Nâng hạng thị trường chứng khoán: Con đường sáng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với sự theo đuổi các chính sách và giải pháp phát triển thị trường của Chính phủ, kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng theo đúng kế hoạch đặt ra.
TTCK khi được nâng hạng lên mới nổi sẽ thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài. TTCK khi được nâng hạng lên mới nổi sẽ thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Mục tiêu quan trọng

Các cơ quan quản lý đang phấn đấu đưa hệ thống KRX vào giao dịch trong năm 2022, thử nghiệm giao dịch T+2, T+1,5 trong thời gian tới nhằm hoàn thành mục tiêu được đề ra trong Đề án Tái cơ cấu thị trường chứng khoán năm 2020 và định hướng 2025.

So sánh với với thị trường chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc), được xem như một trong bốn “con hổ” của châu Á, quy mô vốn hóa thị trường Việt Nam trên GDP ở mức 93,5%, tương đương với thị trường Đài Loan giai đoạn 1990 (hiện tại Đài Loan ở mức 229%) và số lượng tài khoản chứng khoán/dân số chỉ tương đương giai đoạn 1988 (hiện tại Đài Loan ở mức 87,2%). Điều này cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của quá trình tăng trưởng và còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Trên những cơ sở đó, BSC đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 3-5 năm tới sẽ phát triển tích cực, mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi sẽ được hiện thực hóa vào năm 2025 khi các tổ chức xếp hạng FTSE, MSCI đã có những ghi nhận nhất định về sự phát triển của thị trường.

Tỷ lệ người dân tham gia chứng khoán sẽ sớm đạt 8%. Kỳ vọng 10 năm tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường tầm cỡ, quan trọng trong khu vực.

Trong những năm gần đây, quy mô thị trường, số lượng nhà đầu tư tăng trưởng vượt bậc và đã đạt mục tiêu của Chính phủ định hướng năm 2025. Thị trường đang trong giai đoạn chuyển biến mạnh về quy mô nhưng cần cải thiện về chất lượng để hướng tới phát triển bền vững.

Các quy định pháp lý luôn được cập nhật nhằm bắt kịp với xu hướng phát triển thị trường. Trong thời gian qua, nhiều hoạt động thao túng, làm giá đã bị ngăn chặn và xử lý trả lại sự công bằng cho nhà đầu tư, giúp bình ổn và đưa thị trường chứng khoán về quỹ đạo phát triển bền vững hơn. Nhằm đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư, cơ quan quản lý tiếp tục đẩy mạnh hoạt động điều hành, giám sát, thanh kiểm tra hoạt động giao dịch trên thị trường.

Về nâng cao chất lượng các tổ chức trung gian, cơ cấu hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán giảm số lượng và tăng chất lượng dịch vụ thông qua triển khai công nghệ và Fintech. Đây cũng là yếu tố quan trọng để triển khai và cung cấp các sản phẩm mới cho nhà đầu tư cũng như đảm bảo an toàn cho hệ thống giao dịch.

Về phát triển hệ thống giao dịch, đa dạng các sản phẩm chứng khoán, thời gian giao dịch sẽ được rút ngắn từ T+3 xuống chiều T+2 trong tháng 8/2022. Lộ trình giảm thời gian thanh toán xuống T+0, cho phép nhà đầu tư giao dịch thấu chi và ký quỹ theo thông lệ quốc tế cũng được công bố và có lộ trình rõ ràng.

Bên cạnh chứng khoán phái sinh hợp đồng tương lai bộ chỉ số và trái phiếu chính phủ, các sản phẩm mới như hợp đồng tương lai cổ phiếu, quyền chọn mua bán cổ phiếu… cũng cần sớm triển khai. Với nhiều công cụ giao dịch có tính chất đối xứng sẽ tránh hiện tượng nhà đầu tư tập trung nhiều vào một công cụ, qua đó, có thể ảnh hưởng và chi phối bóp méo thị trường cơ sở.

Về phát triển hàng hóa và nhà đầu tư trên thị trường, sau giai đoạn bùng nổ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và niêm yết mới giai đoạn 2017- 2018, thị trường đang cần thêm các hàng hóa mới có chất lượng.

Tăng cung thị trường cần thực hiện thường xuyên và tránh tập trung vào một thời điểm trên cơ sở đánh giá tổng thể tương quan cung - cầu từng giai đoạn.

Ngược lại, về phía cầu, chất lượng nhà đầu tư cần có sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ bảo hiểm, quỹ tương hỗ, các quỹ hưu trí tự nguyện… Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, đào tạo phát triển nhà đầu tư cá nhân hướng tới chuyên nghiệp.

Việc nâng hạng thị trường không chỉ thu hút thêm dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường, mà còn là quá trình thực hiện nhiều thay đổi lớn, hội nhập quốc tế và giúp cho thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch, lành mạnh và có sức hấp dẫn hơn với nhà đầu tư nói chung.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong hơn 3 năm gần đây, nhưng cơ hội nâng hạng của thị trường chứng khoán chưa có chuyển biến rõ ràng. Đây là một trong nội dung được cơ quan quản lý theo đuổi và quá trình đó cũng sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho thị trường chứng khoán.

Chung tay phát triển thị trường

Thị trường chứng khoán là một thị trường bậc cao, phức tạp và bao gồm nhiều mắt xích quan trọng. Nhắc đến sự phát triển của thị trường chứng khoán, chúng ta không thể không đề cập đến vai trò của các thành viên tham gia bao gồm cơ quan điều hành, các tổ chức phát hành, các tổ chức trung gian và các nhà đầu tư chứng khoán.

Với cơ quan điều hành, quan điểm của lãnh đạo Bộ Tài chính gần đây về việc xây dựng cơ chế bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của thị trường, tập trung vào các giải pháp quản lý, phát triển thị trường; nâng cao công tác giám sát, thanh kiểm tra các công ty đại chúng, không đại chúng khi huy động vốn, tránh hiện thao túng làm giá nhằm phát triển thị trường chứng khoán theo hướng an toàn, công khai, minh bạch được thị trường đánh giá cao.

Với tổ chức phát hành, minh bạch trong công bố thông tin, trong sử dụng vốn phát hành, quản trị doanh nghiệp; tập trung nâng cao hiệu quả doanh nghiệp và đối xử công bằng với nhà đầu tư.

Với các tổ chức trung gian như công ty chứng khoán, tổ chức kiểm toán, tổ chức thanh toán bù trừ, cần tuân thủ triệt để các quy định luật pháp và đạo đức nghề nghiệp; thực hiện công bố thông tin và chế độ báo cáo. Ngoài ra, các cơ quan này cũng cần phối hợp với cơ quan điều hành tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức, kiến thức tài chính cho nhà đầu tư.

Kỳ vọng 10 năm tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường tầm cỡ, quan trọng trong khu vực ASEAN.

Với nhà đầu tư chứng khoán, khi thu nhập bình quân đầu người tăng lên trên mức trung bình sẽ kéo sự phát triển nhanh chóng của hoạt động đầu tư trong nhiều năm tới tại Việt Nam.

Nếu như hoạt động đầu tư của nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài khá chuyên nghiệp thì sự phát triển nhanh chóng của khối nhà đầu tư cá nhân chưa kịp trang bị kiến thức đầy đủ lại thường có ảnh hưởng bất lợi đến sự ổn định của thị trường.

Trong thực tế, khối nhà đầu tư này rất dễ tổn thương khi thị trường giảm điểm do thường đầu tư theo trào lưu và tâm lý FOMO rất cao. Do vậy, nhà đầu tư cần trang bị những kiến thức cần thiết, có thông tin đầy đủ, hiểu biết các kiến thức tài chính, chuẩn bị các phương án kiểm soát được rủi ro.

Cùng với sự theo đuổi các chính sách và các giải pháp phát triển thị trường, nếu các thành viên tham gia thị trường tuân thủ và có sự chuẩn bị phù hợp như trên, chúng tôi tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ không ngừng phát triển và trở thành thị trường tầm cỡ, quan trọng trong khu vực trong 10 năm tới.

Bùi Nguyên Khoa
Công ty Chứng khoán BSC

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục