hướng nâng hạng trong thời gian tới.
Dự thảo Đề án đặt ra mục tiêu phấn đấu nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025, tùy vào điều kiện cụ thể của nền kinh tế. Đây cũng là mục tiêu đặt ra tại Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019.
Dự thảo Đề án cũng định hướng cụ thể cách thức, lộ trình và khả năng thực hiện. Theo đó, xét trong ngắn hạn, tổ chức nào có khả năng đáp ứng để nâng hạng trước thì làm trước, tổ chức nào có khả năng đáp ứng để nâng hạng sau thì làm sau.
Xét về dài hạn, tổ chức nào có tầm ảnh hưởng quan trọng hơn tới dòng vốn đầu tư nước ngoài khi nâng hạng thị trường thì cần đặt trọng tâm chính sách của Việt Nam theo tiêu chí của tổ chức đó.
Với FTSE cũng như các quỹ ETF, vấn đề quan tâm nhất là tháo gỡ vướng mắc về giới hạn sở hữu (room) cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo bà, đâu là các giải pháp, chính sách phù hợp để thu hút vốn ngoại?
Theo bảng tiêu chí đánh giá định tính của MSCI và FTSE Russell, TTCK Việt Nam hiện còn một số điểm hạn chế, cần cải thiện, trong đó có nội dung về giới hạn sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu rằng, mức độ mở cửa thị trường phụ thuộc vào đặc điểm chính trị, kinh tế, trình độ và định hướng phát triển của từng quốc gia.
Việt Nam vẫn là nền kinh tế đang phát triển, một số ngành nghề kinh tế còn tương đối non trẻ và kém cạnh tranh, cần sự định hướng của Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc nới lỏng khả năng tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài cần có lộ trình cụ thể và phù hợp với lộ trình phát triển kinh tế của quốc gia.
Ở các quốc gia khác (kể cả các quốc gia phát triển), các ngành chiến lược và ngành ảnh hưởng tới an ninh quốc gia vẫn chịu hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Vì vậy, cần xem xét đến các yếu tố khác để thu hút thêm dòng vốn nước ngoài mà không nên đặt trọng tâm vào việc mở cửa thị trường.
Tôi cho rằng, chính sách bền vững để thu hút dòng vốn nước ngoài là tạo hàng hóa có chất lượng, quy mô vốn lớn đáp ứng nhu cầu đầu tư chiến lược của nhà đầu tư nước ngoài, giảm thiểu lượng cổ phiếu có tỷ lệ tự do chuyển nhượng thấp trên thị trường, tăng khả năng tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.