Đón đầu nhu cầu tín dụng tiêu dùng ở thị trường mới nổi

(ĐTCK) Với cơ cấu dân số trẻ, mỗi năm, một lượng lớn người Việt gia nhập thị trường lao động và thu nhập của họ cũng theo đà tăng trưởng qua từng năm. Vì thế, ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Trong 3 đến 4 năm tới, khả năng tỷ lệ người sử dụng dịch vụ tài chính tiêu dùng sẽ gia tăng từ 20 - 30%/năm.
Tỷ lệ người sử dụng dịch vụ tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vài năm tới dự báo tăng từ 20 - 30%/năm - Ảnh: Hoài Nam Tỷ lệ người sử dụng dịch vụ tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vài năm tới dự báo tăng từ 20 - 30%/năm - Ảnh: Hoài Nam

Tiềm năng tín dụng tiêu dùng

Việt Nam được xem là thị trường tài chính tiêu dùng đầy tiềm năng khi vẫn còn nhiều người dân chưa được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, nhất là với thị trường tín dụng tiêu dùng. Có những yếu tố chính giải thích cho triển vọng này:

Thứ nhất, Việt Nam xếp thứ 14 trong các nước đông dân nhất thế giới với quy mô dân số trên 90 triệu người và có tỷ lệ dân số trẻ khá cao.

Thứ hai, Việt Nam là quốc gia đang phát triển với nền kinh tế năng động và thu nhập của người dân tăng trưởng mỗi năm.

Ngay cả khi nền kinh tế vĩ mô chưa hoàn toàn hồi phục như hiện nay, thì ngành tài chính tiêu dùng vẫn đang phát triển rất mạnh mẽ và có tỷ lệ tăng trưởng đều đặn mỗi năm. Vì thế, khi tình hình kinh tế được cải thiện, tỷ lệ tăng trưởng đối với loại hình tín dụng tiêu dùng cá nhân sẽ còn gia tăng ấn tượng hơn nữa, khoảng 20 - 30%/năm.

Thực tế, trong 5 - 6 năm qua, tại Việt Nam, ngày càng có nhiều công ty gia nhập thị trường tài chính tiêu dùng. Một số ngân hàng cũng bắt đầu mua lại các công ty tài chính và gia nhập thị trường này.

VPBank đã tham gia thị trường tài chính tiêu dùng với thương hiệu FE Credit và đã chuyển đổi thành công sang một pháp nhân mới là Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng từ cuối năm 2014.

FE Credit gia nhập thị trường từ 5 năm trước và trong thời gian qua, chúng tôi đã chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ về tất cả các chỉ số. Bắt đầu mọi thứ từ con số 0, hiện FE Credit là một trong những công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam.

Hiện nay, FE Credit có mức tăng trưởng về số lượng khách hàng cao hơn so với mức trung bình 20 - 30% của thị trường và là một trong những đơn vị có mức tăng trưởng cao nhất.

Thời gian qua, mỗi tháng Công ty thu hút trên 100.000 khách hàng. Có nhiều lý do để khách hàng ưu tiên lựa chọn FE Credit, trong đó một phần quan trọng là vì Công ty có sản phẩm phù hợp với các phân khúc người tiêu dùng và vẫn đang tiếp tục giới thiệu thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ mới.

Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit 

Cạnh tranh sẽ dần khốc liệt

Theo xu hướng, cạnh tranh trong ngành tín dụng tiêu dùng sẽ ngày càng khốc liệt do ngày càng có nhiều công ty tài chính và tổ chức tín dụng tham gia vào thị trường. Nhưng với cơ sở và tiềm năng của thị trường Việt Nam còn rất lớn, cơ hội khai thác còn nhiều, người dân sẽ được tiếp cận nhiều sản phẩm tối ưu, dịch vụ khách hàng tốt hơn cũng như với mức lãi suất cạnh tranh hơn.

Như vậy, tổng quan trong năm 2015 và các năm tiếp theo, ngành tài chính tiêu dùng sẽ chứng kiến một tương lai tươi sáng. Khi sự cạnh tranh giữa các đơn vị khai thác ngày càng tăng, người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn cho mình.

Để có thể đẩy mạnh phát triển thành công loại hình dịch vụ tín dụng tiêu dùng, điều quan trọng là làm thế nào nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về loại hình tín dụng này một cách tích cực và đúng đắn hơn.

Việc nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng nói chung về ngành tín dụng cá nhân là một vấn đề phổ biến không chỉ tại Việt Nam, mà còn tại các quốc gia khác trên thế giới. Đối với thị trường Việt Nam, ngành tín dụng tiêu dùng vẫn đang trong giai đoạn sơ khởi, hơn 80% khách hàng sử dụng dịch vụ là những khách hàng lần đầu tiên trải nghiệm dịch vụ tài chính cá nhân.

Do đó, kiến thức của họ về ngành này vẫn chưa vững vàng, trách nhiệm của các tổ chức tín dụng là nâng cao kiến thức cho khách hàng, minh bạch hóa các điều khoản cũng như hỗ trợ khách hàng khi cần thiết.

FE Credit luôn tuân thủ chính sách cho vay có trách nhiệm với khách hàng: đảm bảo khách hàng hiểu rõ về lãi suất, các loại phí khi sử dụng dịch vụ. Các nhân viên tư vấn tín dụng của Công ty cùng khách hàng xem xét các khoản mục được nêu trong hợp đồng và hỗ trợ giải đáp tận tình những thắc mắc của khách hàng. Bộ phận chăm sóc khách hàng gọi điện đến từng khách hàng để giải thích các điều khoản hợp đồng và đảm bảo khách hàng hiểu rõ các vấn đề này.

Quá trình nâng cao nhận thức của người dân sẽ cần rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, đây không phải là khó khăn riêng tại thị trường Việt Nam, mà là vấn đề chung ở tất cả các thị trường mới, đòi hỏi các công ty tài chính tiêu dùng phải có lộ trình rõ ràng và các chuyên gia giàu kinh nghiệm để xử lý vấn đề này.

Nắm bắt được yêu cầu trên, FE Credit đã đầu tư và phát triển quy trình kinh doanh, dịch vụ tiên tiến giúp khách hàng nâng cao kiến thức về tài chính tiêu dùng. Đây là mối quan hệ hai chiều giữa người cho vay và thị trường: khách hàng cần có trách nhiệm khi ký kết hợp đồng và nhân viên tư vấn cần có nhiệm vụ giúp khách hàng hiểu rõ các điều khoản trong hợp đồng trước khi ký kết. Khi nhận thức của người tiêu dùng được cải thiện theo thời gian, loại hình tín dụng cá nhân này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.

Quản lý được rủi ro

Khi nhiều công ty gia nhập thị trường tài chính, lãi suất có xu hướng sẽ điều chỉnh. Nếu so sánh tương quan các kết quả giữa năm trước với năm nay, có thể thấy lãi suất cho vay tiêu dùng có sự cải thiện đáng kể. Một số khách hàng sẽ tìm đến những công ty phục vụ tốt, một số khác sẽ tìm đến những công ty có hệ thống phân phối tốt, sẽ có những khách hàng tìm đến các sản phẩm có mức lãi suất phù hợp với họ. Và như vậy, lẽ dĩ nhiên các công ty tài chính tiêu dùng sẽ có sự cạnh tranh về giá và lãi suất.

Tuy nhiên, ngành tài chính tiêu dùng yêu cầu công tác quản trị rủi ro rất tốn kém và cần chi phí rất cao để quản lý những khoản vay có giá trị nhỏ. Như vậy, các công ty tài chính mới gia nhập thị trường và mong muốn sử dụng giá như một đòn bẩy cần nhận biết được rủi ro trong giảm giá và thiết lập một cơ chế giá phù hợp. Nếu không, họ sẽ gặp rất nhiều thách thức trong quá trình phát triển và gây ảnh hưởng đến thị trường. Cuộc cạnh tranh về giá hay về một khía cạnh nào đó là tốt, nhưng phải hợp lý.

Có những yếu tố sau đây đóng góp vào lãi suất của khoản vay tín dụng tiêu dùng và khiến lãi suất sản phẩm cho vay tiêu dùng cao hơn so với sản phẩm vay của ngân hàng thương mại.

Thứ nhất là chi phí vốn của công ty tài chính cao do công ty tài chính không có chức năng huy động vốn trực tiếp từ các cá nhân.

Thứ hai là giá trị của khoản vay thấp, kỳ hạn vay ngắn (khoảng từ 6 - 8 tháng, thậm chí 4 - 5 tháng) dẫn đến các chi phí đòi nợ, chi phí quản lý khoản vay, chi phí phục vụ cao hơn bình thường.

Thứ ba là do ngành tài chính tiêu dùng có rủi ro tín dụng cao hơn so với ngân hàng bán lẻ hay ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, khi tách bóc các chi phí và khoản vay phải thanh toán, chúng ta sẽ thấy mức lãi suất là hợp lý và lợi nhuận từ một khoản vay tương đối phù hợp so với chi phí mà công ty phải bỏ ra trên một khoản vay. Và thực tế, các loại chi phí này khá ổn định, do đó giá sản phẩm vay tiêu dùng trong thời gian tới sẽ không có nhiều biến chuyển lớn.

Một điểm cần lưu ý là tín dụng tiêu dùng phục vụ các nhu cầu đặc thù của người dân. Với những khách hàng không tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng, nếu không được phục vụ tại công ty tài chính tiêu dùng, có thể họ sẽ đi vay thị trường “chợ đen” với lãi suất cao hơn rất nhiều so với mức lãi suất mà các tổ chức tín dụng đưa ra. Chính lúc này, vai trò của công ty tín dụng tiêu dùng trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân quan trọng hơn bao giờ hết.

Các yếu tố sau đây sẽ quyết định sự thành công trong việc quản lý khoản vay của ngành tín dụng tiêu dùng, đó là sự tự động hóa, quản lý tập trung, quy trình ra quyết định, sự áp dụng các thẻ điểm để đánh giá khách hàng và cuối cùng là đào tạo kỹ năng cho nhân viên tham gia vào quá trình quản lý và thu hồi nợ. Đây là những yếu tố rất quan trọng được chia sẻ bởi các công ty tín dụng tiêu dùng.

Trong thực tiễn, về phương thức thực hiện, các yếu tố kể trên phức tạp hơn so với ngành ngân hàng bán lẻ, do ngành tín dụng tiêu dùng có lượng khách hàng có thu nhập thấp và trung bình nhiều hơn. Thế nên, cần có những kỹ năng chuyên môn đặc thù hơn để có thể thực hiện tốt công tác quản lý nhóm khách hàng đông đảo này. Bất cứ công ty tài chính nào có thể quản lý, xử lý nợ xấu tốt và muốn trở thành đơn vị dẫn đầu thị trường thì phải thực hiện, triển khai hiệu quả những yếu tố liên quan đến quản trị rủi ro.

Tại FE Credit, trong thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện triệt để vấn đề này để luôn kiểm soát con số nợ xấu ở mức tốt nhất. So với năm trước đó, năm 2014, chỉ số nợ xấu của Công ty đã được cải thiện đáng kể, giảm khoảng 10-12% so với năm trước và duy trì ở mức một con số.

Với chất lượng tốt của danh mục hiện tại, FE Credit có thể khẳng định tỷ lệ nợ xấu của Công ty đang thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam cũng như hầu hết các tổ chức cho vay tiêu dùng khác.

Trong 5 năm qua, FE Credit đã thu hút được rất nhiều khách hàng mới tham gia vay tín chấp. Công tác quản trị rủi ro nợ xấu của Công ty đã được thực hiện tốt giúp cho cho việc quản lý nợ xấu nằm trong tầm kiểm soát. Đó cũng là cơ sở mà FE Credit có thể tự tin tiếp tục phát triển xa hơn nữa trong tương lai.

Kalidas Ghose
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục