Công bố thông tin: Điều kiện cần những chưa đủ
Theo xu thế chung của thế giới, nhiều công ty niêm yết Việt Nam đang hướng tới công bố những thông tin phi tài chính ra công chúng, bên cạnh các thông tin tài chính.
Hình ảnh về các công ty sẽ trở nên hoàn chỉnh hơn nhờ những thông tin phi tài chính như hệ thống quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro, các tác động đến môi trường...
Ông Phạm Thái Hùng, Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán, Thị trường vốn và Tư vấn Kế toán, PwC Việt Nam.
Các bên có quyền lợi liên quan có thể đánh giá được các tác động của chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp một cách toàn diện hơn và một phần nào đó, đánh giá được đạo đức, triết lý kinh doanh của doanh nghiệp với tư cách là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng.
Điều kiện tiên quyết để đảm bảo chất lượng cũng như độ tin cậy của bất kỳ một báo cáo nào, đó là tính trung thực và minh bạch.
Cụ thể hơn, báo cáo đó cần phản ánh hiện trạng và tiềm năng của doanh nghiệp và những vấn đề liên quan. Một báo cáo nhiều nội dung bề nổi, màu mè, mang tính khoa trương, tránh đề cập những vấn đề nổi cộm thì không thể là một báo cáo có chất lượng.
Chẳng hạn, một tổ chức kinh tế có thể gặp khó khăn trong kinh doanh tại một thời điểm nào đó, nhưng tổ chức đó vẫn có thể phát hành một báo cáo thường niên có độ tin cậy cao, nếu nội dung của báo cáo đó phản ánh một cách chính xác và đầy đủ tình hình hoạt động, những rủi ro liên quan, thách thức và cơ hội của ngành nghề kinh doanh, tác động của hoạt động kinh doanh đến những đối tượng có liên quan...
Tuy nhiên, công bố thông tin chỉ là một phần trong chiến lược nâng cao uy tín của doanh nghiệp.
Trên thế giới đã có một số nghiên cứu về cách nâng cao uy tín doanh nghiệp. Các nghiên cứu này đưa ra các biện pháp cụ thể khác nhau, nhưng nhìn chung đều cùng đề cập đến một số điểm đáng chú ý:
Thứ nhất, hội đồng quản trị và ban quản lý (tức là những cá nhân nắm các vị trí cấp cao trong công ty) cần phải có tiếng nói bao quát và quyết liệt về tính trung thực, tính minh bạch trong việc quản lý doanh nghiệp và công bố thông tin ra công chúng.
Thứ hai, doanh nghiệp nhất định cần có một hệ thống quản trị, nhằm bao quát quyền và trách nhiệm của hội đồng quản trị, quản lý rủi ro, quy trình lập và sử dụng báo cáo tài chính, dự đoán dòng tiền và kết quả hoạt động trong tương lai... Tùy vào quy mô doanh nghiệp, hệ thống quản trị có thể lớn hoặc nhỏ, chính thức hoặc không chính thức, nhưng không thể không có.
Thứ ba, doanh nghiệp không thể không dựa vào những dịch vụ hỗ trợ từ bên thứ ba độc lập.
Thứ tư, nhà đầu tư cần hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, bởi vì tiếng nói của một tập thể các nhà đầu tư sẽ có đủ trọng lượng để thúc đẩy những thay đổi cần thiết trong doanh nghiệp.
Thái độ và quan điểm của những thành viên hội đồng quản trị và ban quản lý có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao uy tín của doanh nghiệp. Hiểu một cách đơn giản, thái độ của lãnh đạo là nền tảng đạo đức của doanh nghiệp. Nhiệm vụ của họ không chỉ là thiết lập các quy tắc ứng xử, mà còn phải áp dụng chúng một cách triệt để.
Giai đoạn từ năm 2000 trở lại đây, thế giới đã chứng kiến sự sụp đổ hay những vụ gian lận gây chấn động tại nhiều doanh nghiệp đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng như Enron, Tyco, Fannie Mae ở Mỹ, Parmalat ở Pháp, HIH Insurance ở Úc, hay FlowTex ở Đức. Không phải những doanh nghiệp này không có các hệ thống quản trị hay kiểm soát nội bộ. Cũng không phải là họ không có những bản báo cáo thường niên dày hàng trăm trang.
Vấn đề là tất cả những gian lận tài chính này đều do nhân sự cấp cao gây ra. Khi một doanh nghiệp có sự tập trung quyền lực quá lớn vào tay của một số ít cá nhân trong hội đồng quản trị hoặc ban quản lý, thì họ sẽ dễ dàng vượt qua các quy trình kiểm soát nội bộ để thực hiện các giao dịch có lợi cho bản thân.
Hệ thống quản trị
Hệ thống quản trị có thể giúp nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp. Quan trọng là hệ thống này phải đi vào thực chất. Một ví dụ là các bản cáo bạch hay báo cáo thường niên thông thường có phần trình bày về quản trị rủi ro.
Lĩnh vực hay ngành nghề nào cũng có rủi ro và bản chất của kinh doanh là biết chấp nhận một mức rủi ro nhất định để có được lợi nhuận mong muốn. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần phải có các quy trình và quy tắc nhận biết, đánh giá, xử lý và giám sát rủi ro.
Rủi ro có thể đến từ các yếu tố vĩ mô như nền kinh tế hay ngành kinh doanh và các yếu tố vi mô liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đã niêm yết không có các quy trình chính thức để kiểm soát rủi ro và phần nhiều chỉ dựa vào kinh nghiệm, trình độ của ban lãnh đạo, thì phần miêu tả về quản lý rủi ro là không thực chất.
Tính trung thực của báo cáo thường niên vì thế giảm đi và không còn hoặc có ít ý nghĩa hay tác dụng đối với nhà đầu tư.
Nói một cách khác, chất lượng của các thông tin mà doanh nghiệp công bố trên thị trường phải dựa trên một nền tảng quản trị vững chãi. Chỉ có như vậy thì các thông tin này mới có độ tin cậy cao và có thể nâng tầm uy tín của doanh nghiệp.
Hai chủ đề nói trên thuộc phạm vi nội bộ một doanh nghiệp. Chỉ những người trong cuộc mới thực sự hiểu mức độ hiệu quả và trung thực của ban lãnh đạo và bộ máy quản trị.
Để nâng cao độ tin cậy của doanh nghiệp, đặc biệt trong mắt của nhà đầu tư hay công chúng, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ đảm bảo của một hoặc nhiều bên thứ ba độc lập.
Nhà đầu tư Việt Nam đã quen thuộc với khái niệm báo cáo tài chính giữa niên độ phải được soát xét và báo cáo tài chính thường niên phải được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán độc lập được cấp phép kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng.
Đây là hai dịch vụ thông dụng nhất. Một số doanh nghiệp niêm yết còn đi xa hơn bằng cách sử dụng các dịch vụ kiểm toán cho các báo cáo phi tài chính, ví dụ báo cáo về phát triển bền vững.
Nhưng những dịch vụ này cũng chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp sự đảm bảo hợp lý trên các thông tin quá khứ của doanh nghiệp.
Trong khi đó, các thị trường phát triển đã sử dụng nhiều loại dịch vụ đảm bảo khác từ rất lâu.
Chẳng hạn, ở Mỹ, theo Đạo luật Sarbanes-Oxley, các công ty niêm yết phải thuê kiểm toán viên để kiểm toán không chỉ báo cáo tài chính, mà còn cả tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ liên quan đến công tác lập báo cáo tài chính.
Nghĩa là, kiểm toán viên không chỉ đơn thuần kiểm toán các số liệu và thuyết minh trên báo cáo tài chính, họ còn phải hiểu, đánh giá và kiểm tra các quy trình kiểm soát liên quan đến báo cáo tài chính.
Nhiều thị trường khác không bắt buộc các công ty niêm yết phải thuê kiểm toán hệ thống kiểm soát nội bộ (nhằm giảm gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp), nhưng mỗi khi một doanh nghiệp phát hành hay niêm yết chứng khoán, pháp luật yêu cầu kiểm toán viên độc lập phát hành thư xác nhận về tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ và khả năng doanh nghiệp tiếp tục hoạt động bình thường trong tương lai.
Trách nhiệm của hội đồng quản trị và nhà tư vấn hay bảo lãnh phát hành được luật hóa. Cả hai đối tượng này phải xác nhận bằng văn bản với cơ quan chức năng và sở giao dịch chứng khoán trong bản cáo bạch rằng, họ hài lòng về hệ thống kiểm soát nội bộ và khả năng doanh nghiệp tiếp tục hoạt động bình thường.
Họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những xác nhận đó.
Đồng thời, môi trường pháp lý của những thị trường này tạo điều kiện để cổ đông dễ dàng tiến hành việc khởi kiện các tổ chức phát hành hoặc nhà tư vấn phát hành nếu cung cấp sai thông tin, gây thiệt hại cho cổ đông.
Vì thế, hội đồng quản trị và nhà tư vấn phát hành cần có một bên thứ ba độc lập thực hiện việc kiểm tra và đánh giá về hai vấn đề nói trên.
Với những quy định trên, London và Hồng Kông là hai thị trường chứng khoán tầm cỡ quốc tế mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư hướng đến, vì tính minh bạch, vì pháp luật hướng tới bảo vệ nhà đầu tư, vì chất lượng và quy mô của các dòng vốn.
Việt Nam chưa có những quy định cụ thể như vậy, nhưng để nâng cao uy tín, doanh nghiệp Việt Nam nên xem xét áp dụng các thông lệ tốt nhất, trong đó bao gồm việc sử dụng các dịch vụ đảm bảo.
Các cơ quan chức năng cũng cần xem xét về khả năng tăng cường các quy định cụ thể về trách nhiệm của hội đồng quản trị và ban quản lý, cũng như của các nhà tư vấn hay bảo lãnh phát hành.
Vai trò của nhà đầu tư
Nhà đầu tư với tư cách là chủ sở hữu có thể đóng góp vào việc nâng cao tín nhiệm của doanh nghiệp. Thông qua các kênh liên lạc mà pháp luật cho phép, nhà đầu tư cần tích cực tham gia vào quá trình nâng cao hệ thống quản trị của doanh nghiệp.
Họ cần hiểu rằng, mình có quyền được biết thông tin và thông tin đó phải chính xác, đáng tin cậy và đầy đủ. Hơn nữa, nhà đầu tư cần thực hiện quyền đó một cách triệt để.
Trên thực tế, hành động vì lợi ích cổ đông đang là một xu hướng chủ đạo trên thế giới, cho dù doanh nghiệp có muốn hay không. Một trong những lợi ích của xu hướng này chính là sự thúc đẩy nhân sự cấp cao của doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm một cách nghiêm chỉnh và đầy đủ.
Một hệ thống có đưa ra yêu cầu giám sát và bị giám sát là một hệ thống có khả năng đảm bảo doanh nghiệp hoạt động minh bạch và có trách nhiệm.
Nói tóm lại, việc nâng cao tín nhiệm của doanh nghiệp trước công chúng không dừng lại ở việc công bố thông tin. Chúng ta cần hiểu đúng những yếu tố có tác động lớn đến đạo đức và trách nhiệm của doanh nghiệp.
Những thông tin được công bố hay những bản báo cáo của doanh nghiệp là sản phẩm của một hệ thống quản trị doanh nghiệp sâu rộng, trong đó bao gồm ban lãnh đạo, hệ thống kiểm soát nội, quản trị rủi ro, kế toán tài chính...
Cả hai yếu tố nhân sự và quy trình đều quan trọng trong việc đảm bảo tính hữu hiệu và hiệu quả của hệ thống quản trị.
Ngoài ra, độ tin cậy của doanh nghiệp có thể và nên được kiểm chứng bởi bên thứ ba độc lập. Đó là những công ty dịch vụ chuyên nghiệp với bề dày kinh nghiệm; họ không chỉ kiểm chứng các thông tin hay hệ thống kiểm soát của doanh nghiệp, mà còn có thể cung cấp các khuyến nghị hữu ích.
Và không kém phần quan trọng chính là thái độ và hành động của nhà đầu tư, những người chủ thực sự của doanh nghiệp.
Có thể, một nhà đầu tư nhỏ lẻ không thể tạo ra nhiều thay đổi, nhưng khi tập hợp lại, các nhà đầu tư có thể tạo ra được một lực lượng đủ mạnh để đẩy mạnh quá trình phát triển bền vững của doanh nghiệp.