Theo dự báo của nhiều nhà băng, tín dụng đối với phân khúc khách hàng này sẽ được cải thiện, tuy nhiên, điều đó còn tùy thuộc vào xu hướng lãi suất cũng như giá bất động sản điều chỉnh.
Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Nam A Bank cho hay, dư nợ cho vay mua nhà tại Nam A Bank chiếm khoảng 26% tổng dư nợ cho vay cá nhân. Theo ông Tâm, tín dụng nhà ở tăng trưởng ổn định và có xu hướng phát triển tốt trong năm 2014 một phần là do lãi suất cho vay nói chung và cho vay mua nhà nói riêng đã giảm khá mạnh, xoay quanh mức 10%/năm, cộng với giá bán nhà khá hợp lý.
“Đây là thời điểm khá thuận lợi để mua nhà để ở. Do đó, Nam A Bank hướng đến phân khúc khách hàng này và kỳ vọng từ nay đến cuối năm, tín dụng nhà ở tiếp tục tăng trưởng tốt”, ông Tâm nói và cho biết, hiện Nam A Bank đang cho vay mua nhà lãi suất từ 9,9%/năm, áp dụng theo dư nợ giảm dần; mức cho vay thông thường là 70% giá trị căn hộ/căn nhà mua; thời gian cho vay bình quân từ 10 - 15 năm.
Phó tổng giám đốc VietCapital Bank, ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết, hiện tổng dư nợ tín dụng cho vay mua bất động sản của Ngân hàng chiếm khoảng 24% trên tổng dư nợ của khối tín dụng cá nhân. Lãi suất cho vay mua nhà được VietCapital Bank áp dụng từ 7,5%/năm (3 tháng đầu) đối với khoản vay ngắn hạn và từ 8,5%/năm (12 tháng đầu) đối với khoản vay trung, dài hạn. Sau đó, mức lãi suất cho vay được áp dụng với biên độ cộng thêm khoảng 3,5 - 4%. Dự báo lãi suất có thể giảm dần trong thời gian tới là tín hiệu tốt để tín dụng phân khúc này tăng trưởng, nhất là khi thị trường bất động sản đang trong giai đoạn điều chỉnh giá và ngày càng nhiều chủ đầu tư tung ra các gói ưu đãi dành cho người mua nhà. Dự kiến, đầu năm 2015, Viet Capital Bank sẽ triển khai một chương trình ưu đãi được thiết kế dành riêng cho khách hàng cá nhân mua nhà.
Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, tỷ trọng cho vay mua nhà của HDBank hiện chiếm gần 30% tổng cho vay, nhưng nợ xấu của loại hình này vẫn nằm trong mức độ kiểm soát. Với gần 200 dự án liên kết, cùng với chính sách lãi suất ưu đãi 6,8 - 9%/năm ổn định từ 3 - 12 tháng (tính trên dư nợ thực tế của khách hàng vay), hạn mức vốn cấp lên đến 80% nhu cầu vốn, HDBank đang từng bước đẩy mạnh vốn cho khách hàng cá nhân vay mua nhà.
Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank, sở dĩ tín dụng cho vay mua nhà tăng là do lãi suất cho vay đã và đang được điều chỉnh giảm, bên cạnh giá bất động sản cũng xuống mức hợp lý. Đây là thời điểm phù hợp để các khách hàng cá nhân có thể tính đến việc vay vốn mua nhà để an cư hoặc đầu tư. Vì thế, triển vọng về tín dụng vay mua nhà sẽ còn tăng từ nay đến cuối năm và cả trong năm sau.
Trên thực tế, khi vay vốn mua nhà, vấn đề khách hàng quan tâm nhất là lãi suất, do thời gian vay dài và còn phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô có tác động đến thu nhập của người vay hay không? Tuy nhiên, hiện nền kinh tế đã ổn định, lạm phát được kiểm soát, thanh khoản các ngân hàng tốt, lãi suất huy động ổn định, nên việc giữ lãi suất cho vay ở mức hợp lý là việc các ngân hàng có thể đảm bảo. Vì thế, về phía khách hàng, có thể yên tâm hơn khi vay mua nhà, trong khi các ngân hàng cũng tích cực đẩy mạnh tín dụng ở mảng này, nhằm đón đầu sự ấm lên của phân khúc nhà ở giá phù hợp.
Mặc dù vậy, vẫn có không ít khách hàng lo ngại, sau thời hạn ưu đãi, lãi suất cho vay thực tế sẽ ra sao và liệu các NHTM có đẩy lãi suất tăng cao để bù trừ chi phí ưu đãi trước đó? Điều này cũng được nhiều ngân hàng băn khoăn khi tìm hiểu lãi suất để cho vay vốn mua nhà.
Trao đổi về vấn đề này, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, với mặt bằng lãi suất dự báo giảm dần khi lạm phát kiểm soát mức thấp, sẽ là điều kiện tốt cho cá nhân xem xét vay vốn mua nhà để ở. Nhưng để tín dụng ở phân khúc này có thể “chảy”, theo TS Lịch, không chỉ ở vấn đề lãi suất, mà ngay cả với chủ đầu tư dự án bất động sản cũng nên xem xét giảm giá bán.