Nâng cấp thị trường lao động để đón đầu hội nhập

(ĐTCK) Lao động được xem là một trong những trọng tâm trong nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam sẽ tham gia sắp tới, do đó, Việt Nam cần nhanh chóng nâng cao trình độ và kỹ năng cho người lao động cũng như hoàn thiện thị trường cung ứng lao động để đón bắt những cơ hội lớn mà những hiệp định này mang lại.
Dệt may là một trong những ngành có xu thế cầu việc làm tăng mạnh thời gian tới Dệt may là một trong những ngành có xu thế cầu việc làm tăng mạnh thời gian tới

Đó là khuyến nghị được các chuyên gia quốc tế đưa ra tại Lễ ra mắt Dự án Xây dựng báo cáo thị trường lao động thường niên do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức giữa tuần này.

Đánh giá về thực trạng thị trường lao động Việt Nam hiện nay, ông William Smith, Chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Phát triển Hải ngoại của Anh cho rằng, Việt Nam có một thị trường lao động rất tiềm năng. Theo số liệu khảo sát, tính đến năm 2013, Việt Nam có khoảng 52,2 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó, lao động có độ tuổi từ 15 - 29 chiếm tới 49,5%, với 70% ở khu vực nông thôn và 30% ở khu vực thành thị. Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế như trong tổng số hơn 52 triệu lao động thì có tới 41% không có kỹ năng nghề… Bên cạnh đó, theo ILO, lực lượng lao động Việt Nam đang tăng chậm lại với mức tăng 0,86%/năm trong giai đoạn 2015 - 2020 do dân số đang có xu hướng già đi.   

Theo dự báo của ông William Smith, xu thế cầu việc làm tại Việt Nam sẽ tăng mạnh trong các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới, đặc biệt là trong các ngành điện tử và dệt may, bởi đây là những ngành sẽ được hưởng lợi ngay sau khi Việt Nam ký kết và đưa vào thực thi Hiệp định TPP, cũng như từ xu thế chuyển dịch đầu tư tới đây.

“Nhu cầu lao động tại Việt Nam sẽ chịu tác động trực tiếp từ một số yếu tố lớn, nên sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Thứ nhất, là từ lợi ích tiềm ẩn của TPP đối với các ngành xuất khẩu như da giày, dệt may, điện tử. Hai là nhiều công ty đa quốc gia đang có xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc và một phần trong số đó được dự báo sẽ chuyển vào Việt Nam. Ba là dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc cũng sẽ chảy mạnh vào Việt Nam để không bỏ lỡ cơ hội từ TPP khi Việt Nam ký kết. Với những yếu tố này, thị trường lao động Việt Nam sẽ có những chuyển biến lớn với việc gia tăng rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động”, ông William phân tích.

Tuy nhiên, theo khuyến nghị của các chuyên gia ILO, xu thế cầu việc làm tăng mạnh một mặt mang lại những cơ hội tiềm năng cho người lao động cũng như thị trường lao động Việt Nam, song mặt khác cũng là những thách thức lớn đối với thị trường này.

“Hiện Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với lực lượng lao động có kỹ năng và có kỷ luật. Lao động Việt Nam phần nhiều thiếu hụt các kỹ năng mềm bao gồm khả năng quản lý, làm việc nhóm và năng lực giao tiếp”, ông William nói và cho rằng, hiện đang tồn tại một sự bất cập lớn giữa cung - cầu lao động tại thị trường Việt Nam. Sự bất cập này thể hiện ở chỗ, trong khi nhu cầu nhân lực đang ngày càng lớn về chuyên gia nhân sự, các chuyên viên giỏi về kỹ thuật, thương mại điện tử và kỹ năng marketing sử dụng kỹ thuật số cũng như các lao động có kỹ năng tiếng Anh về chuyên ngành kỹ thuật, thì thị trường lao động lại thừa cung về kế toán, kiểm toán, ngân hàng. Sự bất cập này nếu không được điều chỉnh và khắc phục kịp thời sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới năng lực cung ứng nguồn lao động có khả năng đáp ứng yêu cầu.

Nhận định về xu hướng phát triển của thị trường lao động Việt Nam trong thời gian tới, bà Nicola Connolly, Chủ tịch Eurocham, Giám đốc Quốc gia Công ty Adecco Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam xác định mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 thì ngay từ bây giờ Chính phủ rất cần có các chính sách thiết thực và phù hợp nhằm tăng năng suất lao động trong các lĩnh vực để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 7 - 8%/năm đến năm 2020. Theo bà Nicola, dự kiến sẽ có khoảng 6 triệu việc làm được tạo ra đến năm 2025 khi AEC trở thành hiện thực và Việt Nam được đánh giá là một trong 25 thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng đến năm 2025.

“Mặc dù vậy, cũng theo tính toán của chúng tôi, vào năm 2018, 40 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra hàng năm, ít hơn so với 42,6 triệu người dự kiến sẽ gia nhập thị trường lao động. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 thấp hơn dự báo, mức chênh lệch này sẽ còn mở rộng hơn nữa. Trong điều kiện hội nhập, khả năng cạnh tranh về lao động sẽ ngày càng trở nên gay gắt, do đó, Việt Nam cần nâng cấp thị trường lao động cũng như trình độ, kỹ năng và năng suất lao động của người lao động, mới có thể đón bắt được những cơ hội lớn từ quá trình hội nhập”, bà Nicola khuyến nghị.  

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục