Nhận định của ông về vai trò của thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay?
Tôi cho rằng, tín dụng tiêu dùng cần phải phát triển hơn nữa mới có thể đúng tính chất, vai trò của lĩnh vực này. Tại các nước trong khu vực, tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 15 - 25% tổng dư nợ, ở Mỹ và các nước phát triển chiếm 35 - 40% thì hiện ở Việt Nam, cho vay tiêu dùng chiếm khoảng 6% tổng dư nợ. Bên cạnh đó, cho vay tiêu dùng hiện chủ yếu liên quan đến nhà ở và ô tô, điều này có nghĩa, sản phẩm chưa đa dạng.
Một vấn đề tôi muốn đề cập đến là trong thị phần tín dụng tiêu dùng thì tới 80% là của các NHTM, còn các công ty tài chính trong và ngoài nước đang chiếm tỷ trọng nhỏ 20%. Con số này cũng cần phải thay đổi theo hướng công ty tài chính nâng dần tỷ trọng lên.
Đặc biệt, chỉ số liên quan đến tiếp cận dịch vụ ngân hàng của Việt Nam còn thấp. Số người lớn có tài khoản ngân hàng hiện nay chiếm khoảng 25 - 27% (Trung Quốc khoảng 64%); chỉ số khác liên quan đến máy ATM, chi nhánh NHTM tính trên đầu người hay số người dùng thẻ tín dụng của Việt Nam khá thấp so với khu vực. Điều này cho thấy, thói quen, văn hóa vay tiền tiêu dùng của người Việt chưa phải là cao nên cần có thời gian.
Tóm lại, tiềm năng phát triển tốt nhưng cần phải hoạt động bài bản và minh bạch ngay từ đầu.
Tín dụng tiêu dùng hiện đang mang tiếng là cho vay nặng lãi, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Cần tìm hiểu kỹ hơn bản chất vấn đề. Thứ nhất, ưu điểm của loại hình này là nhanh gọn, cho vay nhiều khi không cần tài sản thế chấp và nhiều món nhỏ lẻ cũng được đáp ứng; tức là cho vay tiêu dùng rủi ro hơn so với cho vay thông thường, do đó, việc khách hàng chịu mức lãi suất cao hơn là tất yếu.
Bên cạnh đó, cho vay lãi suất cao hay thấp, tùy thuộc vào giá đầu vào, lãi suất huy động vốn của các công ty tài chính và NHTM.
Thứ hai, lãi suất còn tùy thuộc vào mức độ rủi ro của khách hàng đi vay. Nếu vay dài, rủi ro cao, lãi suất sẽ cao hơn.
Thứ ba, trong trường hợp quá hạn, đương nhiên phải chịu phạt, lãi suất phạt rất cao. Do đó, cần phải xem rõ, những điều kêu ca, phàn nàn đó trong bối cảnh nào.
Bên cạnh câu chuyện “nóng” của tín dụng tiêu dùng là lãi suất còn vấn đề thu hồi nợ. Nếu so sánh bức tranh về vấn đề thu hồi nợ tại nước ngoài với Việt Nam, ông sẽ nói gì?
Thu hồi nợ ở nước ngoài nói chung dễ dàng hơn, bởi quan trọng là ngân hàng nắm được khách hàng chắc chắn do thông tin đầy đủ, minnh bạch hơn, song song với đó là khả năng cưỡng chế và thực thi pháp luật lớn hơn nhiều. Ví dụ, sinh viên vay tín dụng tiêu dùng, quá hạn không trả nợ, sẽ có thông báo về trường, trên cơ sở đó nhà trường sẽ phối hợp chặt chẽ với ngân hàng, tòa án, pháp luật xử lý…
Nói chung là hiệu lực pháp lý mạnh hơn trong khi ở Việt Nam mình là phối kết hợp, chủ yếu dựa vào quan hệ, thiện chí hợp tác của các bên nên hiệu quả không cao.
Liên quan đến thu hồi nợ cho vay tiêu dùng của Việt Nam, hiện nay chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng chắc chắn hoạt động ngân hàng nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng là có nợ xấu. Vấn đề là mỗi một ngân hàng, một công ty tài chính chấp nhận rủi ro đến bao nhiêu và sẵn sàng phân tán, chia sẻ rủi ro như thế nào.
Thực tế, công tác thu hồi nợ rất khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà pháp luật dường như chưa mạnh tay xử lý đối với các con nợ chây ỳ không chịu trả nợ và các chế tài đặt ra cũng chưa đủ mạnh. Theo ông, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh mẽ nào?
Thu hồi nợ nói chung và xử lý nợ xấu nói riêng, thường có một số vướng mắc về pháp lý, vấn đề này sẽ cần được hoàn thiện cho tốt hơn như liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo.
Bên cạnh đó, câu chuyện này còn liên quan đến thị trường mua bán nợ (kể cả nợ xấu); theo đó, các món vay thẻ tín dụng, nhà ở hay nợ xấu tương đồng có thể gom lại bán hay chứng khoán hóa; thêm vào đó, tính cưỡng chế của pháp luật cần sự phối kết hợp của các Bộ ban ngành có liên quan.
Ông có cho rằng, chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận thu hồi nợ khó khăn một phần do nhận thức của người đi vay? Giải pháp nào cho câu chuyện này?
Nhận thức của người đi vay liên quan đến việc vay và trả nợ; tính tuân thủ pháp luật (tuân thủ hợp đồng đã ký kết); thiện chí hợp tác là rất quan trọng đối với hoạt động tín dụng, đặc biệt là cho vay tín chấp.
Muốn cho thị trường này phát triển, ngoài nỗ lực của ngành ngân hàng và công ty tài chính cần phải làm rõ thêm vai trò của người đi vay và sự phối kết hợp cơ quan ban ngành liên quan như nêu trên; bên cạnh đó, hệ thống khung pháp lý cũng cần quy định rõ ràng hơn về quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt là các quyền cưỡng chế, xử lý tài sản đảm bảo, chuyển nhượng nợ của bên cho vay.
Bản thân hệ thống ngân hàng cũng cần phải chủ động tăng giáo dục nhận thức, hiểu biết về tài chính ngân hàng của người dân. Các hoạt động tài chính ngân hàng cũng cần công khai minh bạch hơn, ví dụ như hệ thống chấm điểm, yêu cầu về thủ tục, phí đối với khách hàng cần được công bố rộng rãi hơn.
Điều 483 Luật Dân sự áp trần lãi suất cho vay theo lãi suất cơ bản, theo ông, quy định này tác động như thế nào đến tín dụng tiêu dùng?
Việc áp trần sẽ làm méo mó đến hoạt động tín dụng nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng. Cụ thể, khi áp trần, đặc biệt trong cho vay tiêu dùng chủ yếu tín chấp, rủi ro hơn, lãi suất thường phải cao hơn.
Lãi suất phạt phải theo quy định của TCTD và được sự thỏa thuận của cả 2 bên. Nếu áp dụng trần 150%, trên cơ sở lãi suất cơ bản do NHNN công bố hiện ở mức 6% như vậy trần phạt chỉ có 9%, mà với cho vay tiêu dùng, khách hàng sẽ chấp nhận phạt để quá hạn.
Theo đó, quy định lãi suất nên để luật chuyên ngành chi phối, thay vì Luật Dân sự vừa không trúng và cũng không phù hợp. Còn chống cho vay nặng lãi có nhiều cách, như tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng, đẩy mạnh việc công khai minh bạch và tính thượng tôn pháp luật, tăng cường phát triển tài chính vi mô, quỹ tín dụng/đầu tư (ở các nước gọi là quỹ tương hỗ), thẻ tín dụng… sẽ giảm bớt tín dụng đen, gây bất ổn trật tự, đảm bảo an toàn xã hội.